Việt Nam trước hiểm họa nước biển dâng cao

02/03/2009 22:58 GMT+7

* Nhấn chìm 4,4% lãnh thổ Mời nghe đọc bài Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng lên 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (năm 2007), Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bài 1: Nhấn chìm 4,4% lãnh thổ

Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ...

Những dự báo khắc nghiệt

Đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), với 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Chương trình sẽ được thực hiện trên toàn quốc, trong 3 giai đoạn: từ năm 2009-2010 là giai đoạn khởi động; từ năm 2011-2015 là giai đoạn triển khai và sau năm 2015 là giai đoạn phát triển. Tổng vốn dự kiến từ năm 2009-2015 là 1.965 tỉ đồng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, BĐKH đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt. Dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm khoảng 30C và mực nước biển dâng cao thêm 1m. Mực nước biển sẽ dâng cao từ 15 - 90 cm vào năm 2070. Một điều dễ nhận thấy của BĐKH là nhiệt độ trái đất đang tăng lên.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và môi trường), trong 70 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng lên 0,70C và mực nước biển dâng cao thêm 20 cm. Nhiệt độ trung bình 4 thập kỷ gần đây (1961 - 2000), cao hơn 3 thập kỷ trước đó (1931 - 1960). Trong khi đó, các cơn bão có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam và mùa bão cũng chuyển dần về cuối năm; nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản ở các địa phương trong cả nước.

Trong khoảng 25-30 năm trở lại đây, đã có khoảng 30 bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, một số bệnh cũ cũng đã xuất hiện trở lại do những biến đổi của khí hậu.

Theo nhận định chung của các nhà khoa học, khí hậu ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Việt Nam được xác định là một trong những nước bị tác hại nặng nề của BĐKH. Với trên 80% diện tích mặt đất có độ cao thấp hơn 2,5m so với mặt nước biển, ĐBSCL được đánh giá là khu vực sẽ gánh chịu nhiều tác hại xấu do BĐKH. BĐKH đã gây ra nhiều thay đổi về mực nước và tình hình xâm nhập mặn.

Trong một nghiên cứu khác, một nhóm chuyên gia của ĐH Hoàng gia Thái Lan sử dụng phần mềm IPCC dự báo đến năm 2100 khí hậu sẽ càng khắc nghiệt hơn. Nhiệt độ không khí không phải chỉ tăng 30C mà sẽ tăng lên 4 - 50C , số ngày có nhiệt độ cao hơn 350C sẽ tăng lên đến 240 ngày/năm. Những đợt sóng nhiệt dâng cao có thể lên đến 400C, thậm chí là 450C. Vào mùa mưa, mực nước biển Đông sẽ cao hơn hiện nay khoảng 1m, mực nước lũ của ĐBSCL sẽ tăng thêm khoảng gần 2m so với mức lũ hiện nay.

Hậu quả của nước biển dâng cao không phải chỉ có ngập tĩnh. Các vùng ven bờ và cửa sông bị xâm thực làm cho cơ sở hạ tầng ven biển bị đe dọa lớn hơn. Bên cạnh đó chế độ thủy văn trên từng địa bàn sẽ có những thay đổi ảnh hưởng tới tình trạng xói lở, bồi lắng phù sa trên các hệ thống sông chính cũng thay đổi.

Đại họa với vựa lúa số 1

Nếu mực nước biển dâng cao như đã nêu, sẽ có khoảng 90% diện tích trồng lúa ĐBSCL bị ngập hoàn toàn (không sản xuất được), các tỉnh có tỷ lệ ngập cao theo thứ tự lần lượt là Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long. Theo nghiên cứu của Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, kết quả quan trắc tại các trạm ở ĐBSCL cho thấy: từ năm 1960 - 2000, lượng mưa có sự gia tăng khoảng 200 - 400 mm. Trong những năm cuối của giai đoạn này tại một số địa phương ở ĐBSCL như Cần Thơ, Phú Quốc lượng mưa đã đặc biệt tăng cao. Số cơn bão có ảnh hưởng đến ĐBSCL cũng tăng cao. Trong suốt 87 năm (1884 - 1970), chỉ có 0,75% số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến ĐBSCL. Nhưng con số này đã tăng lên tới 2,88% trong thời gian gần đây (1956 - 1997). Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền càng phổ biến. Ông Lê Quang Minh, Sở TN-MT Cần Thơ cho biết, mùa khô 1998, nước mặn với độ mặn 4% đã tràn vào đất liền, có nơi vào sâu tới 45 km, 2/3 diện tích bán đảo Cà Mau bị nhiễm mặn, hơn 200 ngàn ha lúa hè thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 32% trong số đó bị mất trắng.

