Vị tướng thiên tài và bình dị: “Quảng Bình là nhà tôi...”

29/08/2010 01:12 GMT+7

Các bạn có tin được không, có lần tôi đã bật ra với chị Võ Hồng Anh một câu huếch lác thế này: “Tôi mà biết ông già hay như ri, đảm bảo với chị thời kỳ học đại học ở Hà Nội tôi dám đi lại 30 Hoàng Diệu, biết đâu chẳng thành con rể của cụ!?".

Mọi người có thể biết, cụ có năm người con. Chị Hồng Anh là trưởng nữ, con gái duy nhất của đại tướng với liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Một thời, người quê tôi đồn nhau: Ông Giáp cứ đánh thắng một chiến dịch lại sinh một đứa con, lấy tên chiến dịch mà gọi. Lời đồn ấy có cơ sở. Đại tá Võ Hòa Bình sinh trong chiến dịch Hòa Bình, Võ Điện Biên thì rõ rồi, sinh năm 1954. Một quý tử nữa tên Hồng Nam và một ái nữ tên Hạnh Phúc. Trong những lần về quê chị cứ hay nhắc tên “cái Phúc”, “con Phúc” làm tôi ngứa miệng nói: “Thì khi nào chị rủ em Phúc về Đồng Hới chơi!”. Và em Phúc về thật. Em kém tôi vài tuổi, tính tình vui vẻ, hồn nhiên, xem số tử vi thì lại hợp tuổi với tôi. Là vậy nên tôi mới bạo mồm nói vui chứ thực thì Phúc đã có gia đình riêng. Vả chăng, tiếp xúc nhiều với cụ, tôi sinh cái bệnh “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Thấy cụ hồn hậu hiền lành, lại nhớ cái định nghĩa tếu táo: “Bố vợ là ông già hàng xóm tốt bụng có con gái gả cho ta”.

Giờ này dám nói như vậy, vì, tôi đã từng chọc giận ông cụ, chọc quê và cả… quát tháo cụ.

Chuyện như vầy, xin chép hầu độc giả (không phải để làm sang mà chỉ muốn khắc họa một phần chân dung tâm tính ông cụ để bạn đọc hiểu thêm…). Dịp ông về quê cuối xuân 1992, có lẽ là lần về thăm dài nhất (21 ngày). Tôi làm biên tập truyền hình nên được thoải mái tiếp cận cụ. Tỉnh đang định thay máy phát truyền hình. Vì nghèo và tư tưởng làm ăn cò con nên bỏ máy 100W lại định mua máy 500W. Tôi nảy sáng kiến nhờ cụ can thiệp để chí ít tỉnh cũng mua máy 1 KW cho dân các huyện đồng bằng xem được. Buổi tối, khách sạn có nhiều chiến sĩ công an mặc thường phục nhưng quen mặt nên họ dễ dàng để tôi vào. Tôi kể lại chuyện trên và thở vào tai cụ: “Phát bằng máy 500W thì dân Lệ Thủy chèo đò chở tivi về giữa phá Hạc Hải ngồi xem”. Tôi đã điểm đúng huyệt. Cụ không nói gì nhưng tôi biết chiều ngày mai lên thăm đài sẽ có chuyện.

Y như rằng…

Mới nhận bó hoa từ tay cô nhân viên hành chính, cụ hỏi vài câu xã giao rồi vào ngay nội dung công suất máy phát. Trưởng đài hồn nhiên báo cáo đúng như tôi đã nói, và cụ đùng đùng nổi giận. Ở trên đồi Hải Thành nơi đài đóng trụ sở có cái lô cốt và chòi canh từ thời Pháp, bậc cấp rất cao. Vậy mà trong cơn tức giận, cụ cứ ào ào bước lên bước xuống. Tôi hơi hoảng: Cụ mà ngã một cái thì tôi ân hận cả… hai đời. Cụ hỏi:

- Ở tỉnh ai lo việc này? Đinh Hữu Cường hả?

Ông Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã cũng chỉ biết vâng dạ.

- Ở Trung ương là ai?

Trần Hoàn hả? Tôi sẽ điện cho Trần Hoàn.

Đến lúc này giáo sư Đặng Bích Hà liền vào cuộc. Bà xua tay:

- Anh không điện đâu! Anh có quyền gì mà điện?

Rồi bà quay sang chúng tôi: “Nhà tôi không có quyền gì đâu các anh các chị ạ”.

Ngọn đồi khá cao nguyên là một đoạn trong chiến lũy Đào Duy Từ nằm cạnh cửa biển Nhật Lệ. Gió từ biển thổi vào rất mạnh. Cụ đi trước ngọn gió, ngực áo phanh ra, mái tóc bạc bay trắng xóa. Cụ nói rất lớn những gì vào ngọn gió mọi người không ai nghe thấy nhưng tình cảm cụ dành cho quê hương chân tình và tha thiết thì mọi người đều cảm nhận được.

* * *

Ngày thứ 21, ngày cuối cùng của chuyến thăm quê lần ấy xảy ra hai chuyện.

