Việc gia súc, thủy hải sản mắc bệnh chết và cơ quan chức năng hết vắc xin, hóa chất xử lý hồ nuôi, chuồng trại... như đã trở thành một “điệp khúc buồn” tại Quảng Trị. Lần này đến lượt tôm nuôi.
Ngày 30.5, ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Trị) cho hay từ đầu tháng 4 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có trên 80 ha tôm nuôi của người dân bị chết do bệnh gan tụy, đốm trắng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ hóa chất xử lý hồ nuôi cũng như hỗ trợ thiệt hại vì tôm chết hầu như không diễn ra vì... không có kinh phí.
tin liên quan
Bệnh lở mồm long móng bùng phát, chi cục thú y lại hết sạch vắc xinSở NN-PTNT Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cấp ngay 857 triệu đồng để Chi cục Thú y Quảng Trị mua 30.000 liều vắc xin phòng dịch lở mồm long móng, vốn đã hết sạch từ cuối năm 2015.
Theo ông Huân, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 1.000 ha và bệnh gan tụy, đốm trắng có nguy cơ lan nhanh vì thời tiết ở Quảng Trị những ngày này mưa nắng bất thường, hồ tôm bị bệnh lại không được xử lý bằng hóa chất.
“Bệnh gan tụy, đốm trắng chỉ cần sau 2 ngày phát bệnh là tôm sẽ chết. Bệnh dễ lây lan nếu không được xử lý tốt”, ông Huân nói.
|
Trước đó, để hỗ trợ người dân xử lý hồ tôm nuôi, ngày 23.2 và ngày 23.5, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Trị đã gửi tờ trình đề nghị Sở Tài chính trình UBND tỉnh Quảng Trị xem xét phê duyệt kinh phí 923,6 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi đáp.
Ngày 10.12.2015 và ngày 3.3, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra các quyết định phê duyệt lần lượt 1,4 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhưng đến nay, tiền hỗ trợ vẫn chưa thể đến tay người dân.
tin liên quan
Hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do hải sản chếtNgày 16.5, UBND tỉnh Quảng Trị họp bàn giải pháp cứu trợ người dân vùng biển bị thiệt hại do hải sản chết bất thường.
Đây không phải là lần đầu tiên Quảng Trị lâm vào hoàn cảnh trớ trêu này.
Như Thanh Niên đã thông tin, giữa tháng 2, dịch lở mồm long móng bùng phát, Chi cục Thú y tỉnh này cấp báo không còn liều vắc xin nào. Tiếp đó, giữa tháng 4, dịch heo tai xanh nổ ra nhưng ngành chức năng địa phương cũng “kêu trời” vì hết vắc xin và hóa chất xử lý chuồng trại.
Bình luận (0)