Bắn súng thiếu đạn và tấm HCV Olympic

08/08/2016 08:46 GMT+7

Tôi thót tim, không dám nhìn lượt bắn quyết định của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh . Đến khi MC truyền hình reo lên, chúng ta có vàng Olympic rồi, tôi dụi mắt, nhìn kỹ và mới tin là thật.

Có lẽ hiếm có ngày chủ nhật nào người Việt Nam đọc báo nhiều như thế, trang chủ của gần tất cả các trang báo và trang thông tin điện tử tràn ngập các thông tin, hình ảnh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Facebook chìm trong những biểu tượng hình mặt cười, hình trái tim giành cho chủ nhân tấm huy chương vàng quý hơn vàng đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.
Tôi nhớ đến bình luận sau một bài viết về Hoàng Xuân Vinh mới đây trên Báo Thanh Niên: “Nếu được chọn giữa đầu tư ngàn tỉ đồng vào xây tượng đài và để đầu tư cho thể thao thành tích cao để có huy chương vàng, tôi sẽ chọn phương án 2. Sự tỏa sáng chân thực và niềm tự hào dân tộc không bị giới hạn bởi tầm nhìn thời đại”.
Trong số bạn bè tôi chia sẻ những thông tin về anh, Hoàng Xuân Vinh, người hùng của Việt Nam, có thể chỉ là một anh sửa chữa ô tô, một chị bán nước mía đầu ngõ, họ chưa rõ luật thi đấu bắn súng và không biết đội tuyển bắn súng có những ai, thế nhưng, niềm tự hào dân tộc đã xóa nhòa những điều đó.
 
HLV Nguyễn Thị Nhung và VĐV Hoàng Xuân Vinh trong niềm vui chiến thắng Quang Tuyến
HLV Phạm Cao Sơn, nguyên HLV đội tuyển bắn súng quốc gia, Trưởng bộ môn bắn súng Hải Phòng có nói một câu tôi rất tâm đắc: “Nếu là một vận động viên Mỹ, Hàn Quốc giành huy chương bắn súng ở Olympic, điều đó chẳng có gì bất ngờ. Nhưng tấm huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh đã được chắt chiu từ những khó khăn của bắn súng, của thể thao nước nhà”.
Chúng tôi đã chứng kiến trường bắn tập của HLV, VĐV quốc gia tại Trung tâm đào tạo thể thao thể thao quốc gia Nhổn. Những gì cố gắng nhất cho bộ môn, Trưởng bộ môn, Lãnh đạo Tổng cục thể dục thể thao đã làm để trường bắn hiện đại hơn, tuy nhiên thiếu súng, thiếu đạn, tập chay, tập trong tưởng tượng đã là những cảnh không còn xa lạ với nơi đây.
Một ngày tháng 11 năm ngoái, chúng tôi có mặt tại trường tập bắn của VĐV Hải Phòng. Cỏ mọc um tùm, những tấm bia bắn mục rách, rụng rơi, lả tả. HLV Phạm Cao Sơn đề nghị phát cỏ, làm lại bia mới, tự sáng chế ra những bộ điều khiển tín hiệu bắn để cả thầy và trò có giờ tập luyện hiệu quả hơn. Thế nhưng, có một chuyện anh vẫn đau đầu: “Nhà nước cho tiền, nhưng không mua đâu thêm được súng đạn. VĐV vẫn phải tập chay”.
Tôi có mặt ở một giờ học bắn súng của VĐV trẻ Quảng Ninh, trường bắn của các em là một căn phòng nhỏ xíu, chiều dài hơn 10 m, mượn từ ban quản lý sân vận động Cẩm Phả. Bắn súng nội dung 50 m cũng căn phòng ấy, 10 m cũng là căn phòng ấy, để có chỗ nằm bắn cho thoải mái hơn, nhiều VĐV xách súng ra nằm ở vỉa hè, chĩa súng ra ngoài đường, nhiều người đi qua đi lại… hết hồn sợ hãi.
Một trường bắn tại Hải Phòng. Ảnh chụp tháng 11.2015 Lê Nam
Đó là thực tế ở nhiều địa phương, có lẽ thực tế này trái ngược với những gì nhiều người thấy từ hôm qua đến giờ, Quốc ca Việt Nam giữa Brazil, huy chương vàng, hoa hồng, những tràng pháo tay, giọt nước mắt hạnh phúc… Để có được vinh quang, các VĐV đã trải qua những năm tháng không bình yên, họ phải đánh đổi cả tuổi trẻ, thời thanh xuân, những gian truân không đong đếm được bằng đơn vị đo lường nào cả.
Trưa 7.8, rất kịp thời, Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng đã tới thăm và chúc mừng gia đình xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Hà Nội. Ông nói tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh sẽ tiếp thêm niềm tin cho các VĐV sắp thi đấu tại Olympic. Thế nhưng, chưa đủ, chúng tôi mong muốn rằng tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh cũng là cơ hội để bắn súng được săn sóc, quan tâm hơn.
Tài năng nào cũng từng được ươm mầm từ những đơn vị, địa phương, nếu có sự vun đắp tốt nhất cho mỗi trường bắn tại mỗi một tỉnh thành, đơn vị, không còn cảnh thiếu súng, thiếu đạn, thiếu cả nơi nằm bắn, chúng tôi nghĩ rằng cơ hội để bắn súng Việt Nam có thêm nhiều Hoàng Xuân Vinh nữa không là một điều trong mộng tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.