Của cho không bằng cách cho

25/05/2019 07:06 GMT+7

Mấy hôm rồi tổng kết năm học, làng giáo lại rộ lên chuyện khen thưởng học sinh .

Nghe nói, chuyện khen thưởng cũng trăm hoa đua nở, xem ra rất hoành tráng, rộn ràng nhưng ngày càng mất đi sự trang trọng, ý nghĩa tôn vinh chính học sinh (HS).
Khen thì ai mà chẳng thích nhưng khen như thế nào cho phải cách lại là một chuyện cần bàn.
Mỗi năm cả nước có triệu trẻ vào lớp 1, sau 5 năm có 5 triệu HS từ lớp một đến lớp 5. Nếu chỉ có 50% HS được công nhận đạt loại giỏi thôi thì cả nước phải in 2,5 triệu bản giấy khen riêng cho bậc tiểu học.
Có quá nhiều HS được khen nên địa phương có sáng kiến khen điển hình. Nghĩa là làm lễ khen thưởng chung cho một quận huyện, các HS đại diện đến lĩnh danh sách khen cho cả trường, gây bức xúc không ít cho phụ huynh và HS.
Chuyện khen thưởng trước đây của thế hệ 5X, 6X, 7X không nhiều như bây giờ. Cả một lớp tiểu học chỉ có vài ba HS giỏi, các lớp THCS , THPT có khi chỉ một, hai em đạt danh hiệu HS giỏi, có lớp còn không có bạn nào là HS giỏi. Thế hệ 5 - 6 - 7X ngày ấy, khi được nhận tấm giấy khen của thầy cô, của nhà trường đã thấy hạnh phúc biết bao, vui mừng biết bao khi thành tích của mình đã được thầy cô khen ngợi, bạn bè lấy đó làm gương. Và tất nhiên HS thời ấy cũng hiểu trách nhiệm xã hội của mình - của những người giỏi, tài năng - là gánh vác đất nước trong tương lai.
Nếu chỉ xem bằng con số tỷ lệ HS giỏi trong lớp, học trò ngày xưa có học kém hơn học trò ngày nay? Câu trả lời dứt khoát là không. Những năm tháng của thập niên 60, 70, 80 và đầu những năm 90 ấy, ngành giáo dục còn làm tốt việc đánh giá và khen thưởng học trò.
Khen thưởng, nhất là khen đúng, thưởng xứng đáng bao giờ cũng là động cơ giúp HS phấn đấu trở thành người giỏi, để sau này giúp ích cho đất nước.
Phần thưởng dành cho HS thời xưa và nay cũng khác nhau. Tôi còn nhớ như in những lần nhà trường tổ chức khen thưởng cho HS thời chúng tôi đi học. Phần thưởng chỉ là một thếp giấy trắng Bãi Bằng hoặc Việt Trì, sang hơn là một tập truyện ngắn hay tiểu thuyết được thầy cô trao cho trước con mắt ngưỡng mộ của HS toàn trường.
Ngày nay, phần thưởng dành cho học trò phần lớn được huy động bằng sự đóng góp của phụ huynh. Nhiều phụ huynh giấu con chuyện đóng tiền mua phần thưởng cho HS giỏi, trong đó có con em mình. Phần lớn HS tiểu học có điểm môn học, điểm thi cuối kỳ toàn là điểm 10 nên không thể chọn những HS ưu tú nhất để vinh danh dưới cờ trong các buổi lễ trang trọng của nhà trường.
Ông bà ta nói đúng: “Của cho không bằng cách cho”. Phát phần thưởng cho tất cả HS thì chẳng khác gì không khen ai cả hoặc phát thưởng được quy ra hiện vật đôi khi quá thực dụng cũng mất đi ý nghĩa tôn vinh và sự trang trọng, cũng như không tạo động lực để học sinh phấn đấu cho hôm nay tốt hơn hôm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.