Ngày ấy làm báo

21/06/2016 21:58 GMT+7

Giá trị của bài báo không phải ở chỗ nó sống bao lâu, mà nó sống như thế nào, nó giúp ích gì cho cuộc sống, cho xã hội.

Bây giờ, mỗi khi nhận nhuận bút từ những bài báo của mình, tôi lại nhớ, có thời gian tới 5-6 năm trong chiến tranh, nghĩa là trước khi tôi đi chiến trường 1 năm( tôi ở chiến trường Nam Bộ 5 năm), tất cả những bài báo của tôi viết cho đài phát thanh, dù là đài Tiếng nói VN hay đài Giải Phóng, đều không nhận được một đồng nhuận bút nào.
Tất cả những phóng viên biên tập viên làm việc cùng tôi đều như thế, chứ không phải riêng tôi. Bấy giờ hình chưa có chế độ nhuận bút hay sao ấy, và tôi hoàn toàn không một chút thắc mắc gì khi mỗi tháng viết đều đặn từ 5 tới 7 bài báo được phát trên cả hai đài, nhưng cũng đều là “đóng góp, phục vụ” cả thôi. Bây giờ thì không thể có chuyện đó, nhưng hồi xưa thì có.
Còn nhớ, ngày ở trong chiến khu viết báo cho Đài phát thanh, mỗi người chúng tôi được phát đều đặn giấy viết, loại giấy rất xấu, màu hồng đỏ, không biết giấy này nguyên ủy dùng để làm gì. Và được phát bút bi để viết. Chỉ vậy thôi.
Mỗi biên tập viên hay phóng viên, tùy khả năng của cơ quan, được giao cho giữ một chiếc radio cũ kỹ và to đùng. Dĩ nhiên ai có radio cá nhân thì tự sử dụng, cơ quan sẽ cấp pin đủ dùng. Tôi do không có radio cá nhân nên được cơ quan cho mượn một chiếc radio cũ mèm, nhưng còn nghe được. Cứ thế, tôi cắm cúi viết bài, có những bài theo đơn đặt hàng, có những bài mình tự nghĩ ra đề tài rồi viết. Thời kỳ tôi thường trú bên Đài Giải phóng(B5), cứ mỗi buổi sáng thường họp giao ban giao bài, tôi viết đề tài binh vận nên được giao viết bình luận thời sự, họp xong độ một giờ đồng hồ sau phải nộp bài để thủ trưởng duyệt rồi đưa đánh máy, sau đó đánh tê-lê-tip chuyển bài ra Hà Nội.
Vậy mà bài được mo rát khá chuẩn, hầu như không bị lỗi chính tả. Với những bài tôi tự nghĩ đề tài để viết, thì chỉ cần trao đổi sơ qua với thủ trưởng, anh em hiểu nhau ngay, nên làm việc khá dễ dàng. Chỉ có điều…viết miễn phí thôi, không nhuận bút, không cả bồi dưỡng, dù chỉ một gói trà. Lạ cái, chúng tôi đều vui vẻ chấp nhận, chẳng ai nói gì, không đề xuất hay kêu ca gì. Đó là tinh thần phục vụ của những nhà báo trong chiến tranh.
Bây giờ nghĩ lại, đâm ra có chút tự hào: mình cũng có đóng góp…miễn phí đấy chứ ! Thực ra, nếu không quá cứng nhắc, thì cơ quan vẫn có thể bồi dưỡng cho anh em nhà báo gói trà hay cân đường để khuyến khích họ hăng hái làm việc. Vì tôi biết, ngay tại cơ quan mình, không phải biên tập viên nào cũng hăng hái làm việc để có mỗi tháng dăm bảy bài như tôi. Còn nhớ, người viết nhiều nhất và thi đua số lượng bài vở với tôi nhất là nhà báo Hoàng Liên, người khá thân thiết với tôi. Anh Hoàng Liên vốn là đại úy hải quân trong quân đội Sài Gòn, nhưng là nhà báo nhà văn tự do tiến bộ, sau đó anh chính thức thành cơ sở của cách mạng trong lòng quân đội Sài Gòn. Anh Hoàng Liên đã lên chiến khu từ năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân. Khi mới lên chiến khu, anh được bố trí ở bên Mặt trận 2, sau lại ở Liên minh gì đó, rồi theo nguyện vọng cá nhân, anh được đưa về Ban Binh vận TƯ Cục, làm biên tập ở Tiểu ban tuyên truyền (còn gọi là B6). Đầu năm 1971 tôi vào chiến trường, về B6 được ít lâu thì anh Hoàng Liên cũng về B6. Chúng tôi chơi với nhau từ đó.
Vốn là người thường xuyên viết báo ở Sài Gòn, anh Hoàng Liên lại có nhiều tư liệu, nhiều trải nghiệm khi còn ở trong quân đội Sài Gòn, nên anh viết về đề tài binh vận này rất thoải mái, viết rất nhanh mỗi bài báo. Tôi, dĩ nhiên không một ngày ở trong quân đội Sài Gòn, nhưng đã có một năm viết báo cho Cục Địch vận ở Hà Nội, nên tôi cũng đã quen với đề tài vốn vừa cách mặt vừa xa lòng này. Nhưng tôi viết lại hơi bị…hay, viết nhiều nhưng không nhạt, sau này mới biết, hóa ra, mình cũng có khiếu viết báo, nói như nhà văn Nam Bộ Trang Thế Hy thân thiết với tôi, thì tôi là “thằng cha giỏi viết nhật trình”.
