Trình Chính phủ phương án tăng tuổi nghỉ hưu

11/12/2016 08:21 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH vừa có Tờ trình Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong bộ luật Lao động. Một nội dung sửa đổi được dư luận quan tâm trong thời gian qua đó là tăng tuổi nghỉ hưu.

Ngày 10.12, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết cơ quan này vừa có Tờ trình Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong bộ luật Lao động. Theo đó, dự thảo luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định trong 3 nhóm nội dung và 11 chủ đề. Một nội dung sửa đổi được dư luận quan tâm trong thời gian qua đó là tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong lần sửa đổi lần này nhận được nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo luật trình 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ. Phương án 1: giữ như bộ luật hiện hành nam là 60 và nữ là 55. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Một nội dung khác cũng được doanh nghiệp và người lao động quan tâm đó là tăng giờ làm thêm. Ban soạn thảo cũng đưa ra 2 phương án xin ý kiến. Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Phương án 2: đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa theo hướng quy định 1 ngày làm việc thì người lao động làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/ngày và không được phép huy động người lao động làm thêm giờ liên tục quá 5 ngày làm việc cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, trình tự, thủ tục đăng ký, điều kiện hoạt động của tổ chức đó sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bởi một nghị định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt trong thực tiễn áp dụng.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, bộ luật Lao động ban hành năm 1994 và đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, lần đây nhất là năm 2012. Tuy nhiên, quá trình áp dụng bộ luật Lao động đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế từ thực tiễn thi hành. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ không chỉ nội dung của các điều luật trong bộ luật Lao động mà còn xuất phát từ các văn bản hướng dẫn chi tiết bộ luật Lao động ở một số nội dung chủ yếu sau: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại VN, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… “Các vướng mắc, bất cập đó đòi hỏi nội dung một số điều trong các chương của bộ luật Lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng. Việc sửa đổi bộ luật Lao động nhằm tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN; đồng thời việc sửa đổi nhằm đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với một số luật mới ban hành gần đây như: luật Hình sự, luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Bảo hiểm xã hội… Ngoài ra, việc sửa đổi luật còn để nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, dự án luật đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và tầng lớp nhân dân. Tháng 1.2017, dự án luật sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và tháng 4.2017 sẽ trình Quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.