Chuyện chưa kết về chai bia của ông Obama

02/06/2016 08:07 GMT+7

Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) có thể đã để vuột mất cơ hội “trăm năm có một" để quảng bá thương hiệu của mình sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội.

Hình ảnh ông Obama ăn bún chả, nem và uống bia Hà Nội được lên truyền hình truyền hình nhiều nước và hàng trăm tờ báo nước ngoài. Đây đúng là "nghìn vàng mua không nổi" , nhưng xem ra Hebeco còn chậm chân hơn cả bà chủ quán bún chả Hương Liên, một quán bún chả chỉ ở tầm kha khá trong những quán bún chả hiện diện lâu năm của Thủ đô.
Nói như chuyên gia marketing Trần Đức Sơn thì: "Trước một cơ hội quảng bá ra thế giới với chi phí bằng 0 – một hiệu ứng marketing ngắn hạn khó có thể lặp lại trong 4 – 5 năm tới, trong khi một quán bún chả nhỏ như Hương Liên, họ đã tận dụng rất tốt cơ hội tuyệt vời này thì Bia Hà Nội lại đang cực lãng phí khiến nhiều người làm thương hiệu tiếc rẻ..."
"Ông Obama là một chính trị gia có tính cách quá hấp dẫn! Nào là sự thân thiện, bình dân… Bia Hà Nội cũng rất thân thiện, bình dân. Tức, sự tương thích rất cao ở đây" - ông Sơn nhận xét.
Tiếc thay, Habeco không hề có một chiến dịch truyền thông rầm rộ, ngay sau đó dăm bảy ngày chẳng hạn, để cả thế giới phải ngước nhìn lên màn hình coi thử cái thứ gọi là" bia Hà Nội" ấy nó như thế nào.
Chị P.T.H , người mặc áo xanh được ông Obama bá vai chụp cùng đoàn làm phim, là người nhanh tay cầm chiếc vỏ chai bia mà ông Obama đã uống - Ảnh do đồng nghiệp chị cung cấp
Tìm hiểu lịch sử ra đời của Habeco thì được biết, năm 1890 người Pháp đã xây dựng một xưởng làm bia tại Hà Nội mà chủ yếu là để phục vụ họ và những công chức người Việt Nam tại một số thành phố lớn ở miền Bắc (miền Nam thì có nhà máy sớm hơn). Nhà máy bia này (có lẽ gọi là xưởng thì đúng hơn) lúc đầu sản lượng chỉ có 150 lít/ngày. Xưởng được mang tên một người Pháp là Hommel và bây giờ là Habeco với sản lượng mỗi năm gần đây vào khoảng trên dưới 8 trăm triệu lít .
Phải kể như vậy để thấy cách mà Habeco quảng bá sản phẩm vẫn theo lối "doanh nghiệp Nhà nước" chứ không phải là lối làm ăn năng động như một doanh nghiệp tư nhân dù họ có một nền tảng rất đáng tự hào. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao đến nay, sau 126 năm, sản phẩm Bia Hà Nội vẫn chưa thể vươn xa ra thế giới dù rất ngon.
Một vụ trưởng ở Bộ Công Thương cho tôi biết, giá trị sản lượng bia Hà Nội của năm 2015 đạt khoảng 18 ngàn tỷ đồng, trong đó, sản lượng quy ra ngoại tệ nhờ xuất khẩu chỉ ngót nghét khoảng 1 triệu đô la. Như vậy đúng là chẳng thấm tháp gì dù đã xuất sang khoảng dăm nước, trong đó có Úc, Pháp , Italia... Habeco vẫn chưa vào nổi thị trường Mỹ. Thực ra thì cũng có nhưng không thể gọi là xuất khẩu bởi người mua chỉ mang theo vài thùng hàng nhỏ lẻ rồi chuyển cho một vài cửa hàng thực phẩm hoặc quán ăn người Việt Nam. Lý do bởi vì còn nhiều rào cản, trong đó có phần do cơ chế cứng ngắc của nhà nước ta, rất gò bó các doanh nghiệp về tỷ lệ kinh phí dành cho marketing nói chung. Trong khi đó, khoản chi tiếp thị, quảng cáo cho thị trường mới ở các nước thường lại vô cùng lớn...
Nói cho đúng, ngay sau sự kiện ông Obama “quảng cáo không công” cho Bia Hà Nội, Habeco đã cho người đến quán bún chả Hương Liên xin chai bia mà ông Obama cầm uống trực tiếp với ý định đem về đặt trong Nhà truyền thống. Tuy nhiên, họ đã chậm chân hơn một nhân viên người Việt trong ekip tham gia tổ chức chương trình khám phá du lịch và ẩm thực mang tên “Parts Unknown” (Những phần chưa biết) của Anthony Michael Bourdain – người cùng bàn với ông Obama tối đó. Người phụ nữ này sau đó đã tặng lại chiếc vỏ chai cho chồng của bạn mình. Và như vậy, hy vọng rằng câu chuyện về chai bia nổi tiếng vẫn chưa đến hồi kết, nếu nhà sản xuất hiểu được giá trị vô hình của thương hiệu và cơ hội mà nó đem lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.