Gần 2 triệu cư dân lưu vực sông Hồng bị ảnh hưởng

Nước biển dâng 1m sẽ có 1.668 km2 đất thuộc đồng bằng sông Hồng bị ngập, 1.874.011 người bị ảnh hưởng. 2.983 km2 đất bị ngập. Một kịch bản khác chỉ ra rằng, nếu nước biển dâng 2m thì nước sẽ gây ngập 4.693 km2 đất và 5.589.629 người chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Tại vùng đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, mực nước biển dâng sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, tạo điều kiện xói lở bờ biển, gây khó khăn cho nghề cá do những thay đổi theo hướng xấu đi của phần lớn nguồn lợi thủy sản. Diện tích sinh sống của các khu dân cư ven biển bị thu hẹp, khả năng xói lở bờ biển tăng lên, trực tiếp đe dọa các công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và một số đô thị trên nhiều tuyến bờ biển.

170 ngàn người tại Đà Nẵng sẽ mất nhà trong 30 năm nữa!

Theo báo cáo tại hội thảo "TP Đà Nẵng và biến đổi khí hậu" được tổ chức vào hôm 20.2 vừa qua, trong 30 năm nữa, khi mực nước biển dâng 30 cm thì sẽ có 30.000 hộ với hơn 170.000 người ở 18 xã phường ven biển mất nhà ở. Cùng với nó là tình trạng nước biển dâng, triều cao làm ngập lụt ở đồng bằng sâu thêm, thời gian kéo dài hơn. Khi đó, số lượng nhà cửa vùng nông thôn bị ngập sẽ tăng lên 40.000 nhà, mức thiệt hại dự kiến sẽ gấp đôi lũ 1998.

Khi diễn biến khí hậu, gió bão ngày một mạnh hơn thì vùng bờ biển nam Liên Chiểu, bắc Thanh Khê và ven Sơn Trà, Hòa Hải sẽ nằm trong đích ngắm của hà bá. Hiện tại, dòng chảy sông Yên đang cạn kiệt, nên tình trạng mặn đã xâm nhập sâu đến đập An Trạch, đe dọa và làm trầm trọng thêm mức độ thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Ước tính, sẽ có hơn 700.000 người dân nội thành sẽ thiếu nước sinh hoạt khi khả năng thiếu nước trên nhánh sông Ái Nghĩa đang ngày một báo động. Đi kèm với điều này là thảm họa cho đời sống và phát triển của thành phố khi hàng ngàn cơ sở sản xuất, dịch vụ bị đình trệ sản xuất.

(Còn tiếp)

Tiến sĩ Lương Thị Vân (Trưởng khoa Địa lý - ĐH Quy Nhơn): Nhiều loài động thực vật sẽ bị tuyệt chủng

Đến nay, những dự báo và lo ngại của các nhà khoa học thế giới về sự BĐKH toàn cầu không còn là vấn đề phải tranh cãi. Có rất nhiều kết quả quan trắc đáng tin cậy về hiện tượng nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên gần 10C so với hơn một thế kỷ qua. Thực tế cho thấy băng đã tan ở hai đầu cực, các lỗ thủng xuất hiện ở tầng ozon, mực nước biển dâng cao, khô hạn, cháy rừng, mưa acid, lũ lụt, sạt lở đất đá... diễn ra trên diện rộng với cường độ lớn và tần suất cao, ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp đến sự phát triển, tồn tại của tất cả các cộng đồng và quốc gia trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Nhật Bản).

Theo cảnh báo, nếu mực nước biển dâng cao 1m, Việt Nam sẽ mất hơn 65% diện tích rừng ngập mặn; đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng, nhiều loài động thực vật sẽ bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao; 10% dân số sẽ bị mất nơi cư trú, dịch bệnh và các căn bệnh lạ, hiểm nghèo trong các cộng đồng dân cư sẽ xuất hiện không thể kiểm soát do nhịp sinh học bị thay đổi...

Vũ Phương Thảo - Đình Phú - Mai Vọng - Chí Nhân - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.