Tiếp viên bán hàng xách tay, có vi phạm pháp luật?

22/03/2023 12:35 GMT+7

Sau vụ 4 nữ tiếp viên xách hơn 11 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam, nhiều bạn đọc thắc mắc việc buôn bán hàng xách tay qua cửa khẩu hàng không có hợp pháp hay không. Các tiếp viên thường gom đồ từ nước ngoài về bán công khai, như vậy có vi phạm quy định pháp luật?

Tiếp viên bán hàng xách tay, có vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy, thuốc lắc từ Pháp về là lời cảnh báo đối với "nạn" buôn bán hàng nhập lậu qua đường hàng không

HQTP.HCM

Hàng xách tay là hợp pháp nếu...

"Hàng xách tay" được hiểu là các loại mặt hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua đường xách tay như: người thân ở nước ngoài, đi du lịch nước ngoài xách tay như một loại hành lý và mang về, nhân viên hàng không mua hàng ở nước sở tại mang về, vài cá nhân hoặc công ty đứng ra làm dịch vụ mua hàng và chuyển về Việt Nam...

Bán "hàng xách tay" là hình thức kinh doanh hợp pháp khi hàng hóa kinh doanh có đầy đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Trong trường hợp không đủ điều kiện, hình thức kinh doanh này sẽ vi phạm pháp luật và có thể được coi là hàng nhập lậu.

Từ vụ "4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines": Bán hàng xách tay có vi phạm pháp luật?

Theo khoản 6 điều 3 Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện:

Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lý của người xuất, nhập cảnh; đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật.

Như vậy, hàng hóa xách tay qua cảng hàng không cần phải thuộc những trường hợp trên thì mới được coi là hợp pháp. Còn lại, các hàng xách tay không đúng theo quy định trên là hàng hóa nhập lậu, hàng vi phạm.

Quy định thuế với hàng xách tay thế nào?

Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài khi về đến Việt Nam sẽ phải đóng thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng; lệ phí hải quan. Một số hàng hóa có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường...

Theo Nghị định 134/2016 quy định về miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh: Các loại rượu từ 20 độ trở lên, nếu mang 1,5 lít sẽ không phải đóng thuế; rượu dưới 20 độ được mang 2 lít; các loại đồ uống có cồn khác và bia thì định mức 3 lít.

Với thuốc lá, hành khách được phép xách tay từ nước ngoài về 200 điếu hoặc 250 gram thuốc lá sợi; xì gà 20 điếu. Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại chỉ được mang phù hợp với mục đích chuyến đi. Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm trên khoản này (không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng.

Tiếp viên bán hàng xách tay, có vi phạm pháp luật? - Ảnh 2.

Đối tượng mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế mà không khai hải quan sẽ bị coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp

HQTP.HCM

Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Đối tượng mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

XEM NHANH 20H ngày 22.3: Trả tự do 4 nữ tiếp viên hàng không | Dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang kháng cáo

Không phải muốn mang bao nhiêu tiền vào Việt Nam cũng được

Bên cạnh hàng hóa, Việt Nam cũng như các nước khác đều có quy định về giới hạn lượng tiền mặt được mang theo mỗi lần nhập cảnh, xuất cảnh.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu, nếu mang theo tiền mặt ngoại tệ trên 5.000 USD (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) hoặc trên 15 triệu đồng sẽ hải khai báo hải quan cửa khẩu. Nếu không khai báo hải quan, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên tới 50 triệu đồng.

Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD mà có nhu cầu gửi tiền vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối, cũng phải khai báo hải quan cửa khẩu.

Mức 5.000 USD hay 15 triệu đồng là chỉ tính tiền mặt, không bao gồm những loại giấy tờ có giá trị tương đương khác như: séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, do tính chất công việc bay hằng ngày nên mỗi hãng hàng không sẽ quy định số tiền tối đa tổ bay được mang theo khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Hiện nay, một số đoàn bay quy định mỗi tiếp viên và phi công được mang theo 500 USD tiền mặt, còn thẻ tín dụng không có quy định cụ thể. Quy định nhằm chống tình trạng "rửa tiền" ra nước ngoài.

Vụ 4 tiếp viên hàng không ‘xách tay’ ma túy: Nếu khai không biết có thoát được tội?

Theo Nghị định 98/2020 của Chính phủ, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 50 triệu đồng, tùy thuộc giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.