Tình yêu cảm động chiến thắng ung thư xương - Bài 2: Sự sống nảy mầm từ cái chết

13/02/2015 23:03 GMT+7

(TNO) “Mẹ ơi mẹ không có chân à? Con có chân này, sau này con lớn con cõng mẹ đi làm nhé”, Hà ứa nước mắt khi nghe cậu con trai 2 tuổi, Đinh Hải Phong thủ thỉ bên tai mình. Có nằm mơ, chị cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có được ngày hôm nay.

(TNO) “Mẹ ơi mẹ không có chân à? Con có chân này, sau này con lớn con cõng mẹ đi làm nhé”, Hà ứa nước mắt khi nghe cậu con trai 2 tuổi, Đinh Hải Phong thủ thỉ bên tai mình. Có nằm mơ, chị cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có được ngày hôm nay.

tinh-yeu-phi-thuong-cua-nguoi-chong-giup-vo-chien-thang-ung-thu-xuongGia đình hạnh phúc của chị Hà, anh Mạnh - Ảnh: Cẩm Giang
Cuối năm 2010, sức khỏe của Hà dần hồi phục. Chị tăng cân, mọc lại tóc, khối u bị khống chế chỉ còn ở mỏm cụt của chiếc chân bị cưa.
Bác sĩ Ngô Quang Cử (Bệnh viện K2), người trực tiếp điều trị cho Hà đến nay vẫn nhớ như in hình ảnh cô bệnh nhân bé nhỏ và người chồng của chị, anh Đinh Văn Mạnh, ngày ngày cõng chị qua các bậc thang bệnh viện.
Bác sĩ Cử kể lại, Hà được chẩn đoán ung thư xương, phải điều trị bằng hóa chất. Theo bác sĩ Cử, trường hợp của Hà đến nay vẫn là một sự kỳ diệu của y học, đến ông cũng rất khó lý giải. Rất nhiều người bị ung thư xương như Hà nhưng không thể qua khỏi. “Y học chỉ hỗ trợ 50% thôi, Hà là một cô gái bản lĩnh, có nghị lực, nhận được sự yêu thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đặc biệt là người chồng, tất cả những điều này đã giúp cô ấy khỏe mạnh trở lại”, bác sĩ Cử nói.
Mạnh cõng Hà ra viện. Cả khoa nhi năm ấy có Hà và 2 người khác may mắn sống. Còn lại, 47 người lần lượt chết ngay trong viện, hoặc đưa về quê để chờ chết.
Mạnh đưa Hà về Bắc Giang để bố mẹ đẻ tiện chăm sóc. Anh ở lại Hà Nội, làm tất cả mọi việc, từ xe ôm, bốc vác, sửa chữa để trả tiền thuê nhà, trả nợ những khoản đã vay trước đó, tiền gửi bố mẹ nuôi Hà. Sau cùng, anh quyết định rời Hà Nội, về Bắc Giang “ở rể”, dù có khó khăn nhưng vợ chồng được gần nhau cũng đỡ hơn.
Rải hồ sơ xin việc khắp nơi, Mạnh trúng tuyển vào một công ty của Đài Loan ở đây. Hà dần khỏe hơn.
Năm 2012, Hà có thai. Cả nhà đều khuyên Hà bỏ đứa bé, vì sợ cô vừa truyền lượng lớn hóa chất vào người, sức khỏe yếu, đứa bé sinh ra khó mà lành lặn. Bác sĩ cũng không dám chắc em bé có khỏe mạnh. Hà khóc, và nhất quyết bảo, chị nhất định phải làm mẹ. Mạnh thương vợ, đánh cuộc với ông trời.
Ngày nào Mạnh và Hà cũng trò chuyện với con: “Con yêu ơi, bố mẹ mong con ra đời lắm”.
Một ngày tháng 9.2012, Mạnh run lên từng hồi khi vợ vào phòng sinh mổ. Ngồi bất động từ sáng đến trưa, Mạnh chỉ biết cầu nguyện. Đến khi có tiếng cô y tá bảo Mạnh vào đón con, anh phải tự tay tát mình 2 cái vào má để tin đó là sự thật.
Bé Đinh Hải Phong, nặng 4 kg, khỏe mạnh, khôi ngô. Phong lớn lên, bi bô tập nói, chạy nhảy khắp nhà, con thích ăn dưa hấu nên Mạnh bảo với Hà, nhất định phải gọi con là “bé dưa hấu”. “Bé dưa hấu” từ nhỏ đã được bố dạy dỗ rất nghiêm khắc để không “bắt nạt” mẹ, cháu ăn dặm từ khi 4 tháng tuổi vì mẹ Hà rất ít sữa.
