Tính đủ giá trị của cát, đừng lãng phí

Đình Tuyển
Đình Tuyển
30/09/2023 06:34 GMT+7

Ngân hàng cát cho ĐBSCL sẽ có đóng góp quan trọng ở tầm chiến lược, hỗ trợ cho công tác quản lý khai thác cát cũng như hoạch định chiến lược phát triển chung cho cả khu vực.

PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đánh giá đây là lần đầu tiên có một khảo sát về cát trên quy mô lớn với phương pháp và phương tiện hiện đại, độ tin cậy cao. 

"Nghiên cứu này thực sự cần thiết khi trong bối cảnh hiện nay, cả xã hội đang nóng lên vì cát", TS Hùng nói và phân tích thêm: "Trước hết, cát rất quan trọng cho phát triển xã hội nhưng việc khai thác quá mức cũng gây ra nhiều hệ lụy đòi hỏi phải xem xét, đánh giá lại trên nhiều bình diện. Tuy nhiên, để biết cần phải làm gì thì đầu tiên phải cần biết có bao nhiêu cát, cát hiện được phân bổ như thế nào về không gian, thời gian. Đó là những câu hỏi lớn mà trước giờ còn rất mập mờ chưa được làm rõ. Cho đến hôm nay thì Nghiên cứu Ngân hàng cát đã cơ bản có được câu trả lời".

Cũng theo chuyên gia này, nghiên cứu nói trên sẽ có đóng góp quan trọng ở tầm chiến lược, hỗ trợ rất lớn công tác quản lý khai thác cát cũng như hoạch định chiến lược phát triển chung cho ĐBSCL. 

"Nhìn chung, khai thác cát không thể dừng lại nhưng dựa trên những kết quả trên, chúng ta cần xác định khai thác thế nào, phải có những kịch bản khai thác thế nào là phù hợp, hạn chế tối đa tác động môi trường khi nguồn cát ngày càng ít, nguy cơ thiếu ngày càng nhiều. Để bù đắp lượng thiếu đó, cần có nhiều giải pháp, trước mắt, lâu dài. Mặc dù không thể giải quyết ngay nhưng trước tiên cần điều chỉnh kế hoạch, đánh giá lại những nơi có thể khai thác để phục vụ phát triển, tiếp đến là nghiên cứu các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, thiết kế ít dùng cát hơn", ông Hùng nói.

Cùng quan điểm, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, nhận định mặc dù chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng Nghiên cứu Ngân hàng cát ĐBSCL đã cho thấy được bức tranh chung về tài nguyên cát ở khu vực này. 

"Từ những kết quả trên, chúng ta thấy rõ lượng cát mà ĐBSCL được bồi đang rất thấp so với nhu cầu và thực tế khai thác, phải nghĩ đến chuyện cần ưu tiên khai thác cát cho các công trình trọng điểm. Cát đã ít rồi mà cứ duy trì mãi cách thức xây dựng truyền thống là đắp nền thì quá lãng phí. Thế nên cần cân nhắc đến các giải pháp kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông cần xem xét giải pháp xây trên cầu cạn kết hợp với mặt đất để giảm tối đa lượng cát sử dụng", ông Tuấn nói và cho rằng việc áp dụng giải pháp kỹ thuật mới có thể khiến chi phí trước mắt cao hơn so với phương pháp truyền thống nhưng về lâu dài việc giảm bớt được nguồn cát san lấp có ý nghĩa rất sống còn với ĐBSCL, đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định của đồng bằng trước biến đổi khí hậu, sụt lún, nước biển dâng...

Ông Marc Goichot, Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá cát có nhiều giá trị đối với nền kinh tế khi được khai thác từ sông, nhưng nó còn có những giá trị lớn hơn là bảo vệ ĐBSCL khỏi tác động của biến đổi khí hậu với chi phí hiệu quả nhất. Hiện tại, giá trị của cát chỉ được tính từ giá khai thác và vận chuyển thay vì cần xem xét các chi phí liên quan đến việc lấy một khối lượng lớn cát ra khỏi lòng sông, đặc biệt là sự mất đi khả năng phục hồi của ĐBSCL.

"Có thể hiểu sự phát triển cấp bách hiện nay đòi hỏi khối lượng cát lớn, nhưng điều này cần phải cân bằng với thực tế. Nếu không tìm ra giải pháp và hành động ngay lập tức, rất có thể nhiều diện tích lớn ở ĐBSCL sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này", ông Marc Goichot nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.