Thừa Thiên - Huế hứng chịu đợt lũ lớn nhất trong 10 năm

16/11/2023 19:51 GMT+7

Theo chuyên gia khí tượng, trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đợt lũ lớn nhất trong 10 năm, lớn thứ 5 trong 30 năm gần đây.

Ngày 16.11, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết nguyên nhân đợt mưa lớn ở miền Trung là do không khí lạnh kết hợp với đới gió đông nhiễu động trên cao.

Thừa Thiên - Huế đón lũ lớn nhất trong 10 năm - Ảnh 1.

TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) chìm trong "biển nước" trong đợt mưa từ 13 - 16.11

LÊ HOÀI NHÂN

Xem nhanh 20h: Cập nhật tình hình mưa lũ miền Trung

Đây là hình thái thời tiết điển hình gây ra mưa lũ ở miền Trung. Khu vực xảy ra mưa lớn là từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây nguyên. Trọng điểm mưa rơi vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với lượng mưa từ 300 - 600 mm, có nơi trên 1.000 mm, tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế.

Theo ông Đại, mưa lớn khiến tình hình lũ quét và sạt lở đất hết sức phức tạp, khó lường; mực nước lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận chủ yếu ở mức báo động 2, có nơi trên báo động 3 như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi.

"Trong đợt mưa lũ này, Thừa Thiên - Huế là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mực nước ở sông Kim Long và sông Phú Ốc ở trên mức báo động 3 khoảng 80 cm. Đây cũng là mực nước lũ lớn nhất trong 10 năm, lớn thứ 5 trong vòng 30 năm gần đây khiến các hồ liên tục phải điều tiết lũ", ông Đại nói, và cho hay, sạt lở đất tập trung ở các huyện trung du, miền núi các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Ông Đại thông tin, trong 2 ngày tới, từ phía nam tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình sẽ xảy ra đợt mưa 20 - 50 mm, có nơi trên 50 mm; từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi mưa 70 - 150 mm; từ Quảng Trị đến Ninh Thuận mưa 40 - 70 mm, có nơi trên 100 mm.

"Trong hôm nay và ngày mai, lũ trên các sông từ Huế đến Quảng Ngãi xuống chậm, riêng các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận lên trở lại, ở mức trên báo động 2", ông Đại thông tin, và cho rằng, nước lũ đang chảy xiết, độ ẩm trong đất tại các tỉnh miền Trung đã đạt độ bão hòa nên dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; người dân hết sức cẩn thận khi di chuyển và cần kiểm tra lại khu vực nơi ở xem có những dấu hiệu nguy hiểm để chủ động phòng, chống.

Trước đó, theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 16 giờ chiều nay, đợt mưa lũ ở miền Trung đã khiến 5 người chết và mất tích (Quảng Trị 1 người chết, 2 người mất tích; Huế 1 người chết, 1 người mất tích).

Về tài sản, hiện nay vẫn còn 12.906 ngôi nhà ngập từ 0,2 - 0,6 m (Quảng Trị 2.413 nhà, Thừa Thiên - Huế 10.472 nhà, Phú Yên 21 nhà). Thời điểm ngập nhiều nhất lên đến 20.761 ngôi nhà, nơi sâu nhất khoảng 1 m (Quảng Trị 3.064 nhà, Huế 17.453 nhà, Đà Nẵng 83 nhà, Quảng Ngãi 140 nhà).

Về nông nghiệp, 172 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118 ha, Đà Nẵng 4 ha, Khánh Hòa 50 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị) bị hư hỏng; 1.100 con gia súc, gia cầm, 2 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.