Mỗi năm, doanh nghiệp chỉ phải trả 150 triệu đồng để khai thác trên 56 ha rừng tại Vườn quốc gia Ba Vì để làm du lịch sinh thái.
Một công trình nằm trong dự án Le Mont Ba Vi Resort trong Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Trong ngày hôm nay 2.3, đoàn kiểm tra của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN - PTNT tiếp tục kiểm tra tại các công trình xây dựng trong dự án Le Mont Ba Vi Resort, chủ đầu tư là Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng không phép tại khu vực cốt 600 m trong Vườn quốc gia Ba Vì.
Bên cạnh câu chuyện thủ tục hành chính, nhà đầu tư cho thi công công trình bề thế khi chưa được cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ NN - PTNT cấp phép thì nội dung trong bản hợp đồng liên kết kinh doanh du lịch sinh thái, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng được ký giữa Vườn quốc gia Ba Vì và CFTD được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, bản hợp đồng được ký ngày 22.8.2008 giữa lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì, khi đó giữ chức vụ Giám đốc Vườn là ông Đỗ Khắc Thành và ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc CFTD. Hợp đồng có giá trị 53 năm, phía Vườn quốc gia Ba Vì giao cho CFTD 53 ha rừng, các công trình hạ tầng tại độ cao 600 - 700 m và 3,05 ha tại khu vực độ cao 800 m để khai thác dịch vụ.
Sau khi ký hợp đồng, CFTD đã hỗ trợ Vườn quốc gia Ba Vì khoản kinh phí ban đầu là 200 triệu đồng, để được sử dụng các công trình hạ tầng chung của vườn. Trong 3 năm đầu tiên, CFTD mở mang xây dựng, tiếp tục hỗ trợ thêm cho Vườn quốc gia Ba Vì 300 triệu đồng.
50 năm còn lại, mỗi năm CFTD đóng góp cho vườn là 150 triệu đồng, tổng số tiền mà CFTD phải trả để khai thác trên 56 ha rừng của Vườn quốc gia Ba Vì trong 50 năm là 7,5 tỉ đồng.
Cũng theo hợp đồng này, khi hoàn thiện đầu tư, đưa công trình đi vào khai thác, CFTD sẽ chi trả hoa hồng vé vào cổng cho Vườn quốc gia Ba Vì theo tỷ lệ 10% giá vé đối với đoàn khách từ 15 - 30 người, 20% đối với đoàn khách từ 30 - 100 người, trên 30% đối với đoàn khách trên 100 người. Đối với khách thuê lâu dài từ 3 tháng trở lên, hai bên sẽ tự thỏa thuận mức thu theo quy định.
Liên quan đến nội dung hợp đồng này, ông Đỗ Hữu Thế, Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết, hợp đồng được ký bởi lãnh đạo tiền nhiệm. Trong quá trình xây dựng nội dung hợp đồng, đơn vị đã báo cáo chủ trương và được sự đồng ý phê duyệt của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN - PTNT.
Cụ thể ông Đỗ Hữu Thế cho biết, thời điểm ấy Chính phủ đã cho phép thí điểm việc cho thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Ba Vì là đơn vị đầu tiên để thí điểm trên cơ sở đó có đánh giá tổng kết thực tiễn để triển khai nhân rộng.
Giải thích băn khoăn khi dư luận cho rằng, mức phí Vườn quốc gia Ba Vì được doanh nghiệp chi trả quá rẻ so với diện tích trên 56 ha rừng đã bàn giao, ông Đỗ Hữu Thế cho biết, giá cho thuê rừng được tính theo đơn vị diện tích là ha và đơn giá đã được Tổng cục Lâm nghiệp xem xét phê duyệt. Vườn quốc gia Ba Vì chỉ căn cứ để ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Theo quy định hiện nay, mỗi năm Chính phủ hỗ trợ khoảng 200.000 đồng/ ha rừng cho cá nhân, đơn vị nhận quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng ở diện tích đã cho doanh nghiệp, ngân sách không phải trả khoản phí này và đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng, trồng mới cây xanh.
Cũng theo thông tin từ ông Đỗ Hữu Thế, phía CFTD đã xây dựng được khoảng 50 phòng bao gồm phòng làm việc cho nhân viên và các phòng khai thác dịch vụ. Doanh nghiệp đã có một số lần đề nghị được tổ chức khai trương, đưa vào khai thác nhưng lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì không đồng ý.
Công trình chưa được Bộ NN - PTNT phê duyệt, bị đình chỉ thi công nhưng doanh nghiệp vẫn hoàn thiện khu nghỉ dưỡng để kinh doanh và khi phóng viên đặt câu hỏi, lượng khách ra vào Le Mont Bavi Resort đã có đóng góp như thế nào cho nguồn thu của Vườn quốc gia Ba Vì, ông Thế nói: “CFTD có đón khách vào nhưng họ nói chỉ là "đối tác" đưa vào để “chạy thử” dịch vụ. Họ đưa đón từ Hà Nội lên bằng xe riêng của doanh nghiệp. Vườn cũng có chức năng quản lý thu vé vào cổng nhưng để kiểm soát khách nào là khách thăm quan thực sự, khách nào thuộc về dự án khai thác thì chưa có thống kê tách bạch được”.
Bình luận (0)