Tôi đã trả lại tiền cho học trò sau ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

17/11/2023 16:50 GMT+7

Trong ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, tôi đã trả lại tiền cho học trò tặng. Lương tâm tôi không cho phép mình nhận những đồng tiền của học trò, hoặc từ tay phụ huynh cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa.

Chuyện giáo viên nhận phong bì từ học trò, phụ huynh không phải là mới. Từ thời còn học bậc THPT, năm nào tôi cũng đại diện lớp đi đến nhà thầy cô chúc mừng và tặng phong bì nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.

Ngày vào học ĐH ở Huế, tôi cũng làm lớp trưởng và ngày 20.11 hàng năm, thầy cô trong khoa không bao giờ nhận phong bì. Thầy cô chỉ nhận một bó hoa, một món quà nhỏ.

Ra trường, tôi công tác ở một tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi cảm nhận được văn hóa phong bì rất hiếm khi xuất hiện nơi đây trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 bởi hai vợ chồng tôi đều là nhà giáo. Vợ tôi dạy ở một trường học ở thành phố, còn tôi đang dạy ở một trường thị trấn lớn.

Tôi đã trả lại tiền cho học trò tặng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 - Ảnh 1.

Những bông hoa tươi thắm dành tặng thầy cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

ĐÀO NGỌC THẠCH

Hàng năm, chúng tôi nhận được nhiều hoa nhựa, thỉnh thoảng có em tặng hoa thật hoặc một quyển sổ, chai dầu gội đầu. Chúng tôi xem đó là điều hạnh phúc của nghề dạy học. Tuyệt nhiên, vợ chồng tôi không mong muốn học sinh tặng tiền hoặc một món quà xa xỉ.

Món quà bất ngờ

Trước thềm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, tôi lại nhớ kỷ niệm năm ngoái. Lúc bấy giờ, một nữ sinh tặng tôi một bó hoa tươi và nói rằng có viết thư cho thầy. Tôi nghĩ đơn giản rằng bức thư sẽ là một vài lời chúc, lời cảm ơn của học trò. 

Hơn nữa, nhiều học trò cũ về thăm nên tôi mải mê trò chuyện và chụp hình cùng các em. Về đến nhà, tôi bất ngờ khi thấy trong phong bì kèm theo bó hoa có một lá thư và 1 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên, tôi nhận phong bì có tiền từ học trò. 

Nữ sinh lớp 9 này là học sinh giỏi ngữ văn nhất lớp và em cũng đang nằm trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi của trường. Những bài kiểm tra vừa qua em đều đạt điểm giỏi - điểm cao nhất lớp thì không có cớ gì em lấy lòng tôi.

Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng em đã xin số tiền này từ cha mẹ. Đồng tiền ấy là công sức, là mồ hôi của cha mẹ em chắt chiu mới có được. Tôi là thầy dạy em, tôi có lương nhà nước chi trả, tôi dạy em môn ngữ văn - ngoài tri thức là những bài học về cuộc sống, về cách ứng xử hằng ngày.

Lương tâm tôi không cho phép mình nhận những đồng tiền của học trò, hoặc từ tay phụ huynh cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa. Ngày hôm sau, tôi đã trả lại số tiền cho học sinh.

Tôi đã trả lại tiền cho học trò tặng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 - Ảnh 2.

Niềm vui Ngày nhà giáo Việt Nam

Đón ngày 20.11 bình thản

Tại nơi vợ chồng tôi đang công tác ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, tôi nhận thấy rất hiếm có chuyện giáo viên tặng quà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vào ngày 20.11 và ngày Tết Nguyên đán. Ngày 20.11, giáo viên gần như cũng không bao giờ đến nhà hiệu trưởng.

Hội cha mẹ học sinh cũng không tặng quà cho giáo viên, nhà trường cũng chẳng bao giờ vận động phụ huynh góp tiền, hỗ trợ tiền để chi trả các hoạt động tổ chức ngày 20.11. Học sinh cũng rất ít khi tặng quà cho thầy cô giáo bộ môn. Thông thường, các em chỉ tặng hoa, tặng quà cho thầy cô chủ nhiệm. 

Những thầy cô bộ môn thì phải là quý lắm các em mới tặng hoa, quyển sổ, cây viết… Điều này tạo ra một nét đẹp riêng cho văn hóa con người nơi đây.

Gần 20 năm trong nghề, tôi đón ngày 20.11 rất bình thản, việc học trò tặng hoa, tặng quà không bao giờ là điều bận tâm. Vì vậy, câu chuyện nữ sinh lớp 9 tặng tôi bó hoa kèm phong bì 1 triệu đồng khiến tôi bất ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.