Tổng thống Obama: 'Tôi nổi loạn vì tôi thấy thiếu vắng cha'

Một bạn trẻ hỏi Tổng thống Mỹ Obama về việc ông hút bồ đà, Tổng thống trả lời: "Tôi nghĩ bản thân tôi khi còn trẻ tôi không biết cha tôi. Tôi nổi loạn vì thiếu vắng cha".


Video: Tổng thống Mỹ Obama bắt tay tạm biệt các bạn trẻ Việt Nam
[12 giờ 7] Tôi là một rapper. Ông nói nhiều về môi trường, chính trị rồi. Ông có thông điệp gì về văn hóa, nghệ thuật để giúp cho đất nước không?
- Tổng thống Mỹ Obama: Bạn có thể đọc một đoạn rap không? Ở Việt Nam nhiều người nghĩ rằng rap không dành cho nữ. Việc bày tỏ ý tưởng nghệ thuật là rất quan trọng. Chúng ta có âm nhạc, thơ. Cuộc sống là sự kết hợp của rất nhiều thứ ăn, học, làm việc... nhưng nghệ thuật giúp chúng ta không chỉ nghĩ về cá nhân mà cả người khác...
Thôi tôi phải đi đây. Chúc sức khỏe các bạn!
Tổng thống Mỹ Obama trả lời khá cởi mở Ảnh: Sơn Duân
[12 giờ 3] Tôi là Nhật Linh, tôi làm phim. Tôi đọc trên mạng thấy ngài cũng hút bồ đà. Ngài cũng nói ngài ham chơi. Phải có cách gì đó để ngài trở thành con người này từ "cái gã đó" chứ?
- Tổng thống Mỹ Obama: Tôi nghĩ bản thân tôi khi còn trẻ tôi không biết cha tôi. Ông bà ngoại nuôi tôi, rất yêu tôi. Tôi nổi loạn vì thiếu vắng cha... Ở Mỹ, chúng tôi có một câu rất hay trong tuyên ngôn độc lập: "Ai cũng bình đẳng, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc".
[11 giờ 56] Tôi là Chritina. TPP có thể bị lợi dụng để "buôn người" với những lời dụ dỗ về công việc...?
- Tổng thống Mỹ Obama: Đó là một trong những quan tâm hàng đầu của chúng tôi. NGO đã giúp chúng tôi nhiều trong việc chống buôn người. Trong điều khoản TPP cũng đã có điều khoản chống buôn người, bao gồm lao động di dân. Khi tôi ở Malaysia, gặp Thủ tướng nước này, chúng tôi đã thương thảo rất nhiều về các biện pháp bảo vệ con người, người lao động. Nhưng giấy tờ cũng chẳng có ý nghĩa bằng một hệ thống bảo vệ mọi người. Phải làm việc với NGO, các tổ chức nhân quyền để cắt lối đi của nạn buôn người. Cũng cần phải tạo nhiều cơ hội hơn để người dân nông thôn, nhất là phụ nữ và bé gái, có thể ở lại đây. Bọn buôn người thường khai thác các bé gái, những người bế tắc, phải rời quê. 
[11 giờ 49] Một bạn trẻ đặt câu hỏi: Ngài nói phải tìm được điều đam mê. Tôi quan tâm đến việc quản lý tài năng, nhân sự. Chúng tôi gặp nhiều thách thức trong việc các công ty nước ngoài lôi kéo tài năng Việt Nam. Ngài có lời khuyên nào để giữ những tài năng này?
- Tổng thống Mỹ Obama: Bất kỳ công ty nước ngoài nào cũng muốn làm việc với công ty đối tác Việt Nam. Bạn lo sợ chảy máu chất xám? Những người Việt giỏi có thể được tuyển ra nước ngoài. Tôi nghĩ tưởng thưởng xứng đáng cho tài năng là cách giữ họ tốt nhất. Tôi nghĩ các chính sách về thuế, xây dựng hạ tầng... rất quan trong. Tôi nghĩ người ta sẽ không muốn rời quê hương nếu họ không bị "tắc đường" ở đó. TPP sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, khiến các tài năng của các bạn không muốn rời đi. Nếu một người ở một nước tham nhũng, làm gì cũng phải đút lót, thì họ đâu muốn ở lại. Họ cũng cần giáo dục tốt để có nhân lực tốt; họ cần cơ sở hạ tầng tốt. Môi trường cũng rất quan trong. Không ai muốn con mình ở một nơi thở không nổi. Những chính sách về môi trường, giáo dục, hạ tầng... đều rất quan trọng để giữ nhân lực.
[11 giờ 38] Tôi là Tấn Phan: Khi ông rời khỏi Nhà Trắng thì ông làm gì để Tổng thống kế tiếp duy trì YSEALI?
 - Tổng thống Mỹ Obama: Tôi thường được hỏi là sau khi rời ghế Tổng thống, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ tiếp tục làm việc để duy trì các thủ lĩnh trẻ. Tôi hy vọng có thể tiếp tục kết nối các bạn trẻ để các quốc gia trong tương lai có thể giải quyết các vấn đề lớn. Về vấn đề sông Mê Kông, một trong những thách thức của chúng ta là duy trì nguồn nước. Không chỉ ở đây mà nhiều nước khác cũng đang xây dựng đập thủy điện, ảnh hưởng nguồn nước. Một trong những điều chúng tôi thấy ở ASEAN là khi nhiều nước nhỏ liên kết thì năng lực sẽ mở rộng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi thấy ASEAN đã thay đổi nhiều. Lúc đầu khi tôi mới làm Tổng thống, tôi chưa thấy các lãnh đạo ASEAN liên kết nhau để lập chính sách như bây giờ. Một trong điều tuyệt vời trong hệ thống chính trị ở Mỹ, theo tôi,  là chúng tôi có thể sửa lỗi để mọi chuyện tốt hơn.
