Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 7: Số vụ tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng

15/07/2017 07:00 GMT+7

Công an TP.HCM cho biết số vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

“Số vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng” là nhận định của đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM trong hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM tổ chức vào ngày 14.7.
Số vụ gia tăng, mức độ nghiêm trọng
Tại hột thảo, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước thực trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng phức tạp, số vụ việc xảy ra lớn nhưng số lượng bị xử lý lại rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong các loại hình xâm hại trẻ em thì xâm hại tình dục nổi lên bởi tính chất phức tạp, mức độ tổn hại và khả năng hồi phục của nạn nhân. Từ năm 2012 đến 2015, Viện KSND hai cấp của TP đã thụ lý kiểm sát điều tra 966 vụ với 826 bị can về các tội xâm hại tình dục (chủ yếu là xâm hại tình dục trẻ em). Trong đó, khởi tố mới 677 vụ án với 570 bị can, xét xử 538 vụ với 562 bị cáo. Như vậy, mỗi năm trung bình khởi tố mới 169 vụ án với 142 bị can về các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì con số này chưa phản ánh đúng thực tế xảy ra vì nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không được trình báo vì những lý do khác nhau. Số bị can luôn thấp hơn số vụ án khởi tố là “đặc trưng đau lòng” của loại tội phạm này, số vụ án tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định được đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn.
Nguyên nhân của tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em hiện nay theo nhận định của Sở LĐ-TB-XH là do lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, xem nhẹ các giá trị đạo đức, cổ xúy cho lối sống thực dụng, hưởng thụ; việc tiếp cận các trang mạng có nội dung xấu, nội dung khiêu dâm, bạo lực một cách dễ dàng cùng với việc thuê phòng trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke... biến tướng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em dễ dàng thực hiện nhưng lại khó bị phát hiện.
Toàn cảnh buổi hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” ngày 14.7 Ảnh: Hải Nam
Giáo dục giới tính đang “bỏ ngỏ”
Bên cạnh đó, công tác giáo dục giới tính, kỹ năng cơ bản cần thiết, giáo dục tâm, sinh lý cho trẻ em hiện nay còn chưa kịp so với sự phát triển sớm về thể chất và tâm, sinh lý của các em. Hiện nay, có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bất chấp luân thường đạo lý trong mối quan hệ cha với con gái ruột, cha dượng với con gái riêng của vợ hoặc thậm chí cả ông với cháu.
Người bị hại là trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái còn nhỏ tuổi nên chưa dễ dàng bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa dối hoặc đe dọa.
Theo số liệu của Bộ Công an và tổ chức UNICEF năm 2016, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, trong đó trung bình có 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2 đến 14 tuổi bị bạo hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Phát biểu tại hội thảo, đại tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM nhìn nhận tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề bức xúc, có xu hướng tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Sự vô cảm, mất nhân tính của tội phạm báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ dân cư trong cộng đồng.
Nguy cơ bị xâm hại có thể xảy ra đối với trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, từ thành thị tới nông thôn và trẻ có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, trong chính ngôi nhà của mình. Sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không hoặc không dám kể lại và hầu. Đặc biệt, các vụ xâm hại tính dục trẻ em là nam giới hầu hết bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... đôi khi vụ việc diễn ra một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm.
Ông Phạm Đinh Nghinh, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội trẻ em TP.HCM cho biết hiện nay quy trình về xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn quá chậm. “Thời gian qua, có nhiều vụ việc nếu xử lý tốt, nhanh thì sẽ không bị đẩy lên thành những vụ nóng. Thực tế hiện nay có nhiều quận huyện xử lý rất chậm, khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng lại yêu cầu công văn này, văn bản kia... trong khi có nhiều vụ việc cần phải xử lý ngay, không thể chờ đợi được”, ông Nghinh nói và đề nghị bên cạnh việc xử lý thì cũng cần có những dịch vụ hỗ trợ cho các em sau khi bị xâm hại, nhằm giúp đưa các em trở lại cuộc sống bình thường.
Phải dạy trẻ cách phòng vệ
Để hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Ngọc Nhung, Phó ban thiếu nhi Thành Đoàn TP.HCM cho rằng nguyên nhân một phần là do thiếu sự quan tâm giáo dục của nhà trường và gia đình về kiến thức tâm sinh lý để các em tự bảo vệ. Bà Nhung đề nghị cần phải trang bị cho các em các kiến thức và kỹ năng cần thiết như đưa các môn võ tự vệ và xem như là môn học ngoại khóa bắt buộc mà các trường phải thực hiện, đưa các bài học thực tế vào giảng dạy để các em có kinh nghiệm, kiến thức tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải kịp thời cung cấp thông tin và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn cần chặt chẽ hơn, tránh trường hợp khi một vụ việc xảy ra thì mạnh cơ quan nào cơ quan nấy làm, cơ quan nào cũng xuống gặp nạn nhân để làm việc lấy thông tin gây mệt mỏi và tổn thương thêm cho nạn nhân.
Kết luận hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là trong công tác tiếp nhận thông tin và giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, ông Nam cũng kiến nghị cần phải có sự thay đổi, bổ sung luật pháp liên quan, cụ thể là bộ luật Tố tụng hình sự và luật Giám định tư pháp nhằm rút ngắn thời gian xử lý, thu thập chứng cứ nhưng không gây tổn hại cho tinh thần của nạn nhân.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hải Nam
Ông Nam cũng cho biết luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1.6.2017) đã quy định Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Hiện nay, đã có đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em số 18001567 hoạt động tiếp nhận và tư vấn, hoạt động 24/24, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa biết đến đường dây này.
Thời gian tới, cơ quan chức năng dự kiến sẽ thành lập tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với 3 số đơn giản, dễ nhớ, ví dụ như Tổng đài 111...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.