Chơi Facebook cũng như chơi dao!

19/11/2016 17:44 GMT+7

Mạng xã hội đã góp phần tích cực rất lớn trong việc kết nối mọi người và chia sẻ thông tin.

Một cảnh đời bất hạnh được đăng lên Facebook cá nhân có thể nhận được phản hồi ngay sau đó, kịp thời, đúng địa chỉ. Thông tin một số vụ việc nóng bỏng trong đời sống xã hội cũng liên tục cập nhật, thoả mãn nhu cầu thông tin ngày càng lớn của con người. Thậm chí có người còn gọi Facebook là một tờ báo lớn mà trong đó mỗi facebooke là một nhà báo, cung cấp thông tin nóng hổi. Tiện ích, khỏi phải bàn. Vấn đề tôi muốn đề cập trong bài viết này là, giữa trùng điệp thông tin thật giả lẫn lộn chưa được và khó kiểm chứng đó, chúng ta phải xử lý thế nào cho đúng với lương tâm và pháp luật quy định?
Gần đây, không thiếu những vụ việc chia sẻ thông tin vội vã trên Facebook dẫn đến tác hại khôn lường. Đặc biệt, những thông tin về các vụ bắt cóc, án mạng, thông tin về những vụ việc tiêu cực trong xã hội được nhiều người vội vàng chia sẻ với những lời lẽ đao to búa lớn, tạo ra dư luận không chính xác, thiếu khách quan. Hiện tượng đó, gọi là ăn theo sự kiện một cách mù quáng!
Ngay trong ngày hôm qua (18.11), trên trang Facebook cá nhân của một người tự xưng là nhà văn, nhà báo ở Đắk Lắk, đã đăng một bài viết ngắn nói về việc ngành giáo dục ở Hà Tĩnh điều giáo viên đi tiếp khách với lời lẽ phê phán gay gắt. Đáng nói hơn, người này đã lấy hình minh hoạ chụp cảnh quan chức ăn chơi sa đoạ ở Trung Quốc và khẳng định chắc chắn đó là cảnh giáo viên đi tiếp khách!
Bài viết được hàng ngàn like và hơn 600 lượt chia sẻ. Những người không hiểu chuyện hoặc ác tâm được dịp thả các bình luận chửi bới, miệt thị giáo viên, ngành giáo dục, xúc phạm không chỉ một người với lời lẽ đầy ác ý. Sau khi một số người tỉnh táo chứng minh chuyện ghép hình ảnh vào câu chuyện một cách thiếu kiểm chứng hoặc đã kiểm chứng nhưng vẫn đăng vì ý đồ không tốt thì chủ trang Facebook nói trên đã xóa bài và tỏ ý xin lỗi.
Vụ việc đang được các cấp quản lý kiểm tra và kết luận, nhưng quả thật đây là một câu chuyện buồn, diễn ra ngay trong thời điểm kỷ niệm, tôn vinh nghề giáo viên 20.11. Trong khi không thiếu những câu chuyện buồn về ngành giáo dục, về thầy cô đang làm phiền lòng những ai quan tâm đến tương lai của đất nước, thì những câu chuyện chia sẻ kiểu như đã nói ở trên đã làm thoả mãn những người thích chửi rủa, chà đạp mọi thứ.
Người chơi mạng xã hội, đa số đều muốn thông tin của mình đưa lên được mọi người chú ý, chia sẻ, đặc biệt là Facebook của những nhà văn nhà báo, người nổi tiếng thì lượng đọc và chia sẻ càng nhiều. Việc cắt ghép, bịa đặt thông tin, hình ảnh là hành vi không thể chấp nhận được, gây ra hậu quả khó có thể khắc phục. Câu chuyện trên đây một lần nữa nhắc chúng ta phải tỉnh táo khi chuyển tải thông tin trên mạng, tránh hậu quả đáng tiếc, trước hết là cho chính mình.
Chơi Facebook, cũng như chơi dao vậy, không cẩn thận, sẽ đứt tay mình trước!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.