‘Trung tâm hành chính nghìn tỉ’: Tiết kiệm lớn nhất là thời gian

(TNO) Sau khi đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn, dù chưa có thống kê cụ thể về những hiệu quả ở “Trung tâm hành chính” tại các tỉnh, thành Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, nhưng chắc chắn đã tiết kiệm thời gian rất nhiều cho dân.

(TNO) Sau khi đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn, dù chưa có thống kê cụ thể về những hiệu quả ở “Trung tâm hành chính” tại các tỉnh, thành Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, nhưng chắc chắn đã tiết kiệm thời gian rất nhiều cho dân.

Trung tâm hành chính công Bình Dương - Ảnh: Đỗ TrườngTrung tâm hành chính công Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường
Tòa thị chính 2.000 tỉ đồng ở Đà Nẵng
Đa số người dân sau khi hoàn thành giao dịch tại các quầy một cửa tòa thị chính Đà Nẵng (tại số 24 Trần Phú) trở ra đều tỏ vẻ hài lòng trước thái độ của các nhân viên tiếp nhận hồ sơ, về cách thức tổ chức công việc thân thiện, hiện đại...
Tòa thị chính TP. Đà Nẵng (cao nhất) được thiết kế theo kiến trúc ngọn hải đăng - Ảnh: Hoàng Sơn
Tòa thị chính Đà Nẵng khánh thành vào ngày 8.9.2014 sau gần 6 năm thi công, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Trong đó, Đà Nẵng sử dụng một phần ngân sách, số còn lại là phần kinh phí từ việc bán các trụ sở của các sở, ngành.
Tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm.
Tòa nhà được xây dựng trên diện tích rộng hơn 23.000 m2. Tầng trệt là nơi bố trí san sát quầy giao dịch một cửa của các đơn vị. Được biết, hiện có khoảng 1.800 công chức, viên chức làm việc tại tòa nhà. 
Anh N.V.H (nhân viên một công ty đóng tại Đà Nẵng) cho kể: “Tôi vào tòa nhà hỏi bàn hướng dẫn xong thì đến bốc số và chờ đến lượt mình. Sau đó, các nhân viên gọi số theo thứ tự, tôi đến làm thủ tục rồi ra về. Vậy là xong, tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều…”. 
Theo Ban quản lý tòa nhà cho hay, việc tập trung 26 sở, ngành về một địa điểm đã tạo nên môi trường làm việc thân thiện, không gây áp lực bởi tường rào, cổng ngõ, bởi các nhân viên bảo vệ như các trụ sở riêng lẻ trước đây. Khách đến cũng có thể tự do ra vào và có nơi dành cho khách nghỉ chân. 
Một cán bộ Ban quản lý tòa thị chính phân tích: các sở, ban, ngành tập trung về một chỗ thì tiết kiệm hơn rất nhiều. Ví dụ, một đơn vị muốn xin phép quảng cáo thì chỉ cần làm đầy đủ hồ sơ và chờ vòng một giờ đồng hồ là xong. 
“Còn nếu như trước đây, người dân muốn xin thủ tục cấp phép quảng cáo thì phải đi từ Sở VH-TT-DL qua Sở Xây dựng nên mất khá nhiều thời gian, công sức hơn. Không những vậy, các sở gần nhau nên khoảng cách đi lại cũng chỉ vài bước chân nên cũng tiết kiệm thêm khoản xăng xe cho người dân”, cán bộ này nói.
Các quầy thủ tục một cửa được bố trí sát nhau nên tiết giảm thời gian cho người dân rất nhiều - Ảnh: Hoàng Sơn
Ngoài ra, các cuộc họp cần có sự tham gia của nhiều sở, ngành cũng trở nên đơn giản hơn. “Khi đi họp thì chỉ cần tập trung lại một phòng chứ không phải mất công, tốn thời gian chạy từ đơn vi này qua đơn vị khác”, vị cán bộ này nói thêm.
Lâm Đồng: 1.014 tỉ đồng xuống còn 860 tỉ

