Vì sao thú rừng liên tiếp tấn công người?

19/12/2015 19:30 GMT+7

Chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như mở đường, làm thủy điện… đã 'cướp' đi sự yên tĩnh của động vật hoang dã. Tiếng ồn, sự áp sát, săn bắn của con người đã đe dọa hoang thú và khiến chúng cuồng nộ.

Chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như mở đường, làm thủy điện… đã 'cướp' đi sự yên tĩnh của động vật hoang dã. Tiếng ồn, sự áp sát, săn bắn của con người đã đe dọa hoang thú và khiến chúng cuồng nộ.

Nạn nhân trong vụ heo rừng tấn công ở Quảng Nam, bà cụ Hanh suýt bị cắt tay - Ảnh: Hứa Xuyên HuỳnhNạn nhân trong vụ heo rừng tấn công ở Quảng Nam, bà cụ Hanh suýt bị cắt tay - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Liên tiếp các vụ heo rừng tấn công người ở Quảng Nam, Nghệ An, chưa kể vụ bò tót lạc rừng húc chết người hồi năm ngoái, cho thấy có sự bất thường đang diễn ra.
Dữ như… heo rừng
Mới đây, khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân Hồ Văn Ven, nạn nhân trong vụ bị heo rừng tấn công hồi cuối tháng 11. Bệnh nhân 36 tuổi người Giẻ Triêng này đã phải nằm dưỡng thương hơn 3 tuần, dù trong tuần đầu tiên chuyển từ huyện miền núi cao Phước Sơn xuống thành phố Tam Kỳ anh đã… nằng nặc xin bác sĩ cho về nhà.
Anh Ven phải điều trị lâu do đa chấn thương, nhất là vết thương ở đùi sâu đến xương, hậu quả được báo trước cho những ai không may đối diện heo rừng. Bác sĩ Trương Văn Sự, Trưởng khoa Ngoại chấn thương cho biết loài thú này hễ đã tấn công ai là cắn liên tục, vào nhiều vị trí trên cơ thể chứ không chỉ húc một chỗ như các loài khác .
Anh Ven nằm dưỡng thương hơn 3 tuần sau khi bị heo rừng tấn công ở Quảng Nam - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Tại Khoa điều trị của bác sĩ Sự cũng vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị heo rừng tấn công hồi tháng 10 ở huyện Phú Ninh với tình trạng đa chấn thương tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn. Rất may cho bà Phạm Thị Hanh (80 tuổi) đã không phải cắt tay phải sau khi bị dã thú cắn dập nát cổ tay, còn bà Huỳnh Thị Lực (74 tuổi) chịu trận với hơn 20 vết thương nghiêm trọng ở ngực, tay chân...
“Xen” giữa 2 vụ heo rừng tấn công người dân ở Quảng Nam là vụ tương tự ở Nghệ An, nhưng nạn nhân là một thợ săn. Người thợ săn xấu số Lương Văn Phùng ở bản Vẽ, xã Yên Na (huyện Tương Dương) đã tử vong do bị heo rừng cắn nát 2 chân hôm 19.11.
Con người đang 'cướp' môi trường sống của động vật hoang dã
Lâu nay, các nghiên cứu đánh giá của ngành kiểm lâm vẫn nhận định: vào mùa lạnh dã thú thường ra bìa rừng kiếm ăn, từ đó tạo ra các cuộc “tiếp xúc” bất đắc dĩ với con người.
Tại Quảng Nam, thi thoảng dư luận lại nóng lên khi thấy đàn voi lững thững vào rẫy hoa màu ở Nam Trà My, Bắc Trà My giẫm đạp. Mãi đến khi chúng bị đẩy đuổi vào rừng sâu thì người dân mới thở phào.
Tháng 5 năm ngoái, con bò tót đực nặng gần 1 tấn sau 2 tháng loanh quanh ở vùng giáp ranh Đông Giang – Đại Lộc đã bất thần húc chết 1 thanh niên ở xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) và làm 4 người khác bị thương. 
Vậy những cuộc tấn công liên tiếp đó có phải bất thường?
Con bò tót nặng gần 1 tấn quanh quẩn ở vùng giáp ranh Đông Giang – Đại Lộc hồi năm ngoái - Ảnh: C.T.V
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam nói: “Đúng là chuyện cá biệt, không thấy phổ biến. Ngoài yếu tố kiếm ăn xa vào mùa lạnh, tôi nghĩ còn có nguyên nhân môi trường sống của chúng bị khuấy động”.
Theo ông Tuấn, chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như mở đường, làm thủy điện… đã “cướp” đi sự yên tĩnh của động vật hoang dã. Bao nhiêu tiếng động, tiếng ồn, sự áp sát của con người làm thu hẹp vùng sinh cảnh của chúng.
Sự bất thường cũng được một cán bộ quản lý cảnh quan Trung Trường Sơn (miền Trung Việt Nam) thuộc WWF-Việt Nam nhìn nhận. Ông Nguyễn Anh Quốc, người phụ trách công tác bảo tồn thiên nhiên của WWF-Việt Nam từ Quảng Nam đến Quảng Trị, Hà Tĩnh, cho rằng: “Phải có sự tác động tới môi trường, sinh cảnh sống hoặc hoạt động săn bắt, bẫy bắt... gây bức xúc mới khiến loài hoang thú tấn công người”.
Sau khi húc chết 1 người, con bò cũng bị chết chưa rõ nguyên nhân - Ảnh: C.T.V
Để hóa giải quyết vấn đề này, theo ông Quốc cần phải có giải pháp liên hoàn, vừa đáp ứng sinh kế người dân, bảo tồn nét văn hóa vùng cao (tập quán săn bắt) nhưng cũng phải đặt sự an toàn loài lên hàng đầu.
Ông Quốc từng nghiên cứu các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến vấn đề săn bắt động vật hoang dã trong cộng đồng người Cơtu tại Việt Nam.Đề tài nghiên cứu của ông khi đăng tải trên tờ Cambridge Journals Online hồi năm 2013 được đánh giá là “một đóng góp lớn cho nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học trong cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.