Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'đóng cửa' với báo chí

12/07/2017 06:42 GMT+7

Báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng qua (11.7), phóng viên các cơ quan báo chí đến làm việc tại Trung tâm báo chí (tòa nhà Quốc hội) đã bất ngờ khi được thông báo “báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)”.
Trả lời Thanh Niên cùng ngày, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận từ nay sẽ áp dụng quy định trên cho tất cả các phiên họp của UBTVQH. Theo đó, các cơ quan báo chí sẽ chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để chụp ảnh, quay phim. Thay vì được theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp đến Trung tâm báo chí như trước đây, các phóng viên sẽ chỉ nhận được bản thông cáo báo chí sau các phiên họp.
Giải thích lý do của quy định này, ông Phúc cho biết là để tạo điều kiện cho các thành viên UBTVQH, Chính phủ... dự họp được trao đổi, phát biểu, tranh luận sâu hơn, không ngại các vấn đề liên quan bí mật nhà nước có thể “vô tình” bị tiết lộ nếu có báo chí tham dự.
Về việc quy định này có trái với Quy chế làm việc của UBTVQH (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13) trong đó quy định các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH hay không, ông Phúc cho biết quy định trên là bước đầu để xem xét thực tế và sẽ có điều chỉnh. Thời gian qua nhiều phiên họp của UBTVQH có “nhiều đồng chí thường vụ đã phải liên tục xin lỗi báo chí không đưa tin, nhiều đồng chí thành viên Chính phủ thì quen họp Chính phủ không có báo chí, sang đây cũng nghĩ như thế, nhiều khi phát biểu những vấn đề liên quan bí mật quốc gia nên không hay lắm”. Ông Phúc cho biết thêm quy định trên xuất phát từ ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH.
Nhận định về vấn đề này, một nguyên thành viên UBTVQH cho rằng không nên hạn chế báo chí như vậy. “Nếu báo chí có sơ suất thì chấn chỉnh theo luật Báo chí, còn việc báo chí tường thuật các phiên họp sẽ giúp đưa được nhiều thông tin đến người dân, đảm bảo vấn đề dân chủ của đất nước”, vị này nói.
Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, thì việc “đóng cửa” hay “mở cửa” với báo chí là vấn đề phụ thuộc quan điểm của người lãnh đạo. “Quá trình “mở cửa” các hoạt động của QH với báo chí có lẽ được bắt đầu từ thời Chủ tịch QH Lê Quang Đạo, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng... Trong đó thời của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng được coi là mở cửa nhất, có lẽ do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng là người xuất thân từ báo chí nên hiểu vấn đề này nhất”, ông Dũng bình luận.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, ở một số nước các ủy ban của QH cũng có những phiên họp kín nhưng không phải vì sợ lộ bí mật mà có thể có những vấn đề khó khăn chưa thảo luận công khai được, nhưng sau đó đều có họp báo. “Với những phiên họp liên quan vấn đề nhạy cảm, có nội dung bí mật nhà nước thì có họp kín, nhưng các phiên họp thảo luận chính sách pháp luật thì không có lý do gì đóng cửa với báo chí”, ông Dũng nói.
Theo ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH, trong nhiều năm qua việc báo chí được tham dự, đưa tin các phiên họp UBTVQH đã giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin. Ông Thảo cho rằng cũng có quan điểm đặt vấn đề các phiên họp như của UBTVQH cần có những không gian riêng để trao đổi thoải mái. Tuy nhiên, nên tạo điều kiện để báo chí tham dự đưa tin các phiên họp vì các chính sách pháp luật càng được công khai, nhiều người biết để đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện thì càng giúp xây dựng chính sách tốt, đặc biệt là các vấn đề ảnh hưởng lớn đến xã hội. Quy định hạn chế báo chí, nếu có, chỉ nên quy định ở từng nội dung cụ thể chứ không nên áp dụng cho tất cả các phiên họp. Theo ông Thảo, việc thông tin về các phiên làm việc của UBTVQH đã có quy chế, ban hành kèm nghị quyết, do vậy nếu “đóng cửa” với báo chí thì cần phải sửa nghị quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.