Xây trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Thêm tốn kém, thiếu hiệu quả

15/10/2017 11:00 GMT+7

Mục tiêu của đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM là giải quyết nạn kẹt xe, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc này không cần thiết và gây tốn kém.

Theo phương án thiết kế có 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí được bố trí trên một vành đai khép kín, bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, giao với Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.
Trong đó, có 2 cổng thu phí được lắp trên đường Bạch Đằng và Trường Sơn thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời gian 15 năm.
Vừa tốn kém, vừa không giải quyết được nạn kẹt xe
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, xã hội.
“Trung tâm là nơi tập trung những dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí và kinh doanh của thành phố. Vì vậy, mật độ xây dựng ở đây rất cao, nhưng đường xá thì không phát triển hoặc phát triển rất ít. Hơn nữa, nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân hiện nay cũng ngày một tăng, khiến hạ tầng giao thông thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Ninh nói.


Ngày 13.10, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, dự án “thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” do Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất đang được bổ sung, hoàn thiện để trình Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM xem xét.
Đồng thời, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD cũng cho rằng, sau khi có công bố của Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM về đề án trên, phía công ty sẽ có buổi phản biện với người dân về vấn đề này.

Để hạn chế nhu cầu, kìm hãm sự gia tăng lưu thông của các phương tiện cá nhân, theo ông Ninh thì giải pháp thường là “gây khó” hoặc là cấm.
“Để hạn chế, giảm bớt mật độ tập trung lưu lượng xe vào trung tâm thành phố bằng việc thu phí ô tô là không hiệu quả, gây tốn kém. Như tôi đã nói, trung tâm thành phố là nơi tập trung nhiều dịch vụ, nếu thu phí, những hộ kinh doanh và người dân có nhu cầu ra vào khu vực này thường xuyên sẽ phải chịu rất nhiều phí. Từ đó, đời sống người dân trở nên khó khăn hơn vì thu nhập ít, nhưng chi phí lại nhiều”, ông Ninh nhìn nhận.
Cũng theo ông Ninh, tầm nhìn phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, xã hội. Nếu không nắm được tình hình thực tiễn, thì không những không đưa ra chủ trương đúng, mà còn là “ảo tưởng” trong phòng máy lạnh.
“Nếu không nắm thực tiễn, tính khả thi của những chủ trương sẽ rất khó thực hiện, mà hiệu quả lại rất thấp”, ông Ninh nói.

tin liên quan

Có nên thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM?
Sau một thời gian gián đoạn, dự án “Thu phí sử dụng đường bộ ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” lại vừa được UBND TP.HCM cho phép tái khởi động.
Có thể thu phí nhưng không cần xây trạm, lập vành đai
Nói về việc lắp đặt hệ thống trạm thu phí tự động vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Ninh cho biết, thành phố đã có nhiều chủ trương nhằm cắt giảm tình trạng kẹt xe ở khu vực này. Tuy nhiên, việc ùn ứ giao thông vẫn luôn xảy ra, vì vào Tân Sơn Nhất chỉ có mỗi con đường độc đạo. Nếu như lắt đặt trạm thu phí, thì việc ùn ứ tại đây là điều không thể tránh khỏi.
Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng lo ngại rằng: “Xây dựng nhiều trạm thu phí sẽ chiếm một phần diện tích đường giao thông, tạo ra vật cản, làm chậm quá trình lưu thông, gây ra kẹt xe và còn làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Hơn nữa, đường vào trung tâm có rất nhiều, nếu như thế phải lập thêm nhiều trạm thu, gây tốn kém. Từ đó, phát sinh ra việc tránh né những trạm thu, thì những con hẻm sẽ biến thành đường giao thông, gây thêm ách tắc”.
Tuy nhiên, ông Cương lại cho rằng, để hạn chế lưu lượng xe vào trung tâm thành phố chúng ta vẫn có thể áp dụng việc thu phí. Nhưng thay vì xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí, chúng ta vẫn có nhiều hình thức thu phí khác nhau mà vẫn không nhất thiết phải xây dựng trạm thu.
“Chúng ta có thể áp dụng cách thu phí bằng việc đăng ký, dán tem. Đối với những hộ dân sống trong khu vực trung tâm và những người dân đi lại thường xuyên, thì có thể áp dụng chính sách vé tháng, nhằm giảm bớt chi phí”, ông Cương bày tỏ.
Cũng theo ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, cho rằng để hạn chế mật độ dồn vào trung tâm của các phương tiện cá nhân bằng việc lập trạm thu phí là không hiệu quả. Nếu thu phí xe ôtô, thì sẽ phát sinh thêm một lượng lớn xe gắn máy đổ dồn vào trung tâm, vì phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn chưa phát triển. Có thể cắt giảm phương tiện nhưng không thể nào cắt giảm nhu cầu đi lại của người dân được.
Ngoài ra, ông Phạm Sanh còn cho biết, trước mắt, thành phố nên tập trung vào hệ thống giao thông công cộng. Đồng thời, xây dựng, mở rộng các bãi đậu xe trong trung tâm thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.