Sau gần 1 tiếng đồng hồ chĩa súng đe dọa, chạy xung quanh tàu cá Việt Nam tìm cách áp mạn nhảy lên, hò hét, hú còi trấn áp, xuồng cao tốc Trung Quốc mới dừng cuộc đuổi bắt ngang ngược.
Lúc 13 giờ 30 ngày 30.5, tàu cá BTh-96689.TS do ông Trần Quang Phố (43 tuổi, ở xã Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) làm thuyền trưởng, chạy từ đảo Phan Vinh sang Đá Đông A ngang qua đá Châu Viên. Khi cách Châu Viên khoảng 10 hải lý (18,5 km), các thuyền viên trên tàu phát hiện 1 xuồng cao tốc chở lính Trung Quốc chạy từ Châu Viên ra áp sát tàu cá BTh-96689.TS ở khoảng cách gần nhất là 3 - 4m.
Các ngư dân thuật lại, xuồng cao su này chạy tốc độ rất cao, phía sau lái có treo cờ Trung Quốc và hệ thống đèn ưu tiên nhấp nháy xanh đỏ, còi xua đuổi cùng loa phóng thanh công suất lớn. Trên xuồng có 7 binh lính Trung Quốc đội mũ sắt, mặc quần áo rằn ri và choàng ra ngoài là áo phao màu đỏ. Trong đó, 1 người đứng mũi xuồng quay phim chụp hình, 4 người ngồi trên ghế khoang trước tay lăm lăm súng quân dụng, phía sau vị trí lái là 1 người điều khiển xuồng và 1 người chỉ huy luôn tay bấm tổ hợp bộ đàm…
Đá Châu Viên là một rạn san hô thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Ngư dân Nguyễn Hữu Xạo (Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) đi trên tàu cá Bình Thuận, kể: Ban đầu họ quát trên loa phóng thanh chắc là yêu cầu dừng tàu để kiểm tra. Nhưng anh em không biết tiếng Trung Quốc nên vẫn lái tàu theo hành trình. Sau đó họ mới áp sát tàu chỉ cách 3 - 4 mét hoa chân múa tay bắt dừng và tốp 4 binh lính ngồi khoang trên chĩa súng AK sang tàu đe dọa, chúng tôi mới hiểu ý định của họ. Lúc này tụi tui lùi hết vào trong khoang, chui xuống hầm để thuyền trưởng điều khiển tàu chạy hết tốc lực về đảo Đá Đông A của Việt Nam.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ chĩa súng đe dọa, chạy xung quanh tàu cá Việt Nam tìm cách áp mạn nhảy lên và hò hét, hú còi trấn áp, xuồng Trung Quốc đành “bỏ mồi” khi tàu BTh-96689.TS chạy vào sát đảo Đá Đông A (điểm đảo chìm có bộ đội của Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân chốt giữ), chỉ cách khoảng 4 hải lý (7,4 km).
Ngư dân Trần Quang Tài (19 tuổi, ở Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) cho PV Thanh Niên biết: Trước đó không lâu, tàu BTh-96689.TS chạy từ Đá Đông A sang Phan Vinh cũng bị tàu tuần tra của Trung Quốc chạy ra từ bãi đá Châu Viên đẩy đuổi không cho đi gần vào khu vực bãi đá. Không chỉ hú còi xua đuổi, chạy vòng quanh tốc độ cao gây sóng, binh lính Trung Quốc còn chĩa súng đe dọa sang tàu cá Việt Nam.
(TNO) Đá Châu Viên là rạn san hô nằm trong cụm Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Cuối 2013, Trung Quốc tập trung tàu thuyền chở vật liệu, phương tiện cơ giới hiện đại xây dựng phi pháp, cải tạo biến đá Châu Viên thành đảo nhân tạo lớn nhất trong số 7 bãi đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép từ năm 1988-1989.
Đá Châu Viên là rạn san hô thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ ngày 28.2.1988. Từ cuối 2013 phía Trung Quốc tập trung bồi đắp bãi Châu Viên thành đảo nhân tạo, xây dựng thành căn cứ quân sự có quy mô, tầm quan trọng nhất trong số 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam tại Trường Sa.
Do có sân bay, bến cảng, hải đăng và nhất là các công trình đảm bảo hoạt động cho hệ thống ra đa tần số cao, kiểm soát không lưu, thông tin liên lạc, nên bãi Châu Viên được nhiều tàu chiến, hải cảnh, tàu cá bọc sắt Trung Quốc bảo vệ. Nếu các tàu thuyền không phải của Trung Quốc đi cách đảo 20 km, ngay lập tức sẽ bị cảnh báo qua hệ thống thông tin sóng ngắn, pháo sáng và thậm chí còn bị các tàu xuồng lao ra đẩy đuổi, đâm va, chặn bắt.
Bình luận (0)