Chuyện chiếm giữ đất vàng

11/08/2018 06:58 GMT+7

18/37 dự án ven biển của Đà Nẵng có tiến độ “rùa bò”, có dự án đến 10 năm vẫn án binh bất động.

Đây là điều rất đáng ngạc nhiên, bởi theo luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa được triển khai đã phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ.
Tuy nhiên, tình trạng “chiếm giữ” trên dù gây bức xúc nhưng lại không xa lạ, tương tự như số phận của hàng loạt những khu đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đợt rà soát mới công bố, TP.HCM có những dự án án binh bất động tới 26 năm, tại Hà Nội thì những dự án chiếm giữ vị trí vàng nhưng đắp chiếu 10 - 15 năm cũng không hiếm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án treo, năng lực chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án... Nhưng có một nguyên nhân của mọi nguyên nhân đó chính là năng lực, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Chuyện “lộ diện giới đầu cơ” trong các dự án ven biển Đà Nẵng, hay chuyện sang nhượng dự án tại Hà Nội, cũng là một nội hàm khác của công tác quản lý, thẩm tra, thẩm định dự án của chính quyền còn nhiều yếu kém.
Chính quyền có thể không cố ý khi cấp phép dự án cho chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và ngành nghề, công tác thẩm định dự án làm chưa tốt. Nhưng việc để dự án kéo quá dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, gây thiệt hại quyền lợi của người dân và lợi ích của nhà nước, vi phạm pháp luật đất đai thì rõ ràng đã không còn “vô tình”. Thực chất, đây là hành vi bao chiếm đất của các chủ dự án không đủ năng lực tài chính, họ chỉ “chạy” dự án rồi chờ thời cơ sang tay, hợp tác, nhà nước không thu được chênh lệch địa tô.
Hỏi cơ quan quản lý, chính quyền địa phương có biết việc này hay không? Xin thưa là biết hết. Nhưng tại sao hiện trạng vẫn phổ biến và trầm trọng? Câu trả lời phải dành cho chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng. Hồi tháng 1.2018, Thủ tướng có chỉ thị về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai. Nhưng cho đến nay, triển khai tại các địa phương mới dừng lại ở các cuộc họp. Việc rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ đều được các địa phương triển khai, song rà soát rồi sao nữa thì không rõ. Hà Nội tuyên bố “sẽ thu hồi đối với những dự án quá 3 năm không triển khai theo quy định của luật Đất đai”; TP.HCM thừa nhận: “Dân khổ ở dự án treo là lỗi của chính quyền thành phố”. Nhưng người dân thì biết rằng, việc xử lý đối với những dự án chiếm giữ đất “vàng” không bao giờ dễ dàng.
Người ta sẽ làm được, quyết liệt và minh bạch, nếu như những khoản ứng trước “dưới gầm bàn” của các doanh nghiệp chủ đầu tư, thực sự chỉ là những lời đồn đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.