Càng lớn, Phong càng kháu khỉnh, thông minh. Cháu sà vào lòng mẹ, âu yếm: “Mẹ ơi, mẹ không có chân à? Con có chân này, sau này con lớn con cõng mẹ đi làm nhé”. Hà ôm con, nước mắt chảy ra.
tinh-yeu-phi-thuong-cua-nguoi-chong-giup-vo-chien-thang-ung-thu-xuongĐinh Hải Phong, cháu bé được sinh ra sau 2 năm chị Hà chiến thắng bệnh ung thư xương. Cháu hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh - Ảnh: Cẩm Giangtinh-yeu-phi-thuong-cua-nguoi-chong-giup-vo-chien-thang-ung-thu-xuongGia đình của Mạnh, Hà và bé Phong luôn tràn ngập tiếng cười - Ảnh: Cẩm Giang
Ở đâu có tình yêu, ở đó là sự sống
Hà còn một chân, chị nhảy lò cò trong nhà, đi ra ngoài thì dùng nạng nhưng Mạnh tuyệt đối bảo vợ không phải làm gì, kể cả quét nhà, rửa bát. “Chỉ cần em vui và khỏe thôi. Mọi thứ khác cứ để anh lo”, Mạnh nói với Hà.
Mạnh mỗi ngày phóng xe máy gần 10 km lên thành phố Bắc Giang làm việc. Mỗi sáng anh dậy sớm nhất nhà để giặt quần áo, phơi lên dây, quét nhà cửa, đi chợ, nấu đồ ăn sáng và đồ ăn trưa cho Hà ở nhà, nhắc Hà uống tam thất đầy đủ, đưa con đến lớp, rồi mới đến công ty.
Hà thông minh, giỏi nghiệp vụ, chị mới xin được công việc làm kế toán tại nhà cho một số công ty nhỏ. Cuộc sống của gia đình nhỏ đã đỡ vất vả hơn. Mạnh bảo, anh chị đã vượt qua được những vực thẳm của tuyệt vọng, bước đến sự sống từ cái chết, mọi sự khó khăn bây giờ có thấm vào đâu.
Một gian nhà nhỏ bố mẹ vợ cho Hà và Mạnh đã được anh tu sửa thành một căn hộ ấm áp, tất cả mọi vật dụng đều được để thấp, ngang tầm với Hà. Nhà lúc nào cũng có ổi xanh, xoài xanh - từ khi cưới nhau đến giờ, vì Mạnh biết đấy là món khoái khẩu của vợ.
Anh trồng hoa hồng, hoa thược dược, cây môi son trước cửa để đón Tết đang đến, lại cắm cả một bình cây tài lộc trên bàn làm việc của Hà để chị thấy được thư giãn.
tinh-yeu-phi-thuong-cua-nguoi-chong-giup-vo-chien-thang-ung-thu-xuongGia đình Mạnh, Hà, bé Phong tại biển Quất Lâm, Nam Định, quê nội - Ảnh: Lương Thutinh-yeu-phi-thuong-cua-nguoi-chong-giup-vo-chien-thang-ung-thu-xuongThông minh, giỏi nghiệp vụ, chị Hà đã được nhiều công ty mời làm kế toán, ưu tiên chị có thể làm việc tại nhà - Ảnh: Cẩm Giang
Anh không cho Hà ra ngoài đường. Nhưng những ngày đặc biệt như sinh nhật chồng, chị lén nhờ em gái chở mình ra chợ, tự tay đặt bánh, chọn tấm áo cho chồng, mua rau củ để về 2 mẹ con cùng tự tay nấu một bữa ăn - dù vụng về. Vì vừa làm vừa nhảy lò cò, có khi loạng choạng đổ cả rổ rau…
Mạnh và Hà vẫn cõng nhau đi khắp những nẻo đường làng ở Xuân Phú, Bắc Giang, khắp thôn quê ở Hải Hậu, Nam Định. Họ cõng nhau trên cát của bãi biển Quất Lâm, trên những con đường tấp nập tiếng còi xe của phố phường Hà Nội.
Hà vẫn uống tam thất, thường xuyên trở lại Bệnh viện K để theo dõi bệnh. Kết quả rất khả quan.
Những hành trình của hai vợ chồng không còn đơn độc nữa, họ đã có Hải Phong. Con Hải Phong chạy trước, bố Mạnh cõng mẹ Hà chạy theo sau. Với cả Hà và Mạnh, ở đâu có tình yêu, ở đó là sự sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.