Tôi có ý kiến: Không thể để tù mù như vậy được!

11/12/2015 05:07 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc đã có ý kiến bức xúc về việc người tiêu dùng tù mù trước nguồn gốc của các loại rau, củ, thực phẩm bày bán ở các chợ cũng như siêu thị, sau khi đọc bài Muôn trùng nguồn gốc rau, củ, thực phẩm ... đăng trên Thanh Niên ngày 10.12.

Rất nhiều bạn đọc đã có ý kiến bức xúc về việc người tiêu dùng tù mù trước nguồn gốc của các loại rau, củ, thực phẩm bày bán ở các chợ cũng như siêu thị, sau khi đọc bài Muôn trùng nguồn gốc rau, củ, thực phẩm... đăng trên Thanh Niên ngày 10.12.

KIểm soát an toàn thực phẩm ở đâu ?
Nguồn gốc rau, củ, thực phẩm cần phải được ghi rõ ràng trên bao bì, kể cả hạn dùng, nhất là tại các siêu thị. Đó là một yêu cầu bắt buộc mà lâu nay lại bị bỏ qua. Tại sao cơ quan quản lý, cơ quan an toàn thực phẩm, hội bảo vệ người tiêu dùng... ở đâu cũng có, mà lại để tình trạng người dân hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc thực phẩm mình sử dụng hằng ngày? Lỗ hổng này phải được “lấp kín” ngay, nếu không sẽ còn biết bao người chết vì vấn nạn “không rõ nguồn gốc” này.
Ngọc Du
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Kiểm tra tồn dư hóa chất
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm, theo tôi không khó, nếu như cơ quan an toàn thực phẩm làm hết chức trách của mình. Chỉ cần đến các siêu thị, các chợ lấy mẫu và kiểm tra tồn dư hóa chất. Nếu siêu thị nào, chợ nào mà có các gian hàng bán rau, củ, thực phẩm có lượng tồn dư hóa chất vượt mức cho phép thì truy phạt thật nặng chủ siêu thị, ban quản lý chợ và đóng cửa luôn. Làm quyết liệt vậy thì ai còn dám chứa chấp thực phẩm bẩn?
Hoàng Tiến Đạt
(tiendat1972@yahoo.com)
Không thể nói không biết !
Nếu nói là không biết, thì sẽ tạo điều kiện cho rau, củ, quả nhiễm độc “hoành hành” tại các siêu thị, nhất là rau, củ, quả từ Trung Quốc tràn sang. Tôi ví dụ, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở củ, quả Trung Quốc vào chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Cần lấy mẫu, kiểm tra kỹ và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nếu thấy có dấu hiệu gây độc hại cho người sử dụng thì phải có biện pháp xử lý thật nặng, không cho chủ hàng buôn bán nữa. Tình trạng rau, củ, quả nhiễm độc sẽ hạn chế dần.
Văn Trường
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Vietgap sẽ đẩy lùi thực phẩm bẩn !
Tôi đọc thông tin trên báo, thấy ở Hàn Quốc, để nhập một lô xoài, phải qua 12 bước kiểm tra. Và các chuyên gia của họ rất kỹ tính trong việc kiểm soát trái cây từ các nước nhập vào Hàn Quốc. Làm được như vậy, người dân nước họ sẽ yên tâm mà sử dụng, không lo bệnh tật. Còn ở ta, tôi thấy tiêu chuẩn sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt VietGAP là một tiêu chuẩn rất tốt, tại sao không nhân rộng được để cung cấp thực phẩm sạch cho người dân? Tôi cho rằng, nếu quyết liệt đẩy mạnh, nhân rộng, VietGAP sẽ đẩy lùi được thực phẩm bẩn!
Hoàng Nhân
(hoangnhan69@yahoo.com)
Hành động quyết liệt
Ai cho thực phẩm bẩn vào siêu thị, vào chợ phải phạt nặng; ai bảo kê cho rau củ quả nhiễm độc, phải bị phạt tù. Phải hành động quyết liệt như vậy mới mong bảo vệ được sức khỏe người dân. Con số mỗi năm 70.000 người chết vì bị bệnh ung thư ở nước ta khiến ai cũng rùng mình. Tại sao nhà nước lại không có biện pháp thật mạnh để bài trừ thực phẩm bẩn, như bài trừ nạn ma túy vậy? Tôi xin kiến nghị phải tăng cường, phát động một phong trào rộng khắp để tuyên chiến với thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người dân!
Huy Quang
(Q.12, TP.HCM)
Võ Thị Phương Ánh
Khi đi chợ tôi chỉ mua rau, củ, quả chỗ mối quen. Chị bán hàng cũng hiểu mối quan tâm của khách nên hay nói cứ yên tâm, hàng ở đây đều sạch, lấy từ mối quen ở Tiền Giang. Và cứ thế, tôi phải đặt niềm tin vào người bán. Còn chuyện có đúng rau, củ, quả sạch hay không thì chỉ... có trời mới biết. Vào siêu thị mua chắc gì đã là hàng sạch. Vì vậy, tôi phải tự nhủ: nên rửa sạch, ngâm muối, khử ozone và ăn chín.
Võ Thị Phương Ánh 
(Q.4, TP.HCM)
Đỗ Thị Hương
Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu mua rau, củ, thực phẩm sạch thật sự, có nguồn gốc rõ ràng, thậm chí người mua có thể đến tận nơi tham quan cách trồng, cách chế biến thì quá tuyệt vời. Tôi tin rằng dù giá có cao gấp đôi so với giá ngoài chợ, nhiều người vẫn sẵn lòng. Ai cũng e sợ chất độc tiềm tàng trong rau, củ, thực phẩm khi mua ngoài chợ, siêu thị. Truy xuất nguồn gốc thì quá khó. Dù sợ nhưng không mua, không ăn không được, đó là nỗi lòng của hầu hết những người nội trợ.
Đỗ Thị Hương 
(H.Hậu Lộc, Thanh Hóa)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.