Ông Obama đang trả lời các bạn trẻ
[11 giờ 30] Một bạn trẻ đặt câu hỏi: Tôi đến từ tổ chức "Hãy cứu Sơn Đoòng". Nếu có cơ hội đến Sơn Đoòng, ông muốn đi bộ hay đi cáp?
- Tổng thống Mỹ Obama: Tôi khá khỏe. Tôi nghĩ tôi sẽ đi bộ. 7 ngày cơ à? Tôi có thể đi được.
Tôi nghĩ di sản thế giới là điều chính phủ VN,  các tổ chức di sản quốc gia... cùng quan tâm. Tôi nghĩ một trong những điều rất hay của thế hệ các bạn là các bạn hiểu biết về môi trường hơn chúng tôi. Vì sức khỏe của mọi người. Trước khi biết về biến đổi khí hậu, các nước phát triển đã đốt rất nhiều carbon. Bây giờ, nếu các nước như Việt Nam hay Ấn Độ cũng đốt nhiều carbon như thế thì một phần lớn thế giới này nằm dưới mặt nước. Vì thế, các nước phải hợp tác để chống biến đổi khí hậu. Nước nào cũng phải có trách nhiệm phải bỏ qua các công nghệ gây ô nhiễm ô trường.
Ở đây ai cũng có di động phải không? Tôi biết ai cũng có. Trước kia thì không, các bạn phải đi qua công nghệ có dây... Trong lĩnh vực năng lượng cũng vậy, phải bỏ qua công nghệ lạc hậu để đến công nghệ sạch ngay.  Ở Việt Nam, các bạn cũng đã thấy rõ hậu quả đó. Ở ĐBSCL, nơi thì hạn hán, nơi ngập mặn. Nếu không làm từ bây giờ thì sẽ rất khó cho người dân. Tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tổng thống Obama dẫn tên bài hát 'Đường đến ngày vinh quang” của Trần Lập
[11 giờ 23] Tôi là Hoàng, SV ĐH Quốc gia. Ông là nhà lãnh đạo trẻ, tuyệt vời, ông có lời khuyên nào để chúng tôi trở nên giống ngài không?
Tổng thống Mỹ Obama: Hồi tôi trẻ như các bạn, tôi chơi lăng nhăng rất nhiều, tôi không có cơ hội giống các bạn đâu. Tôi ham chơi bóng rổ, kết bồ. Điều đầu tiên là phải tìm ra điều bạn thích thú, quan tâm. Con đường cho tất cả mọi người khác nhau, người thích giáo dục, y tế.... nên không có con đường chung để trở thành lãnh đạo. Có nhiều cách khác nhau để làm lãnh đạo.
Khi có đam mê, tự nhiên sau một thời gian sẽ đi lên. Nếu chỉ chăm chăm muốn trở thành "một ai đó" thì khó. Ví dụ như Bill Gates. Tôi không nghĩ ông ấy khởi đầu đã muốn trở thành tỉ phú mà ông đam mê máy tính.
Lúc đầu, tôi muốn giúp những người nghèo ở Chicago. Tôi muốn tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng này. Tôi muốn giúp những người này. Đó là lý do đã dẫn dắt tôi vào chính trị chứ không phải ngay từ đầu tôi muốn làm Tổng thống.
[11 giờ 17] Tổng thống Obama: Cô Elizabeth Phù là người sinh ra ở Việt Nam, là một trong những cố vấn cao cấp của tôi ở Nhà Trắng.
Các bạn đã chỉ ra rằng các bạn có thể thay đổi thế giới. Như một bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập rằng "Đường đến những ngày vinh quang" đã rất gần rồi. Hôm qua tôi đã được gặp một số nhà kinh doanh trẻ Việt Nam. Khi bỏ rào cản giữa các quốc gia trong khuôn khổ TPP, các nước đều có cơ hội vào sân chơi bình đẳng, nếu chúng ta có thể đưa TPP vào hiệu lực.
[11 giờ 12] Tổng thống Mỹ Obama: Xin cảm ơn sự hiếu khách của chính phủ, nhân dân Việt Nam. Tôi rất cảm động. Tôi có mối quan hệ rất chặt chẽ với châu Á. Khu vực châu Á Thái Bình dương đã định hình tôi. Chúng tôi đã chào đón nhiều thành viên YSEALI đến Mỹ, bao gồm nhiều bạn ở đây.
[11 giờ 7] Tổng thống Mỹ Obama đã có mặt tại buổi giao lưu.
[11 giờ] Trong hội trường lúc này còn có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. 
Ai dẫn chương trình trong buổi giao lưu với Tổng thống Mỹ Obama?
Một thành viên YSEALI tên Ngô Thùy Ngọc Tú sẽ vinh dự là người giới thiệu Tổng thống Obama.
Ngô Tú là học sinh Việt Nam đầu tiên học tại trường phổ thông trung học công lập được nhận học bổng toàn phần từ Đại học Stanford.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học ngành chính sách công tại ĐH Stanford năm 2009, Tú và các đồng nghiệp sáng lập Yola.

