Ưu tiên người trong nước nhận con nuôi

17/09/2009 00:05 GMT+7

* Đề xuất hình thức con nuôi trọn vẹn Chiều 16.9, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về Dự thảo luật nuôi con nuôi.

Đầu mối giới thiệu con nuôi cho người nước ngoài

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, hiện nay việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài là do cơ sở nuôi dưỡng trẻ em thực hiện. Các cơ sở này vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi (3 trong 1). “Tình trạng này dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trái với pháp luật và thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhận xét. Khắc phục tình trạng trên, Điều 36 và Điều 41 Dự luật nuôi con nuôi quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp.

Theo dự luật, việc giới thiệu trẻ làm con nuôi cho người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng khi không tìm được người ở trong nước nhận nuôi. Cụ thể Điều 15 dự luật ghi, UBND cấp xã có trách nhiệm tìm biện pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc niêm yết tại trụ sở trong thời hạn 30 ngày để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Nếu UBND xã không tìm được người nhận nuôi con nuôi thì phải lập danh sách báo cáo Sở Tư pháp để cơ quan này báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 30 ngày. Hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, thì trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài.

Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2003 đến năm 2008 trên cả nước có 19.599 trẻ em được nhận làm con nuôi; trong đó có 5.876 trẻ em được nhận làm con nuôi người nước ngoài.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH tán đồng với quan điểm cần phải sớm xác lập một trật tự trong việc giới thiệu con nuôi. Nhưng ủy ban này lại không đồng tình với việc giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối giới thiệu. “Quy định như vậy là không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp”, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh. UBPL đề nghị: “Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện”.

Con nuôi trọn vẹn

Bên cạnh hình thức nuôi con nuôi đơn giản như quy định hiện nay, dự luật đưa thêm một hình thức mới là nuôi con nuôi trọn vẹn. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức này là nuôi con nuôi đơn giản không làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con được cho làm con nuôi; còn con nuôi trọn vẹn thì làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết trong ủy ban cũng có ý kiến tán thành với hai hình thức nuôi con nuôi như dự thảo đề xuất, nhưng đa số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định hai hình thức này.

Đáng lưu ý, tại Khoản 1, khoản 2, Điều 24 Dự luật ghi: “con nuôi trọn vẹn có đầy đủ quyền, nghĩa vụ pháp lý của con với cha, mẹ và các thành viên khác trong gia đình của cha mẹ nuôi; con nuôi có quyền hưởng thừa kế của cha mẹ nuôi và các thành viên trong gia đình của cha mẹ nuôi”, nhưng Thường trực UBPL đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vì quy định như vậy là sự mở rộng phạm vi quyền, nghĩa vụ dân sự của người được nhận làm con nuôi so với Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình (hai luật này chỉ ghi nhận quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ nuôi và con nuôi).

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị dự luật cần được bổ sung thêm quy định một người được phép nhận nuôi bao nhiêu con nuôi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước góp ý dự luật phải có những tiêu chí cụ thể để được nhận làm con nuôi, chẳng hạn như về độ tuổi, trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi...

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.