Buổi gặp mặt có sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và nhiều lãnh đạo ban ngành T.Ư, TP.
Đại diện cho 1.100 nhà máy, 300.000 công nhân của 16 khu công nghiệp ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP.HCM cho hay để phát triển, doanh nghiệp cần vốn, lao động, công nghệ, hội nhập. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển. Điều này kể cả doanh nghiệp phát đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần.
“Thế nhưng qua hai năm VN thực hiện cải cách hành chính qúa chậm và quá cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cải cách hành chính mà để cho một rừng hệ thống các văn bản, thủ tục hành chính cản trợ doanh nghiệp phát triển”, ông Bé nói.
Rồi ông Bé liệt kê một loạt thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đơn cử như Bộ Tài chính liên quan đến 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là 678 thủ tục, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ NN-PTNT đều 569 thủ tục, Bộ Công thương là 547 thủ tục.
|
“Chỉ mới có 7 bộ đứng đầu mà các thủ tục hành chính đã kinh khủng như vậy chứ nếu kể hết 21 bộ ngành thì không biết thủ tục hành chính thế nào. Nhiều thủ tục như vậy thì doanh nghiệp được gì. Doanh nghiệp được hàng trăm loại giấy phép con, giấy xác nhận, giấy kiểm định; xuất nhập khẩu thì trung bình phải mất 14 ngày để thông quan hàng”, ông Bé nói.
Ông Bé cho hay Chính phủ thể hiện sự quyết tâm rất lớn đến cải cách hành chính nhưng chuyển biến ở dưới rất chậm. “Người ta thường nói sống và làm việc bằng pháp luật nhưng doanh nghiệp lại sống và làm việc bằng nghị định và thông tư, tức là những điều dưới luật”, ông Bé nói.
Ông Bé nói tiếp: “Cái này là dễ hiểu bởi luật giao cho bộ ngành viết tức sẽ đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Nói như vậy điều tôi muốn nói là nếu luật càng chi tiết thì không cần có nghị định và nghị định càng tiết thì không cần thông tư. Trong tương lai chúng ta cần xây dựng luật chi tiết như bao nhiêu nước trên thế giới”.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho hay ngày doanh nhân 13.10 năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gặp gỡ doanh nghiệp TP. Năm nay, Chủ tich nước và lãnh đạo T.Ư, TP cũng gặp gỡ doanh nghiệp. Đây là một vinh dự đặc biệt của doanh nghiệp TP mà không phải nơi nào cũng có được.
|
Ông Minh dẫn giải nhiều năm qua Chính phủ đều xác định vai trò mũi nhọn của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên đến nay thương hiệu doanh nghiệp đang có sự teo tóp, doanh nhân vẫn đang khó phát triển.
“Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm lắm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, trên rải thảm đỏ nhưng dưới rải đinh. Các giải pháp chậm đi vào cuộc sống. Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chủ trương vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Từ thực tiễn trên, ông Minh kiến nghị Đảng và Nhà nước trước khi ban hành liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì nên tham khảo đối tượng bị tác động để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Cần có sự tham khảo của doanh nghiệp, người dân, đồng hành thực hiện, kiểm tra chính sách, chủ trương đưa ra.
“Chính sách, nhất là thủ tục hành chính đề ra nếu không không hơn thì phải bằng các nước phát triển để giúp doanh nghiệp hội nhập, phát triển”, ông Minh kiến nghị.
Bình luận (0)