[10 giờ 40] Xe của Tổng thống Mỹ Obama di chuyển đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tiếng hò reo, vẫy tay chào của nhiều người.
Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Obama qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Obama Ảnh: Bạch Dương

[10 giờ 28] Qua hệ thống phản hồi của Báo Thanh Niên, nhiều bạn đọc tò mò muốn biết, trong hội trường hiện nay ra sao? PV Sơn Duân đã gửi về chùm ảnh để độc giả có thể tiện theo dõi:  

Video: Bạn trẻ Việt Nam háo hức trước giờ gặp Tổng thống Mỹ Obama 

[10 giờ 19] Phía bên ngoài tòa nhà Gem Center, hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, đứng hai bên đường chào đón Tổng thống Mỹ Obama.
Nhiều bạn trẻ đứng trước khu vực đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) với hy vọng nhìn thấy Tổng thống Mỹ Obama Ảnh: Đào Ngọc Thạch
[10 giờ] PV Kiều Oanh tranh thủ phỏng vấn một số bạn trẻ trước giờ Tổng thống Mỹ Obama có buổi giao lưu. Nhiều câu hỏi mà các bạn trẻ muốn đặt ra cho ông Obama khá thú vị.
[9 giờ 58] Trong khi đó, phía bên ngoài tòa nhà Gem Center, PV Đào Ngọc Thạch gửi về tòa soạn chùm ảnh cho thấy các bạn trẻ rất háo hức nhìn thấy Tổng thống Mỹ Obama. 
YSEALI là gì?
YSEALI chính là "con đẻ" của Tổng thống Obama, được ông phát động vào năm 2013. Thế nên Obama dành sự ưu ái đặc biệt cho nó. YSEALI kết nối các thủ lĩnh trẻ đang lên trong độ tuổi từ 18 - 35 đến từ Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mục đích của YSEALI nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, gắn kết các thủ lĩnh trẻ trước các thách thức then chốt của khu vực, cùng lúc thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Mỹ với các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.


[9 giờ 53] PV Sơn Duân hiện đã có mặt trong hội trường, nơi Tổng thống Mỹ Obama sẽ có buổi nói chuyện với các thủ lĩnh trẻ. PV Sơn Duân cho biết, tinh thần của những YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) trước đó là giới trẻ cứ tha hồ hỏi bất kỳ vấn đề nào họ quan tâm, từ kinh tế, luật pháp, văn hóa, phòng chống tội phạm đến hợp tác quốc tế...
Thông thường, ông Obama sẽ không từ chối trả lời vấn đề nào.
Quang cảnh hội trường, nơi thần tượng của giới trẻ - Tổng thống Mỹ Obama sẽ xuất hiện Ảnh: Sơn Duân
[9 giờ 29] PV Kiều Oanh đã phỏng vấn một số bạn trẻ và được biết, họ đã đến đây từ sáng sớm. Một bạn trẻ nói, phong thái trẻ trung, gần gũi với giới trẻ của Tổng thống Mỹ Obama khiến người này muốn "một lần được tận mắt nhìn thấy thần tượng của giới trẻ". 
Mật vụ Mỹ đang kiểm tra túi xách của khách mời và các PV trước khi được phép bước vào tòa nhà Gem Center Ảnh: Kiều Oanh
Dòng người xếp hàng chờ đến phiên kiểm tra an ninh trước khi vào hội trường, nơi Tổng thống Mỹ Obama sẽ nói chuyện với các thủ lĩnh trẻ Việt Nam Ảnh: Kiều Oanh
Hoàng Tú Uyên, một trong những bạn trẻ đặt câu hỏi cho Tổng thống Mỹ Obama Ảnh: Kiều Oanh
Các bạn trẻ đang rất háo hức mong được gặp Tổng thống Mỹ Obama Ảnh: Kiều Oanh

