1.800 công nhân kêu cứu

25/02/2012 03:35 GMT+7

1.800 công nhân (CN) đang làm việc thì bị cắt hợp đồng lao động. Họ đã gửi đơn đến Báo Thanh Niên cầu cứu.

1.800 công nhân (CN) đang làm việc thì bị cắt hợp đồng lao động. Họ đã gửi đơn đến Báo Thanh Niên cầu cứu.

Vì sao khởi kiện?

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) ký kết giữa Công ty TNHH giày An Thịnh (KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với các CN hết hạn vào ngày 31.5.2011. Sau khi HĐLĐ hết hạn, các CN vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 4.6.2011, công ty bất ngờ ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với toàn thể 1.800 CN. Điều đáng nói là trong số 1.800 CN này, có nhiều CN đã làm việc trên 10 năm, hàng trăm CN đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Quá bức xúc, các CN đã làm đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương. Ngày 28.6.2011, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, sau khi kiểm tra đã ra kết luận việc chấm dứt HĐLĐ với người lao động là sai quy định tại khoản 2 điều 27 bộ luật Lao động, đồng thời yêu cầu công ty nhận CN trở lại làm việc. Trước đó, vào ngày 22.6.2011, Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) có công văn khẳng định: “Trường hợp trên, HĐLĐ hết hạn vào ngày 31.5.2011 nhưng những ngày sau đó, công ty vẫn tiếp tục sử dụng người lao động thì trong thời hạn 30 ngày, hai bên phải ký kết hợp đồng mới… Trường hợp công ty chấm dứt HĐLĐ với hàng loạt người lao động (sau 4 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết thời hạn) là không đúng với quy định”. Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, An Thịnh vẫn không tiếp nhận CN trở lại làm việc. Vì vậy, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn CN làm đơn kiện ra tòa.

Mỗi thẩm phán xử một kiểu

Ngày 1.9.2011, thẩm phán Lê Thị Mỹ Hạnh (TAND thị xã Dĩ An) làm chủ tọa, đã tiến hành xét xử đợt đầu với 10 CN và tuyên quyết định chấm dứt HĐLĐ trên là trái luật. Đồng thời buộc công ty phải nhận người lao động trở lại làm việc. Tiếp theo, ngày 14.11.2011, TAND thị xã Dĩ An tiếp tục xét xử đợt 2 với 10 CN khác, lần này thẩm phán Trần Văn Luông làm chủ tọa đã bác đơn 5 CN vì cho rằng những CN này không chứng minh được là mình vẫn tiếp tục đi làm những ngày sau khi HĐLĐ hết hạn. Sau đó, hàng chục vụ kiện của các CN khác cũng lần lượt được đưa ra xét xử, nhưng vụ nào thẩm phán Hạnh làm chủ tọa thì CN thắng kiện, còn vụ nào thẩm phán Luông làm chủ tọa thì CN lại bị bác đơn, mặc dù tính chất và nội dung các vụ cơ bản giống nhau.

Ông Trần Quang Tâm - luật sư trợ giúp pháp lý Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương (cũng là luật sư do Công đoàn cử ra bảo vệ quyền lợi cho CN) - cho rằng theo quy định của luật Dân sự thì trong trường hợp này, việc chứng minh CN không đi làm là nghĩa vụ của công ty vì bảng lương, bảng chấm công… đều do công ty nắm giữ. Nếu nói CN không đi làm thì công ty phải có nghĩa vụ chứng minh. Ở đây, tòa lại đẩy nghĩa vụ chứng minh về phía CN để tạo lợi thế cho công ty là điều vô cùng phi lý.

Luật sư Tâm cho biết, hiện đã có gần 500 CN ủy quyền ông khởi kiện Công ty An Thịnh ra tòa.

 Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.