Điều ước của 'thánh phượt' Vừ Già Pó

06/07/2017 18:38 GMT+7

Ông Nông Văn Ngay, Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc vừa gọi điện trách tôi, sao lâu rồi không trở lại Hà Giang.

Ông Ngay nhắc, “chợ tình Khâu Vai năm rồi tổ chức “hoành tráng” nhất thì lại vắng cô”. “Anh Vừ Già Pó có cả một khu riêng để nói chuyện với bà con. Chúng tôi làm một cái lán bằng tre nứa, rất đông bà con đến nghe Pó nói”. À, thế là “thánh phượt” Vừ Già Pó, người từng một mình đi bộ 5.800 km qua miền trung Myanmar, sang Ấn Độ, Bangladesh rồi tới tận Pakistan năm nào đã trở thành “diễn giả” của bà con Khâu Vai rồi đấy.
Tôi đến Hà Giang 3 lần, duyên nợ với mảnh đấy chỉ thấy đá và đá này cũng từ anh chàng người Mông thật thà dễ mến Vừ Già Pó.

tin liên quan

Ăn Tết sớm với Vừ Già Pó
Pó chỉ vào bụng vợ: “Tôi lưu lạc mất hai năm, tưởng tôi đã chết, Lía ở nhà tháo vòng ra, tôi về một cái, có chửa luôn”. Pó cười hà hà, Lía cười tủm tỉm, bọn trẻ con cũng cười vang.
Lần đầu tiên tôi đến xem Pó đón tết đoàn tụ với gia đình sau bao năm tháng lưu lạc nơi đất khách quê người ra sao. Và, đi rồi trở lại. Những lần sau chúng tôi mang gạo, mì tôm, quần áo ấm, giày dép… tới Hà Giang. Vì thương Pó, vợ Pó và những đứa con thơ. Vì thương cả những em bé ở Khâu Vai và nhiều xã khác ở Mèo Vạc những ngày đông giá rét không có quần áo dài tay, thậm chí là một đôi dép tổ ong.
3 năm đã trôi qua, vợ chồng Pó và đàn con 6 người (cô con gái cả đã đi lấy chồng) vẫn ở trong căn nhà ghép bằng những thanh gỗ lọt thỏm trong thung lũng bốn bề núi đá.
Không còn khó khăn như những ngày mới trở về từ Pakistan, năm 2016, Pó bắt đầu đi làm thợ hồ trở lại. Pó không dám đi xa khỏi xã Khâu Vai, anh chỉ dám nhận xây nhà cửa, làm đường xá trong xã. Ngoài khả năng của một anh nông dân trồng ngô, nuôi lợn và ngan già giỏi, Pó là một thợ xây lành nghề của xã và một “diễn giả” nói năng lưu loát.
Ông Nông Văn Ngay vừa khoe với chúng tôi, cuộc họp nào quan trọng ở các thôn, ông Ngay cũng đưa Vừ Già Pó đến để nói chuyện với bà con không nên vượt biên sang Trung Quốc làm lao động “chui”. Các bài nói chuyện của Pó ngắn gọn, dí dỏm, chân thật như tấm lòng người Mông, lúc nào cũng có câu: “Không sang Trung Quốc đâu. Đánh đau lắm”.
Đá và đá tai mèo có thể thấy ở khắp các nẻo đường ở Mèo Vạc Lê Nam
Đứa con thứ 6 nhà Pó đã đi học mẫu giáo, 3 đứa con trai khác cũng được đến trường đầy đủ, những bữa cơm nhà Pó đã ít đi mèn mén (bột ngô hấp chín). Tết 2017, cả nhà Pó thịt một con lợn rất to để mời bà con, anh em đến chung vui. Thế nhưng, với Khâu Vai, xã miền núi nằm chênh vênh, chon von trên những triền đá tai mèo, được đi học, được mặc ấm, được ăn những bữa mèn mén đủ no là giấc mơ của rất nhiều đứa trẻ.
Chủ tịch xã Nông Văn Ngay thở dài, câu chuyện lưu lạc của Vừ Già Pó cũng như những buổi nói chuyện của anh chỉ giúp giảm một phần nào đó lượng người Mông trong xã tự ý vượt biên sang Trung Quốc để mưu sinh. Nỗi trăn trở lớn hơn của ông chủ tịch xã bao năm gắn bó với mảnh đất biên cương này còn là những điểm trường vô vàn khó khăn ở Khâu Vai.
Khâu Vai chìm trong băng giá những ngày đông năm 2016 Lê Nam
“Điểm trường xa nhất cách trung tâm xã khoảng 5 cây số nhưng đi bộ mất đến 5, 6 giờ đồng hồ vì đường xấu quá. Mỗi điểm có vài lớp học, chỉ được lợp bằng tranh tre, mưa thì dột, rét thì càng khổ, gió lùa thông thốc. Chúng tôi muốn lợp lại mái nhà cho các em bằng fibro xi măng, đóng lại những chiếc bàn chiếc ghế bằng gỗ cho chắc chắn để các cháu thoải mái ngồi học nhưng ngân sách hạn hẹp. Chỉ mong có nhà hảo tâm nào…”, ông Ngay bỏ giữa chừng câu nói.

tin liên quan

Đừng khóc ở Hà Giang
Đừng khóc khi nhìn những em bé gần như trần truồng, chân không tất, không giày đứng nhem nhuốc trên bãi đất tuyết chưa tan. Đừng khóc ở Hà Giang!
Chúng tôi nhớ ngày đến Khâu Vai một ngày đông giá rét năm 2016, các cô giáo ở một điểm trường mầm non trong xã nấu một bữa cơm giản dị với rau cải rừng, cá hộp và vài quả trứng gà. Chúng tôi ngồi ăn trong căn nhà lắp ghép thuộc chương trình Nhà bán trú cho em mà Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Báo Thanh Niên tặng cho Khâu Vai. Mưa phùn và gió rét nằm ở ngoài cánh cửa.
“Giá như, có thêm nhiều hơn những căn nhà lắp ghép…”. Tôi lắng nghe ước mơ của ông Ngay và nghĩ đến những tấm lòng của bạn đọc ở mọi miền. Những lớp học kiên cố cho các em chắc chắn không khó nếu mỗi người còn nhớ đến Khâu Vai. Còn yêu thương Hà Giang, những trái tim còn nhớ về vùng đất Vừ Già Pó…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.