Xứng đáng với thành phố mang tên Bác

30/04/2005 20:04 GMT+7

Sáng ngày 30/4, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM cùng Bộ Tư lệnh QK 7 đã trọng thể tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2005) và kỷ niệm lần thứ 119 ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2005).

Mới khoảng 5h00 sáng, gần 4 vạn người đại diện cho cho các khối công - nông - binh - trí thức... thành phố đã trang phục chỉnh tề, cờ hoa đỏ rực đứng thành từng khối dọc hai bên đường Lê Duẩn, từ vòng xoay Phạm Ngọc Thạch tới ngã 3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khoảng 1 vạn người khác tham gia lễ duyệt binh, lễ diễu hành nghệ thuật quần chúng chỉnh tề hàng ngũ trên mặt đường Lê Duẩn, kéo dài cả cây số. Hơn 700 phóng viên trong và ngoài nước cũng đã có mặt ở khu vực này từ rất sớm.

Khoảng 6h30, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến dự lễ trong sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân thành phố đứng hai bên đường. Dự lễ mít tinh còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và nhiều địa phương trong cả nước; các lão thành cách mạng; các tướng lĩnh quân đội, công an qua nhiều thời kỳ; các bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động và các nhân sĩ, trí thức, đại diện đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ...

Khác với thói quen hay dậy trễ, từ sáng sớm 30/4 tại các khu vực trung tâm TP.HCM, hàng trăm du khách quốc tế đã đổ ra đường. Cherenkob Aleksander, người Nga, là giám đốc một công ty luyện kim ở Uran Cheliabin nói: “Chúng tôi có 5 người qua đây du lịch lần đầu tiên và sẽ ở lại trong 15 ngày. Chúng tôi nghe nhiều về sự phát triển của Việt Nam, qua đây mới thấy hết được người dân vui tươi, hạnh phúc như thế nào. Một điều tôi cảm nhận được rất rõ ở bất kỳ đâu là câu nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” thể hiện trên khuôn mặt người Việt Nam. Đây là một ngày lễ tuyệt vời”. Tự giới thiệu từng là phóng viên chiến trường nhiều năm ở Việt Nam, Don North, người Mỹ, thuộc Công ty Northstar Productions (Washington, Mỹ) cho biết: “Thật là vui có mặt ở đây vào lúc này khi mà không còn ai chĩa súng vào các bạn nữa và chứng kiến một Việt Nam phát triển mạnh mẽ sau 30 năm. Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn người Mỹ vì cảnh quan đẹp, ẩm thực rất ngon, con người thân thiện. Những du khách Mỹ tôi gặp ở đây đều cho biết là họ rất vui và hài lòng khi đến đây. Đây là điều tuyệt diệu sau 30 năm”. Trung Bình (ghi)

Đến chia vui tại buổi lễ còn có đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cuba; đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước CHDCND Lào; đại biểu Đảng Nhân dân Campuchia... cùng đại diện các cơ quan lãnh sự, các cơ quan kinh tế-văn hóa, một số tổ chức quốc tế tại TP.HCM; đại diện bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài...

Trong diễn văn đọc tại lễ mít tinh, Bí Thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết đã nêu bật tinh thần quật khởi chống ngoại xâm, khát vọng tự do, độc lập của dân tộc nói chung và nhân dân thành phố nói riêng. Ông Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, chấm dứt ách thống trị 117 năm của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…”.

Hết giặc ngoại xâm, cả nước lại chung sức bắt tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn. TP.HCM cùng cả nước nỗ lực phát triển đi lên. 30 năm sau ngày 30/4/1975 và qua 20 năm đổi mới, kinh tế TP.HCM ngày càng phát triển toàn diện, đời sống xã hội được nâng lên, thành phố ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn... Những thành tựu đó được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao, nhiều bạn bè thế giới khâm phục. Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng TP.HCM danh hiệu Anh hùng Lao động; Chủ tịch nước đã phát biểu: “Vinh quang này thuộc về nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân của TP.HCM anh hùng”. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Thành phố phải tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, khắc phục những yếu kém còn đang là trở ngại của tiến trình phát triển. Tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH với tinh thần đi trước và về đích trước, ra sức xây dựng TP.HCM thành một trung tâm Xã hội Chủ nghĩa văn minh, hiện đại, thực sự là đầu tàu của khu vực phía Nam và cả nước. Phấn đấu từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp dịch vụ, khoa học, công nghệ mang tầm vóc Đông Nam Á, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”.

Don North bên may quay trước UBND TP.HCM. Ảnh T. Bình

Thay mặt những người đã tham gia giải phóng thành phố, đại diện Hội cựu chiến binh TP.HCM, trung tướng Đỗ Quang Hưng phát biểu, hứa sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, cùng nhân dân xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh. Phạm Thị Thanh Uyên, người thanh niên sinh vào thời khắc đặc biệt 30/4/1975, thạc sĩ Anh văn, Đảng viên, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10 đã thay mặt tuổi trẻ thành phố bày tỏ niềm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc và hứa quyết tâm không ngừng học tập, rèn luyện, góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ngay sau đó, người dân thành phố đã chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành quần chúng với sự tham gia của khoảng 10.000 người. Đó là cuộc biểu dương lực lượng của những người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975; của những người đã, đang và sẽ tiếp bước xây dựng thành phố, đất nước vươn lên cùng bè bạn. Đặc biệt, cuộc diễu hành nghệ thuật quần chúng với 3 chương “Dấu son lịch sử”, “Thành phố 30 mùa hoa” và “Hướng tới tương lai”, đã tái hiện lại không khí tiến công của 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, của niềm vui nước nhà thống nhất với hình ảnh con tàu Thống Nhất đi suốt chiều dài đất nước; của những nụ cười gặt hái trên các công trường, nông trường, trên các giảng đường...

Đúng 9h15, lễ diễu hành quần chúng kết thúc với hình ảnh những chùm bóng gắn chim câu bay lên bầu trời thành phố, mang theo thông điệp, khát vọng hòa bình gửi đến toàn nhân loại. Đó cũng là thời điểm kết thúc Lễ mít tinh hào hùng, thắm tình nhân ái và hòa bình, hướng tới tương lai tươi sáng...

Màn đồng diễn thể dục

Sáng ngày 30/4, tại sân vận động tỉnh An Giang, hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, nhân sĩ trí thức, tôn giáo và nhân dân trong tỉnh đã tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ truởng bộ Công an đã đến dự. Buổi mit tinh cũng vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

Ông Nguyễn Hoàng Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn khai mạc, nêu bật lịch sử vẻ vang của Đảng và nhân dân Việt Nam nói chung và Đảng bộ, nhân dân An Giang nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời khái quát chặng đường phát triển vượt bật của tỉnh qua 30 năm giải phóng, đặc biệt là trên mặt trận sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Tiếp theo là phần duyệt binh và diễu hành của 5.000 đại biểu đại diện cho các ngành, các giới và màn trình diễn các tiết mục múa trong trang phục truyền thống đầy ấn tượng của những chàng trai cô gái dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer cùng chung sống yên ấm trên vùng đất trù phú An Giang.

Tấn Đức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.