Những oan sai trong diện “nhà vắng chủ” giải quyết thế nào?

02/06/2005 22:50 GMT+7

Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp năm 1976, một số nhà đất của người dân ở các tỉnh, thành phía Nam bị ghép vào diện "nhà vắng chủ" và sau đó chính quyền địa phương đã ký các quyết định quản lý, sử dụng. Trên thực tế, một số nhà đất nói trên có chủ hẳn hoi và họ không thuộc đối tượng cải tạo (tư sản mại bản, sĩ quan cao cấp... của chế độ cũ). Vậy số nhà đất này sẽ được giải quyết như thế nào căn cứ theo Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành?

Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH 11 quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Ở đây chúng tôi muốn đề cập lại một số trường hợp đã nêu trên Thanh Niên từ nhiều năm qua mà do Quyết định số 297/QĐ-CT, ngày 21/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng đã buộc phải dừng lại, không giải quyết. Tất cả số nhà đất này đều ở tại TP Huế.

Trước hết là ngôi nhà di sản số 86 Mai Thúc Loan. Đây là một trường hợp khá đặc biệt không chỉ vì lịch sử của ngôi nhà mà còn do những tắc trách trong cách giải quyết của chính quyền địa phương, kéo dài suốt 4 năm. Đây là một ngôi nhà rường cổ được xây dựng từ gần 100 năm trước, nguyên của một danh thần triều Nguyễn - Thượng thư Trần Đình Bách. Người thừa kế hợp pháp là cháu của vị thượng thư, ông Trần Đình Sơn, một nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng, hiện ở tại 128 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM. Trước năm 1975, gia đình ông Trần Đình Sơn chuyển vào Sài Gòn sinh sống, giao ngôi nhà lại cho người bà con coi sóc, gìn giữ. Sau năm 1975, chính quyền địa phương (tỉnh Bình Trị Thiên cũ) đến "vận động" người nhà của ông Sơn về quê rồi ký quyết định quản lý ngôi nhà, giao cho UBND phường Thuận Lộc sử dụng. UBND phường Thuận Lộc sau đó dùng ngôi nhà làm HTX mua bán, trụ sở UBMTTQ phường, rồi tiếp tục cho tư nhân thuê làm cửa hàng ăn uống, mua bán xe máy. Hiện nay, ngôi nhà đã đóng cửa và đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Việc quản lý, sử dụng ngôi nhà này là cả một chuỗi bùng nhùng, tắc trách mà một bài viết trên Thanh Niên đã nhận định là "Phép vua thua lệ phường!". Số là, vào năm 2001, do còn vướng mắc Quyết định 297, không thể trả lại nhà cho gia đình ông Trần Đình Sơn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định chuyển giao ngôi nhà cho Sở VH-TT quản lý làm điểm di tích lịch sử văn hóa. Theo quyết định này, thời hạn chót để UBND phường Thuận Lộc bàn giao là ngày 30/4/2001. Nhưng từ 30/4/2001 đến 30/4/2002 rồi 30/4/2003, UBND phường Thuận Lộc vẫn một mực không chịu bàn giao. Qua năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tổ chức họp đại diện các ngành chức năng một lần nữa, lại phát các văn bản yêu cầu UBND phường Thuận Lộc thực hiện quyết định của tỉnh. Trong dịp này, ông Trần Đình Sơn đã có thư tình nguyện giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế một bộ gia sản văn hóa quý giá để có thể xây dựng ngôi nhà thành một bảo tàng nhỏ trưng bày những hiện vật triều Nguyễn. Nhưng rồi cho đến 30/4/2005, quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chỉ có giá trị trên giấy, ngôi nhà vẫn chưa được bàn giao và đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nay với Nghị quyết 755, số phận ngôi nhà di sản này sẽ như thế nào?

Một trường hợp nữa là ngôi nhà số 13 Nguyễn Trường Tộ của ông Trần Văn Thuấn, hiện đang tạm trú tại số 262/20C Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Ông Thuấn là một trí thức, sang Pháp tu nghiệp về phương pháp giảng dạy tiếng Pháp từ tháng 3/1973, đến ngày 28/4/1975 trở về nước công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Sài Gòn. Thời gian ở Pháp, ông Thuấn giao nhà cho một người bạn trông coi. Trong ngày giải phóng thành phố Huế, tháng 3/1975, bạn ông Thuấn di dời vào Sài Gòn, ngôi nhà bỏ trống và một đơn vị bộ đội đến tạm trú. Tháng 12/1975, ông Thuấn trở về Huế làm giấy ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương (lúc bấy giờ thuộc địa bàn phường Vĩnh Ninh, nay thuộc phường Phước Vĩnh, TP Huế) đồng ý cho bộ đội tạm trú ở nhà chính, còn nhà phụ và vườn tược giao cho gia đình người cậu trông coi. Đến năm 1976, khi trở về Huế thì ngôi nhà chính của ông Thuấn đã được chuyển giao cho 2 gia đình sĩ quan của QK 4 và QK 5. Ngày 20/8/1999, trả lời các đơn thư khiếu nại liên tục của ông Thuấn, công văn (số 112/CV-TT-HĐND3) của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế có nội dung như sau: "Theo quy định của pháp luật hiện hành đối với nhà thuộc diện Nhà nước quản lý theo Quyết định số 111/CP ngày 14/7/1977 của Hội đồng Chính phủ, việc xử lý căn cứ theo Quyết định 297/QĐ-CT ngày 21/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, chính quyền các cấp chưa được xem xét giải quyết, phải chờ các quy định mới của Quốc hội và Chính phủ". Mặc dù nội dung trả lời của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế là không đúng thực tế (từ trước đến nay ngôi nhà của ông Thuấn chưa hề có quyết định quản lý nào của chính quyền địa phương), nhưng nay đã có quy định mới của Quốc hội (Nghị quyết 755) thì việc giải quyết oan sai này như thế nào?

Riêng trường hợp căn nhà số 44 đường Trần Phú của ông Lê Xuân Viễn thì không khác nào việc chiếm đoạt nhà của người dân của chính quyền sở tại. Ông Viễn nguyên là công nhân quốc phòng của một đơn vị quân đội đã tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975. Chỉ bằng một tờ giấy đánh máy không số mang nội dung xúc phạm danh dự và quy chụp chính trị công dân (gọi ông Viễn là "tên Viễn"), Ủy ban Nhân dân cách mạng huyện Hương Thủy lúc bấy giờ đã đuổi gia đình người cháu của ông Viễn ra khỏi nhà rồi giao căn nhà cho một cán bộ của huyện từ năm 1976, không có bất kỳ một lý do nào được nêu trong cái gọi là văn bản nói trên. Ông Viễn năm nay gần 80 tuổi, đã lê gót đi gõ cửa kêu oan từ gần 30 năm nay.

Như đã nêu ở trên, ba trường hợp trên đã được đề cập trên Thanh Niên từ nhiều năm qua, nay nhân có Nghị quyết 755, chúng tôi nêu trở lại như một kiến nghị với chính quyền địa phương và Chính phủ để có hướng giải quyết, trả lại sự công bằng cho người dân.

Ngọc Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.