“Nhật trình” là “báo ngày” nói theo ngôn ngữ bây giờ, nó cũng ẩn một cách nhìn nhận, đã là “nhật trình” là báo trong ngày, chỉ có giá trị thời sự, coi xong rồi…bỏ. Tôi rất hiểu điều này, nên sau chiến tranh, thủ trưởng ban Tuyên truyền Địch vận của tôi ở Hà Nội là anh Nguyễn Đình Tiên, tác giả của bộ sách “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn” đã mấy lần nói với tôi, là tôi nên tập hợp những bài báo của mình viết trong chiến tranh để in thành sách. Lúc ấy anh Nguyễn Đình Tiên đang là giám đốc NXB Quân Đội Nhân Dân. Tôi nghe anh nói, chỉ cảm ơn và cười cười chứ không có ý kiến gì. Vì tôi nghĩ, đúng như nhà văn Trang Thế Hy đã nghĩ, ai lại in những “tác phẩm nhật trình” bao giờ ? Vì đời sống một bài báo là ngắn hạn, và nhà báo chấp nhận điều đó khi hành nghề. Tôi cũng vậy. Nhưng sau này, nếu không có những “bài báo ngắn hạn” mà được trả nhuận bút như thế nuôi mình và gia đình, thì làm sao có điều kiện để viết những “tác phẩm dài hơi” đây ? Giá trị của bài báo không phải ở chỗ nó sống bao lâu, mà nó sống như thế nào, nó giúp ích gì cho cuộc sống, cho xã hội. Còn trong chiến tranh, thì nó giúp ích gì cho đất nước? Nghĩ như thế, thì dù nó “sống nay chết mai” chăng nữa, tác giả của nó cũng an lòng.
Bây giờ chỉ tiếc, phải chi trong chiến tranh người ta “bồi dưỡng” cho cánh nhà báo chiến trường chúng tôi một ít nhuận bút gọi là…tượng trưng thôi, để mua trà uống đặng thức đêm viết bài, thì có phải số lượng và cả chất lượng các bài báo được tăng lên không ? Chắc chắn là như vậy. Người tình nguyện phục vụ thì không bao giờ tính tiền, nhưng cũng đừng quá “vô tư” mà quên luôn họ thì…tội.
Cũng vì quen nghĩ viết báo không..nhuận bút, nên sau hòa bình, có nhiều năm tôi không viết báo mà chỉ…làm thơ. Thơ in vẫn có nhuận bút, hồi bao cấp ấy, hóa ra, nhuận bút thơ lại hơi bị…được. Tôi nhớ, năm 1982, tôi in bộ ba trường ca “Những ngọn sóng mặt trời” ở Hội văn nghệ Nghĩa Bình, tiền nhuận bút được tính đúng tính đủ theo ba-rem nhà nước lại…nhiều tới mức tôi phải…choáng. Vì không bao giờ dám nghĩ nhuận bút thơ lại khá như thế. Sau này mới hiểu, do trước đó mình viết báo chả bao giờ có nhuận bút, nên thấy nhuận bút một tập sách là lớn. Nhưng quả thật, so với bây giờ, nhuận bút một tập sách ngày trước rất là tốt. Do ti-ra một quyển sách bét nhất cũng 5.000 bản, mà bán được, bán hết, nên nhuận bút cao cũng phải.
Mãi tới khoảng năm 1993, tôi mới thực sự trở lại với nghề báo. Nói thật, muốn viết báo thì phải có…báo mới viết được. Báo càng nhiều càng dễ viết. Mà viết càng nhiều thì tuy hồi ấy nhuận bút thấp, nhưng bù lại mình có số lượng bài viết cao nên so ra, vẫn rất khá. Chỉ với một chiếc máy chữ cơ, loại portab, nhưng mỗi ngày đều đặn tôi “sản xuất” cũng được vài ba bài báo. Có những khoảng thời gian đặc biệt, như kỳ bóng đá Euro hay World Cup, mỗi ngày đêm tôi có thể viết tới dăm bài cho nhiều báo. Cứ túc tắc đánh máy chữ, sau đó ra bưu điện fax bài. Sau này mua luôn máy fax về nhà, nên việc chuyển bài cũng thuận tiện hơn. Dĩ nhiên, so thế nào được với bây giờ…Vậy mà, không hiểu sao, hồi ấy mình viết bài nhanh, chuyển bài cũng nhanh, bất kể đêm hôm khuya khoắt, và tòa soạn nhận và xử lý bài còn nhanh hơn. Viết bóng đá, nhiều khi 3 giờ sáng mới xong trận bóng, mình phải có chuẩn bị trước để hoàn thành bài thật nhanh, sau đó fax về tòa soạn. Vậy mà 5 giờ sáng, báo đã ra sạp. Thật tuyệt vời! Nói thật, những năm 90 của thế kỷ trước, làm báo là cả một niềm háo hức cho cả tờ báo chứ không chỉ riêng cho từng nhà báo.
Tôi còn nhớ, chỉ một mình nhà báo Chánh Trinh, ông “bao sân” cả một tờ báo ngày (Tin Nhanh), vậy mà vẫn đâu vào đấy, sáng đúng 5 giờ mặt trời chưa lên báo đã lên sạp rồi. Mà người mua báo, đọc báo hồi ấy sao mà đông như…quân Nguyên luôn. Làm báo như thế vô cùng hứng khởi, tới mức quên cả chuyện nhuận bút cao hay thấp. Cứ viết nhiều, nhuận bút tất sẽ…nhiều. Nhớ lại, hồi xưa các cụ nhà văn lừng danh như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng…đều sống bằng nghề viết báo. Các cụ gọi đó là “viết giúp” cho báo này báo nọ. Mà đúng là viết giúp thật, vì nhiều tờ báo hồi ấy nghèo lắm, không có cả tiền trả nhuận bút, nên hay…nợ các nhà văn. Nhiều khi chủ báo với nhà báo cũng chỉ biết nhìn nhau mà…cười trừ. Khổ thế đấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.