Trâu bò chết rét la liệt

Sau mưa tuyết, nhiều nơi trên QL4D đoạn từ TP.Lào Cai lên TT.Sa Pa (Lào Cai) trở thành lò mổ dã chiến để giết thịt trâu, bò chết vì rét.

Sau mưa tuyết, nhiều nơi trên QL4D đoạn từ TP.Lào Cai lên TT.Sa Pa (Lào Cai) trở thành lò mổ dã chiến để giết thịt trâu, bò chết vì rét.

Nghé chết rét ở xã Tả Phìn, Sa Pả được chở đi giết thịt - Ảnh: Phan HậuNghé chết rét ở xã Tả Phìn, Sa Pả được chở đi giết thịt - Ảnh: Phan Hậu
Đoạn QL4D từ TP.Lào Cai lên TT.Sa Pa hơn 30 km, trong ngày 25.1 có hàng chục lều bạt được người dân dựng lên để giết thịt trâu, bò chết vì rét. Ghi nhận của Thanh Niên tại khu vực Km 19 (xã Toòng Sành, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sáng 25.1 có hàng chục con trâu, nghé của đồng bào người Mông ở bản Ki Công Hồ bị chết rét mang xuống giết thịt bán cho khách du lịch.
Nằm bên cạnh xã Tòng Sành, thôn Vù Lùng Sung (xã Trung Chải, H.Sa Pa) bất đắc dĩ trở thành “lò” mổ trâu, bò. Đến chiều 25.1, người dân ùn ùn chở nghé, trâu chết về đây xếp hàng chờ đến lượt giết thịt.
Ông Lý Láo San (ở thôn Vù Lùng Sung) kể nhà ông có 5 con trâu lẫn nghé, 2 ngày qua đã chết 2 con. Anh em họ hàng nhà ông San, nhà nào cũng có 1 trâu hoặc nghé bị chết rét từ 1 - 3 con. Trâu mổ ra, bán thịt giá 150.000 - 250.000 đồng/kg, mỗi con nghé chỉ còn 3 - 5 triệu đồng (nếu còn sống chờ sau tết, những con nghé này bán không dưới 20 triệu đồng). “Nghé chết, nhà buồn như đám tang, vợ tôi, mẹ tôi khóc ròng chẳng thiết gì ăn uống. Nhà chỉ còn lại cặp trâu sinh sản và con nghé, hai ngày nay cả nhà thay nhau đốt lửa sưởi ấm quanh chuồng”, ông San nói.
Đến chiều 25.1, nhiều xã vùng cao Sa Pả, Tả Phìn vẫn chìm trong tuyết lạnh. Công việc người dân quan tâm nhất lúc này là chống rét, ngăn không để trâu, bò chết rét.
Gần 200 ha hoa màu bị vùi lấp trong tuyết
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế H.Sa Pa, cho biết số lượng gia súc chết rét tăng nhanh từng ngày. Chỉ tính riêng trong ngày 25.1, thống kê chưa đầy đủ đến 14 giờ đã có trên 40 con trâu, bò và nghé chết vì rét. Mấy mươi năm qua, chưa khi nào thời tiết ở Sa Pa “cực đoan” như đợt này. Nhiệt độ đêm 24.1, ở ngay thị trấn xuống tới -3,8oC. Ở các xã vùng cao, tuyết vẫn đóng dày. Biện pháp duy nhất để cứu đàn gia súc là sơ tán, đưa xuống vùng thấp tránh rét. Thống kê ở các xã vùng cao H.Sa Pa đang có trên 1.000 con trâu, bò phải sơ tán xuống địa bàn giáp ranh H.Bát Xát và khu vực thuộc H.Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Cũng theo ông Thành, đến chiều 25.1, toàn H.Sa Pa có gần 200 ha hoa màu chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán vẫn bị vùi lấp trong tuyết. Trước thiệt hại do mưa tuyết tăng lên từng ngày, UBND H.Sa Pa tiếp tục thống kê để đề xuất UBND tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ người dân.
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, tính đến 16 giờ cùng ngày, toàn tỉnh có gần 200 con gia súc chủ yếu là trâu, bò, ngựa bị chết rét, tính cả thiệt hại về diện tích hoa màu đã lên tới gần 30 tỉ đồng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 25.1, toàn tỉnh này có 59 con trâu, nghé, 23 con bò, 112 con dê, 1 con heo bị chết rét. Thiệt hại tập trung ở các huyện Bình Liêu, Uông Bí, Tiên Yên, Móng Cái, Ba Chẽ.
Ghi nhận của Thanh Niên đến trưa 25.1, TT.Sa Pa vẫn còn tuyết rơi lất phất. Nhiều mái nhà dân, trụ sở hành chính của UBND huyện, tuyết phủ dày. Dọc con đường từ thị trấn lên Thác Bạc, đèo Ô Quý Hồ trồng hoa, rau chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, tuyết đóng chặt thành từng mảng. Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết chiều 25.1 nhiệt độ đo tại TT.Sa Pa đã “nhích” lên nhưng vẫn ở mức -2,5oC. “Dự báo ít nhất trong 2 - 3 ngày nữa tuyết mới bắt đầu tan ở TT.Sa Pa, còn trên vùng núi cao thì chưa thể nói trước được”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.