Ngân hàng Việt khẳng định giá trị
Hình ảnh các ngân hàng Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong con mắt của các nhà quan sát quốc tế. Mới đây, ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank đều có sự cải thiện thứ bậc trong Bảng xếp hạng 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu, theo tổ chức xếp hạng uy tín Brand Finance. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất trong Bảng xếp hạng năm nay là sự góp mặt lần đầu tiên của một ngân hàng tư nhân, đó là VPBank.
Trong số 500 “anh tài” ngân hàng toàn cầu, VPBank xếp vị trí số 361, với mức định giá thương hiệu là 354 triệu USD. Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Còn chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58,76 điểm, trong thang điểm từ 0 - 100.
Với mức tăng trưởng 6,3 lần về giá trị thương hiệu trong 3 năm qua, sự góp mặt của VPBank đã ghi dấu ấn mới về mặt quy mô tài sản lẫn hình ảnh ngân hàng Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên VPBank được đánh giá cao về giá trị thương hiệu. Trước đó, giữa năm ngoái, tạp chí uy tín Forbes Việt Nam công bố VPBank đứng vị trí thứ 13 trong số 40 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam, cũng nằm trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng tư nhân. Theo ban tổ chức, thương hiệu có giá trị cao là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Nhiều năm trở lại đây, hình ảnh và logo VPBank xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở nơi công cộng, trên các phương tiện thông tin đại chúng hay các sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế. Đây là hệ quả của quá trình phát triển và đổi mới chỉ vỏn vẹn trong vòng 7 năm qua.
|
Dù khởi động đổi mới muộn hơn nhiều ngân hàng khác, nhưng VPBank lại giành được khá nhiều thành tựu ấn tượng. Chẳng hạn như 25 giải thưởng quốc tế về các lĩnh vực Ngân hàng Cá nhân, Ngân hàng cho SME, Ngân hàng Điện tử, Thẻ tín dụng, hay Dịch vụ khách hàng.
Nếu như ở thời điểm năm 2012, thương hiệu VPBank còn xa lạ, chưa có tiếng nói trên thị trường với lợi nhuận làm ra chỉ vỏn vẹn 894 tỉ đồng, thì đến năm 2018, con số lợi nhuận đã là xấp xỉ 9.200 tỉ đồng. Ngày nay, VPBank là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất hệ thống, với ROA (Lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (Lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu) lần lượt đạt mức 2,4% và 22,8%.
Doanh thu, lợi nhuận hay mức sinh lời trên tài sản cao đã góp phần tạo ra một giá trị thương hiệu lớn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong phương trình định giá của Brand Finance hay Forbes. Tuy nhiên, cũng sẽ thiếu sót nếu không kể đến quá trình xây dựng thương hiệu theo cách riêng của ngân hàng này.
Nói về “bí quyết” riêng để đưa VPBank lọt vào “top” 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu toàn cầu, ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị và Truyền thông của VPBank, tóm tắt: “Nghĩ khác - Làm khác - Liên tục. Áp lực cải tiến để vươn tới vị trí dẫn đầu luôn thể hiện trong mọi công việc tại VPBank”.
Nhiều năm gần đây, VPBank tiên phong xây dựng thương hiệu thông qua các sự kiện âm nhạc và văn hóa, tới mức mấy năm gần đây, nói đến sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam là người ta nói đến VPBank.
Bên cạnh nhiều câu lạc bộ theo sở thích được lập ra, số lượng các sự kiện nội bộ tại VPBank tăng vọt, phần lớn được thiết kế theo kiểu trẻ trung (độ tuổi trung bình 28 tuổi). Việc tham gia không phải cho có mà là những cuộc đua tài thực sự. “Ở mỗi sự kiện nội bộ, chúng tôi đều cố gắng đưa ra 1 ý tưởng mới lạ, thậm chí hơi điên rồ và yêu cầu người chơi phải nỗ lực về thể lực và tư duy”, ông Việt cho hay.
Xây thương hiệu, đón doanh thu
Chú ý xây dựng thương hiệu ngay từ đầu bên cạnh việc tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngành ngân hàng không chỉ đã mang lại trái ngọt về những con số tài chính cho VPBank trong những năm gần đây, mà còn mang lại nhiều hiệu quả trong việc thu hút nhân sự ngân hàng, vốn là lĩnh vực đặc thù có tính biến động cao.
Với VPBank, sự góp mặt lần đầu trong Top 500 ngân hàng có giá trị nhất trên toàn cầu có thể nói là kết quả xứng đáng sau quá trình đầu tư vào hệ thống và con người, xây dựng quy trình kinh doanh và tổ chức những sự kiện văn hóa.
Bình luận (0)