Bắt đầu từ việc tôi đi chơi về khuya, ngủ dậy muộn, quýnh quáng nhảy lên xe không kịp điểm tâm. Sáng hôm ấy cụ sẽ nói chuyện với cán bộ và nhân dân Quảng Trạch, nghỉ trưa tại Ba Đồn để chiều chia tay trên đỉnh Đèo Ngang. Mười giờ sáng, đói bụng, tôi ngồi với nhóm sĩ quan tùy tùng lấy bia thay cơm, đến hơn mười một giờ đã say khướt. Có câu chuyện tôi nghe thủng của một thiếu tá rằng ban đêm anh vẫn phải ngủ trên bàn làm việc cùng với bao nhiêu khó khăn thiếu thốn khác mà quân đội đang phải gánh chịu. Qua bữa cơm trưa, tới hai giờ chiều khi mọi người ra xe, cơn say của tôi vẫn chưa thuyên giảm. Tôi nhớ lại chuyện viên thiếu tá ngủ trên bàn rồi tự dưng nổi giận, và, trời phật ơi! Tôi cứ nhè vào cụ mà quát tháo. Thử hỏi các bạn, trên đất nước này, trái đất này, thế kỷ 20, 21 này có ai như tôi dám quát một ông Đại tướng Tổng tư lệnh không?! Đến nay, 18 năm đã trôi qua, nhắc lại chuyện, những người đi theo hồi ấy còn đùa: Binh nhì mà quát Đại tướng! (số là, tôi có cái truyện ngắn Hồi ức binh nhì một thời cũng râm ran).

Có điều may mắn là nội dung những câu thét lác của tôi nghe ra cũng có lý. Tôi quát như vầy:

- Tại sao bác lại để cho sĩ quan của mình phải ngủ trên bàn?

- Bác có biết (ai chà!) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói gì khi Yết Kiêu chống sào đứng chờ chủ tướng bằng được trong khi quân Nguyên đang tới rất gần… Bác nhớ không? Than ôi! Chim hồng chim hộc bay cao được là nhờ đôi cánh… vậy mà bác để cho sĩ quan dưới quyền phải ngủ bàn ngủ ghế…

Bộ đội, công an huyện, cán bộ tỉnh đi theo cứ gọi là được phen sợ hãi. Có điều lạ là, cụ có vẻ thúc thủ nói đi nói lại nhiều lần câu: “Tôi không có quyền, việc nhà đất tôi không can thiệp được”. Cả giáo sư Đặng Bích Hà cũng thế, không hề tự ái, nổi giận mà chỉ đơn thuần thanh minh rất nhũn nhặn: “Anh thông cảm, nhà tôi chả có quyền gì đâu”.

May là, cái việc ấy chỉ diễn ra trong vài phút trên đoạn đường từ phòng nghỉ ra xe.

Trời đột ngột có mưa nhẹ. Đỉnh đèo Ngang - 21 ngày trước đó, chúng tôi đón Đại tướng, phu nhân, ái nữ Hồng Anh, đại tá Tâm, đại tá Huyên… bây giờ chia tay, không như đưa tiễn Kinh Kha nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. 21 ngày bên nhau giữa những người đồng hương sau hơn nửa thế kỷ. Một sĩ quan mở dù che cho ông. Tôi vẫn còn chếnh choáng tự cho mình được độc quyền làm việc. Câu đầu khá suôn sẻ: “Thưa bác! Đây đã là thước đất cuối cùng của quê hương, xin bác đôi lời…!”. Nhưng đến câu hai thì hỏng: “ Xin bác một lời hò hẹn ngày tái ngộ”.

Ấy là tôi bị ám ảnh cái từ “chai chen” trong tiếng Trung, dịch là tạm biệt nhưng thực nghĩa là tái kiến - hẹn gặp lại. Nên tôi mới nói là tái ngộ, lại còn hò hẹn (lạy Phật!) cứ như là ngang hàng với nhau vậy?! Mọi người đều nghe rõ câu hỏi và nín thở: Biên tập viên truyền hình đi quá đà rồi. Nhưng cụ trả lời ngay, giọng vẫn ấm, mềm và hơi vui vui:

- Tôi có phải trai gái gì đâu mà hẹn hò, Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà…

Không gian Hoành Sơn lập tức trở nên trong veo, mát lành như được gột sạch bởi cơn mưa đầu hè. Mọi người thở phào cười nói râm ran, và chính cái không khí ấy cộng với hơi men còn sót lại khiến tôi có thêm một cử chỉ hết sức bất cẩn: Thả micro nhào tới ôm lấy ông mà lắc lư, lắc lư… Lúc đó tôi cảm thấy ông gần gũi và thân thiết vô cùng. Ba tôi mất đã gần hai năm. Tôi đã đến tuổi tứ thập mà vẫn thấy chống chếnh. Sinh thời của cụ, hai cha con cũng ít khi có tình cảm ủy mị như vậy. Bây giờ gặp cụ già đồng hương Kiến Giang này, sao tôi thấy gần gũi dễ chịu đến thế. Trong vòng tay tôi không còn tướng soái nào cả mà chỉ là ông già 81 tuổi, nội lực nghe ra còn rất khá. Đột ngột, tôi thầm cầu mong cho ông sống lâu trăm tuổi.

Và, khi đoàn xe nối đuôi nhau chạy xuống đèo ra hướng bắc, cùng đứng lại trên đỉnh đèo Ngang tôi vẫn như còn nghe vẳng lại rất rõ giọng nói, âm vực và cao độ vừa phải, tiếng nhả đều, tròn, chất giọng Lệ Thủy: “...Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước là tôi về nhà…”.

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.