Thủy điện gây sạt lở bờ sông, dân mất đất sản xuất

22/01/2024 07:41 GMT+7

Nhiều năm qua, người dân tại xã Đăk Ang (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) liên tục phản ánh việc Nhà máy thủy điện Đăk Piu 2 gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất canh tác, sản xuất.

Ông A Núk (trú thôn Long Dôn, xã Đăk Ang) cho biết ông có mảnh đất trồng mì bên cạnh thủy điện Đăk Piu 2. Năm 2022, nước từ cửa xả thừa của thủy điện bất ngờ đổ xuống, kéo theo đất đá ra suối Đăk Piu. Một lượng lớn đất đá nằm chặn trên dòng suối gây ùn ứ, thay đổi dòng chảy, bờ suối cũng vì vậy mà sạt lở.

Gia đình ông A Núk có khoảng 120 m2 đất trồng mì bị dòng nước cuốn trôi. Sau đó vài tháng, bờ sông tiếp tục sạt lở với diện tích lớn hơn lần trước. Dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và công ty thủy điện nhưng ông A Núk chỉ được hỗ trợ 3 triệu đồng. "Công ty đổ tại thiên tai, thế nhưng tại sao đoạn bên trên và đoạn bên dưới cửa xả thừa của thủy điện không sạt lở mà chỉ sạt lở ở đoạn này. Chúng tôi sợ đất tiếp tục lở thêm thì vài năm nữa không còn đất canh tác, sản xuất", ông nói.

Thủy điện gây sạt lở bờ sông, dân mất đất sản xuất- Ảnh 1.

Người dân lo lắng tình trạng sạt lở tiếp diễn sẽ không còn đất sản xuất.

ĐỨC NHẬT

Tương tự, mảnh vườn của ông A Dũ (thôn Long Dôn) cũng đang bị sạt lở do hoạt động của thủy điện. Hơn 1.500 m2 đất trồng mì, bời lời của gia đình ông đã sạt lở xuống bờ sông và hoàn toàn không có khả năng khôi phục, cải tạo. Cách đó không xa, vườn cao su 5 năm tuổi của ông A Ti Nô cũng đang bị đe dọa. Cửa xả của thủy điện khiến vườn cao su của gia đình ông bị sạt lở với diện tích khoảng 300 m2 cùng với đó là 14 cây cao su bị cuốn trôi. Không chỉ vậy, tuyến đường vận chuyển nông sản cũng bị sạt lở khiến người dân không thể qua lại.

"Thủy điện hoạt động vừa làm sạt lở đất sản xuất vừa làm sạt lở tuyến đường đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Không có đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, canh tác. Chúng tôi đề nghị công ty bồi thường và có biện pháp khắc phục. Nếu tình trạng này diễn ra thêm vài năm thì vườn tược của người dân sẽ không còn", ông A Ti Nô nói.

Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Đăk Ang, trên địa bàn có 7 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động của thủy điện Đăk Piu 2. Dù tình trạng này đã xảy ra từ năm 2022, người dân và chính quyền địa phương liên tục ý kiến và có văn bản yêu cầu đền bù thiệt hại nhưng nhà máy thủy điện này vẫn không thực hiện như đã cam kết.

Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi, cho biết công trình thủy điện Đăk Piu 2 do Công ty CP đầu tư thủy điện Đăk Piu 2 làm chủ đầu tư. Trước tình trạng sạt lở đất canh tác, UBND huyện đã ban hành các văn bản đề nghị bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện giải quyết dứt điểm. "Huyện đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp làm việc và yêu cầu Công ty CP đầu tư thủy điện Đăk Piu 2 sớm thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại cho nhân dân, tránh trường hợp xảy ra khiếu kiện, khiếu nại kéo dài", ông Tường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.