[9 giờ 19] PV Kiều Oanh đã có mặt tại tòa nhà Gem Center (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), nơi Tổng thống Mỹ Obama sẽ có buổi gặp gỡ, nói chuyện với các "thủ lĩnh" trẻ - YSEALI.
Mật vụ Mỹ giám sát chặt những khách mời đến tòa nhà Gem Center Ảnh: Kiều Oanh
*** 
Kinh nghiệm từ các cuộc đối thoại YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á ) trước đây, dẫu được tổ chức trong Nhà Trắng, ở Myanmar hay Malaysia...  giới trẻ cứ tha hồ hỏi bất kỳ vấn đề nào họ quan tâm, từ kinh tế, luật pháp, văn hóa, phòng chống tội phạm đến hợp tác quốc tế..., Obama không "chê", cũng không "ngán" bất kỳ câu nào, luôn trả lời thẳng vào vấn đề.
Các cuộc đối thoại trước đây cũng cho thấy thông thường ông Obama chỉ phát biểu rất ngắn để dành tối đa thời gian trả lời câu hỏi.
Các thủ lĩnh trẻ thường được yêu cầu giới thiệu lĩnh vực mà họ đang học tập, làm việc hoặc quan tâm trước khi đặt câu hỏi để câu trả lời dễ "đánh" đúng vào khía cạnh họ quan tâm hơn.
Tổng thống Obama trong giây phút đặt chân đến TP.HCM  Ảnh: Độc Lập
YSEALI chính là "con đẻ" của Tổng thống Obama, được ông phát động vào năm 2013. Thế nên Obama dành sự ưu ái đặc biệt cho nó. YSEALI kết nối các thủ lĩnh trẻ đang lên trong độ tuổi từ 18-35 đến từ Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Mục đích của YSEALI nhằm tăng cường lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, gắn kết các thủ lĩnh trẻ trước các thách thức then chốt của khu vực, cùng lúc thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Mỹ với các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.
Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, đến nay hơn 67.000 thủ lĩnh trẻ đã đăng ký trở thành thành viên của YSEALI, trong đó có khoảng 13.000 là người Việt Nam.
Ông Obama phát biểu trước các trí thức Việt Nam ở Hà Nội  Ảnh: Trường Sơn
Buổi gặp gỡ với các thủ lĩnh trẻ YSEALI Việt Nam là sự kiện cuối cùng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam. Thế nên đây cũng là cơ hội cuối cùng giới trẻ Việt Nam được đối thoại trực tiếp với ông trong chuyến thăm lần này.
Cuộc gặp với YSEALI sẽ diễn ra tại tòa nhà Gem Center (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), dự kiến sẽ bắt đầu từ lúc 11 giờ 10, kéo dài chừng 1 giờ đồng hồ.
Các thành viên YSEALI có cơ hội tham gia vào rất nhiều chương trình giúp họ vươn xa trong học tập và nghề nghiệp, bao gồm các cơ hội sau:
Quỹ YSEALI Hạt giống cho tương lai, vốn tài trợ cho các dự án cộng đồng.
Chuỗi Hội thảo Thế hệ YSEALI (YSEALI Generation Workshops). Đó là các khoá đào tạo thực hành và kết nối mạng lưới thành viên, trao dồi kỹ năng thực hiện vai trò thủ lĩnh cho các thành viên.
Học bổng YSEALI sẽ lựa chọn các sinh viên, chuyên gia trẻ và những người hoạt động cộng đồng tích cực sang thăm Mỹ để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết về các vấn đề khu vực.
Các chiến dịch qua mạng xã hội và hợp tác của tuổi trẻ sẽ giúp kết nối các Đại sứ quán Mỹ, các thủ lĩnh trẻ và cộng đồng với nhau để ứng phó với những thách thức chung trong khu vực.
Tham gia các buổi trao đổi với diễn giả, các chương trình văn hoá nghệ thuật, tương tác với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.