Tiết lộ chấn động về giới nghị sĩ Anh

11/07/2023 07:31 GMT+7

Nhiều nghị sĩ Anh bí mật nắm giữ cổ phần trong các tập đoàn lớn nhưng không khai báo minh bạch, nguy cơ gây xung đột lợi ích.

Tờ The Guardian cuối tuần qua đăng loạt bài sau 6 tháng điều tra cho thấy hơn 50 nghị sĩ Anh nắm cổ phần trong các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng không khai báo. Tiết lộ đặt những dấu hỏi về hiệu quả của các quy tắc minh bạch tại quốc hội và về nguy cơ xung đột lợi ích trong quá trình lập pháp.

Tiết lộ chấn động về giới nghị sĩ Anh - Ảnh 1.

Tòa nhà quốc hội Anh tại London

Reuters

Nhiều cái tên lớn

Theo phát hiện của The Guardian, những cái tên đáng chú ý gồm có cựu Thủ tướng Theresa May, cựu Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson, Chủ tịch Ủy ban Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Hạ viện Robert Goodwill. Các nghị sĩ nắm giữ cổ phần tại các tập đoàn lớn về ngân hàng, năng lượng, bán lẻ, truyền thông, quốc phòng. Trong số các công ty liên quan có hàng chục công ty nằm trong nhóm 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London.

Có 6 nghị sĩ hoặc người thân của họ nắm giữ cổ phần trong Tập đoàn năng lượng BP với tổng giá trị là 120.000 bảng Anh, trong đó gồm thành viên đảng Bảo thủ David Duguid, có vợ sở hữu số cổ phần trị giá 50.000 bảng Anh. Một phát ngôn viên của ông Duguid nói rằng vị nghị sĩ tuân thủ mọi quy định hiện hành về khai báo lợi ích tài chính liên quan. Bảy nghị sĩ hoặc gia đình có cổ phần trong Ngân hàng Barclays và 4 người là cổ đông của HSBC.

Bà Theresa May được cho là sở hữu cổ phần của BP thời còn làm Bộ trưởng Nội vụ (2010 - 2016) trong khi chồng bà trong cùng giai đoạn là cổ đông của BP, Barclays, Hãng truyền thông BT và Công ty năng lượng Centrica. Bốn tháng sau khi trở thành thủ tướng, số cổ phần của bà được chuyển vào một "quỹ ủy thác mù", nghĩa là người gửi cổ phần vào đó hoàn toàn không có quyền kiểm soát hay biết về tình trạng của tài sản được ủy thác. Đây được cho là cách làm của nhiều nghị sĩ nhằm tách bạch khỏi các lợi ích tài chính. Một phát ngôn viên của cựu thủ tướng nói bà May hoàn toàn bác bỏ những gợi ý cho rằng bà vi phạm quy tắc quốc hội.

Nguy cơ xung đột lợi ích

Theo quy định hiện hành, nghị sĩ chỉ phải khai báo nếu sở hữu hơn 15% cổ phần hoặc lượng cổ phần trị giá trên 70.000 bảng Anh tại một công ty. Với quy định nói trên, nghị sĩ có thể sở hữu số cổ phần trị giá 69.999 bảng Anh tại nhiều công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực mà không nhất thiết phải khai báo.

Mặc dù số cổ phần nói trên của giới nghị sĩ đều dưới ngưỡng, họ vẫn có thể cần khai báo. Bởi quy định của Hạ viện Anh cũng yêu cầu nghị sĩ buộc phải công bố số cổ phần nắm giữ nếu lợi ích của họ và người thân trong công ty được cho là có thể ảnh hưởng đến hành động, phát ngôn và việc bỏ phiếu của họ tại quốc hội.

Điều này buộc các nghị sĩ phải tự đánh giá nên hay không nên khai báo về những khoản lợi ích tài chính để tránh nguy cơ xảy ra xung đột. Cuộc điều tra của The Guardian phát hiện một số bộ trưởng từng gặp các nhà vận động hành lang cho các công ty mà họ hoặc người thân là cổ đông. Các nghị sĩ cũng từng bỏ phiếu phản đối các sửa đổi luật tăng thuế lên các công ty dầu khí mà họ bí mật nắm cổ phần.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.