Đó là con số mà ông Phạm Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, đơn vị chủ đầu tư Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, cho Thanh Niên Online biết. “Dù chưa quyết toán xong nhưng tổng số vốn đầu tư Trung tâm hành chính Lâm Đồng chỉ khoảng 860 tỉ đồng”, ông Lộc nói.
Trung tâm hành chính Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên
Ông Nguyễn Tấn Đa, Trưởng ban Quản lý Trung tâm hành chính Lâm Đồng, cho biết: “So với các Trung tâm hành chính của các tỉnh, thành đã đưa vào hoạt động thì Trung tâm hành chính Lâm Đồng có vốn đầu tư thấp nhất dựa trên qui mô đầu tư”. 
Khi khởi công vào tháng 12.2009, dự toán tổng vốn đầu tư Trung tâm hành chính Lâm Đồng khoảng 495 tỉ đồng, nhưng đến tháng 10.2012, được điều chỉnh nâng lên 1.014 tỉ đồng; nay thực tế đầu tư chỉ khoảng 860 tỉ đồng, giảm được 154 tỉ đồng.
Trung tâm có khuôn viên rộng 40.000 m2, quy mô 12 tầng, là nơi làm việc của gần 1.400 cán bộ, nhân viên thuộc 18 sở, 1 Ban quản lý các khu công nghiệp và 30 đơn vị hành chính sự nghiệp; tăng hơn 1 sở và 6 đơn vị sự nghiệp.
Ông Nguyễn Tạo, Giám đốc Sở Tư Pháp Lâm Đồng cho biết: “Việc vận hành của Trung tâm hành chính đang dần hoàn thiện. Sau 1 năm đi vào hoạt động tôi thấy quan hệ và sự phối hợp giữa các sở, ngành thuận lợi, nhanh chóng và thân thiện hơn. Việc lưu chuyển công văn, hồ sơ tài liệu giữa các đơn vị cũng thuận lợi, tiết kiệm được thời gian”.
Ông Mai Văn Cử, Cán bộ quản lý Trung tâm hành chính cho biết thêm sau gần 1 năm đi vào hoạt động (từ tháng 12.2014), với biên chế 20 người, ước chi phí hoạt động hàng năm cho quá trình quản lý vận hành tòa nhà khoảng 2 tỉ đồng. Trong đó tiền điện khoảng 100 triệu đồng/tháng, nước sinh hoạt 20 triệu đồng/tháng, dịch vụ quét dọn, vệ sinh khoảng 60 triệu đồng/ tháng…Nhờ làm việc tập trung nên các chi phí bảo vệ, xăng xe công đi lại, chi phí điện nước của các sở, đơn vị… giảm xuống rất nhiều, chỉ còn khoảng 50% so với trước đây
 Sáng 11.11, ông Nguyễn Văn Tiên, ngụ xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đến Trung tâm hành chính Lâm Đồng xin cấp lại giấy phép lái xe. Ông Tiên cho biết đây là lần đầu ông đến liên hệ công việc, Trung tâm hành chính rất khang trang sạch đẹp, cán bộ hướng dẫn rất tận tình thân thiện. 
Khu hành chính một cửa tại Trung tâm hành chính Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên
“Cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận 1 cửa rất vui vẻ, nhiệt tình, chỉ sau 20 phút làm việc là xong. Tôi đến quầy Bưu chính ngay trong trung tâm hành chính làm thủ tục để khi Sở Giao thông vận tải làm xong giấy tờ họ sẽ chuyển về tận nhà cho tôi, cách xa gần 150km”. 
Chị  Dương Ngọc Bích, ngụ P.9 (Đà Lạt) nhân xét: “Trung tâm hành chính ứng dụng hành chính công hiện đại, người dân đến chỉ cần ấn nút lấy số thứ tự và lần lượt được gọi số giải quyết. Nơi đây còn bố trí hệ thống máy tính để người dân tra cứu các thủ tục hành chính công rất tiện ích”. 
Bàn tra cứu thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên
Còn anh Phạm văn Duy Nam, P.4 (Đà Lạt) cho biết, từ ngày trung tâm hành chính hoạt động mỗi khi đến làm việc, chỉ cần vào khu hành chính 1 cửa, không phải chạy lòng vòng đến sở này, sở nọ như trước đây. “Tại trung tâm hành chính lại có sản phẩm một cửa điện tử liên thông, văn phòng điện tử nên  tôi có thể lên mạng tra cứu để biết hồ sơ của mình được xử lý tới đâu rồi, nếu có trục trặc hoặc trễ hẹn giải quyết tôi biết được ngay”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cán bộ chưa quen vì trưa không được về nhà
Khu trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Nguyễn Long

Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xây dựng mới với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, tọa lạc tại phường Phước Trung (TP.Bà Rịa) trên diện tích đất rộng khoảng 20ha. Trung tâm được đưa vào hoạt động từ tháng 4.2012.
Một cán bộ văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do các sở ngành ở trong trung tâm nên việc họp hành, trao đổi công việc diễn ra nhanh gọn. Chi phí xăng xe giảm đi rất nhiều, còn công văn giữa các sở ngành thì chuyển trực tiếp với nhau mà không phải qua bưu điện.
“Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng đối với cán bộ, công chức là người TP.Vũng Tàu mà đi làm ở trung tâm thì gặp không ít khó khăn về sinh hoạt. Buổi trưa họ phải ở lại cơ quan mà không thể về nhà lo cơm, nước gia đình được. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng đang được cán bộ, công chức khắc phục dần”, cán bộ này nói.
Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ngay TP.Bà Rịa nên rút ngắn quãng đường mà người dân các huyện đến UBND tỉnh liên hệ công việc.
Bên trong Trung tâm hình chính Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Nguyễn Long
Việc các sở ngành tập trung vào trung tâm hành chính cũng tạo thuận lợi rất doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh đến liên hệ công tác. “Khi làm thủ tục ở sở này còn thiếu giấy tờ, cần sở kia xác nhận thì chúng tôi chỉ cần đi bộ vài bước là tới, không cần phải di chuyển xa như trước đây”, ông T, một doanh nghiệp xây dựng tại TP.Vũng Tàu nói.
Bình Dương: Một tin nhắn là biết hồ sơ được xử lý đến đâu
Trung tâm hành chính tập trung của Bình Dương là một trong những trung tâm đầu tiên của cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) đã giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính khá nhiều cho người dân.
Trung tâm hình chính Bình Dương về đêm - Ảnh: Đỗ Trường

Có mặt tại trung tâm hành chính công, trao đổi với PV Thanh Niên online, anh Cao Thiện Hảo (25 tuổi, ngụ An Giang)- một người đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đến trung tâm hành chính công Bình Dương để làm hồ sơ đổi giấy phép lái xe.
Trung tâm hành chính Bình Dương đặt tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, có tổng vốn đầu tư xây dựng trên 1.400 tỉ đồng với 23 tầng, diện tích sàn sử dụng trên 104.000m2 là nơi làm việc cho trên 2.500 cán bộ, công chức của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành, đoàn thể. 

Trung tâm hành chính có bãi đáp trực thăng và bãi đỗ gần 650 ôtô, trên 2.000 xe máy. Tại tầng trệt của tòa nhà là trung tâm hành chính công là nơi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê trung bình mỗi tháng trung tâm hành chính công giải quyết cho trên 20.000 lượt người đến giải quyết thủ tục hành chính…
Gặp anh Hảo ở quầy hướng dẫn, vài phút sau anh Hảo vui mừng cho PV biết đã làm xong thủ tục đổi giấy phép lái xe. Anh Hảo cho biết: “Theo tôi được biết, trước đây để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe thì phải mất đến 5 ngày đi đến các cơ quan làm thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên đến nay như nhà báo thấy đó, từ nãy đến giờ tôi chỉ mất có 5 phút là tôi đã làm xong thủ tục cấp đổi”.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Công ty TNHH Evatech VN (chuyên gia công giày da, TX.Tân Uyên, Bình Dương) cho biết chị thường xuyên đến trung tâm hành chính để làm thủ tục đăng ký cấp phép lao động cho người nước ngoài. 

Theo chị Thủy trước đây khi chưa có trung tâm hành chính công thì việc giải quyết 1 giấy phép lao động phải mất đến 3 tháng mới ra được giấy phép. Tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 1 tuần là đã giải quyết xong ra giấy phép. 

Chị Thủy nói: “Nếu như trước đây sau khi nộp hồ sơ, thiếu đủ như thế nào chúng tôi phải lên cơ quan đó mới biết và bổ sung, nhưng hiện nay sau khi nộp hồ sơ nếu thiếu thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ gọi điện trực tiếp tư vấn cho chúng tôi, đồng thời thông báo cho chúng tôi biết để bổ sung hồ sơ”. 
Người dân tra cứu thông tin ở Trung tâm hành chính công Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường

Trao đổi với PV, ông Trương Công Huy- Giám đốc Trung tâm hành chính công cho biết  hiện nay nhiều thủ tục hành chính trước đây thời gian xử lý hồ sơ 10 ngày thì nay giảm xuống còn 1 ngày. 
Ông Huy nói: “Trong thời gian tới Trung tâm hành chính công sẽ đẩy mạnh việc người dân chỉ cần nộp một bộ hồ sơ, tại một nơi, đến một lần, nhận được nhiều kết quả”. Ông Huy lấy ví dụ doanh nghiệp thuê được một khu đất trong KCN nếu có nhu cầu mở mã số thuế, đăng ký kinh doanh, khắc dấu, giấy phép xây dựng… thì chỉ cần nộp 1 lần là có thể xin được tất cả các giấy phép. 
Trung tâm hành chính công Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường
Điểm đáng chú ý nhất ở Trung tâm hành chính công là người dân có thể vào website dichvucong.binhduong.gov.vn để tìm kiếm các thông tin thủ tục hành chính tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ của mình qua mã tra cứu in trên phiếu biên nhận. Đồng thời, người dân có thể tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ của mình khi nộp tại bộ phận một cửa qua tổng đài 8283 bằng tin nhắn theo cú pháp: TC MA TRACUU gửi 8283 (MA là mã tra cứu được in trên phiếu biên nhận khi nộp hồ sơ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.