Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội

06/01/2016 14:27 GMT+7

Nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề, tập trung vào một số vấn đề trong đó có việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động...

Nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề, tập trung vào một số vấn đề trong đó có việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Ngọc ThắngTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016) diễn ra sáng nay (6.1) tại Hội trường Diên Hồng - nhà Quốc hội.

70-nam-quoc-hoiToàn cảnh buổi lễ kỷ niệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại thời khắc lịch sử cách đây 70 năm, chỉ 5 tháng sau khi giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng 8, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

“Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ. Việt Nam không chỉ đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước”, Tổng bí thư nhìn nhận.

Theo Tổng bí thư, trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ ĐBQH luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tổng bí thư cũng khẳng định bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân ủy thác.

Nhấn mạnh với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, Tổng bí thư cho rằng nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề, tập trung vào một số vấn đề trong đó có việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh hoạt động lập pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí nguyện vọng của nhân dân; triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước. 

Từ thực tiễn 15 năm hoạt động nghị trường, nguyên Phó chủ tịch nước - Phó chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa chia sẻ: nếu ĐBQH tiếp xúc, gắn bó chặt chẽ, lắng nghe ý nguyện, chia sẻ cuộc sống của cử tri và nhân dân sẽ có nhiều thông tin thiết thực từ thực tiễn, tránh được tình trạng chủ quan, duy ý chí trong việc góp ý, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Quốc hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri và nhân dân.

"Ngược lại, nếu mối quan hệ này lỏng lẻo, không khăng khít, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì hơi thở của cuộc sống không vào được với Quốc hội, hệ quả chính sách sẽ không đi vào đời sống xã hội, quyền lực nhân dân trao cho Quốc hội bị hạn chế", bà Trương Mỹ Hoa đúc kết.

Đại diện cho các ĐBQH trẻ và thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, anh Nguyễn Đắc Vinh, ĐBQH khoá 13, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định, là thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất vừa là vinh dự, cơ hội để các ĐBQH trẻ rèn luyện bản thân nhưng cũng đồng thời đòi hỏi trách nhiệm hết sức lớn lao với tư cách là người đại diện cho nhân dân.

nguyen-dac-vinhAnh Nguyễn Đắc Vinh, ĐBQH khoá 13, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Anh Nguyễn Đắc Vinh nhắc lại lần Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 70 năm, cho biết, trong lần bầu cử đó, nhiều đại biểu trong độ tuổi thanh niên đã vinh dự nhận được sự tín nhiệm của nhân dân bầu tham gia Quốc hội, tiêu biểu như Tạ Quang Bửu (36 tuổi), Võ Nguyên Giáp (35 tuổi), Nguyễn Huy Tưởng (34 tuổi), Trần Duy Hưng (33 tuổi), Huỳnh Văn Tiểng (26 tuổi), Đồng Sĩ Nguyên (23 tuổi), Nguyễn Đình Thi (22 tuổi). . .

Theo anh Nguyễn Đắc Vinh, trong lịch sử phát triển của Quốc hội Việt Nam, dù ở khoá nào, những người trẻ tuổi cũng tham gia, đóng góp tích cực cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quốc hội, của nền lập pháp nước nhà... Nhiều đại biểu trẻ đã có sự trưởng thành vượt bậc, đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người đại biểu nhân dân.

Phát biểu bế mạc lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quốc hội luôn gắn bó với nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, mỗi thành quả của Quốc hội là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là sự phối hợp và cộng đồng trách nhiệm giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hệ thống chính trị. Thành quả của Quốc hội cũng là niềm tin, sự gửi gắm, đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội; là sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và cộng đồng quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.