Đâu chỉ là chuyện vỉa hè

29/03/2017 11:43 GMT+7

Vào Google, gõ từ ‘’vỉa hè’’ là có ngay 13.100.000 kết quả. Trong khi từ ‘’Đảo đầu lâu’’, phim bom tấn, sau 4 ngày công chiếu ở Việt Nam đã thu trên 100 tỉ đồng, chỉ có 4.260.000 kết quả (23.3). Đủ thấy sự quan tâm của xã hội và độ nóng của vấn đề.

Vỉa hè, nước nào chẳng có. Nhà nào chẳng có hè. Cớ sao ở Việt Nam lại nóng đột ngột như vậy.
‘’Quả nào cũng có nhân’’ vì nhân nào thì quả đó. Vỉa hè, lâu nay bị lãng quên, thậm chí xem như không tồn tại. Khách bộ hành quên mất là ở Việt Nam cũng có vỉa hè như nhiều nước.
Vỉa hè của Việt Nam và thế giới, khác nhau ở chỗ sử dụng và quản lý. Các nước thì thông thoáng dù vẫn cho tranh thủ bán buôn nhưng có luật lệ minh bạch và quản lý chặt chẽ. Việt Nam thì ngược lại, vỉa hè là không gian công cộng, gọi là của chung. Đã là của chung thì không có chủ.
Thật ra là ‘’tập thể làm chủ’’, nhưng khi mọi người đều là chủ thì cũng có nghĩa là vô chủ. Cứ mạnh ai nấy lấn chiếm.
Bao năm dư luận bất bình, người dân bức xúc vì vỉa hè bị bức tử nhưng cơ quan quản lý vẫn bỏ ngoài tai mọi góp ý và hiến kế. Đùng một phát, UBND Q.1 (TP.HCM) "ra tay dẹp loạn", giành lại vỉa hè. Đích thân, Phó chủ tịch UBND Q.1 chỉ huy với tuyên bố hùng hồn ‘’Không giành lại được vỉa hè thì cởi áo từ quan’’. Dư luận dậy sóng, thiên hạ rần rần ủng hộ. Nhiều nơi cũng hưởng ứng với Q.1. Chỉ băn khoăn là cách làm. Sao lại phải "giành"? Bị lấn chiếm trái phép thì thu hồi chứ đâu cần "giành" với ai?  Vi phạm, cứ theo luật định mà xử lý. Lập lại trật tự vỉa hè là nhiệm vụ của phường, quận chỉ làm thay khi phường bất lực. Và chỉ cần cơ quan chức năng là đủ, đâu cần phải lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, thậm chí, quận làm mà phường không thèm tham gia, cứ dửng dưng như người ngoài cuộc.
Vào nhà là biết tính cách chủ nhân. Nhìn lính là biết tướng và ngược lại. Chuyện vỉa hè cũng vậy. Đó là bộ mặt của thành phố, là "ISO về năng lực quản lý". Đừng xem là chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ, bao năm không xong, làm sao tính chuyện lớn?
Dư luận đang chờ xem chính quyền có thật sự làm tới nơi tới chốn. Hay là cứ làm phong trào để báo cáo kiểu ‘’bắt cóc bỏ dĩa’’ như lâu nay. Có thể thí điểm trước nhưng phải làm đồng bộ vì luật pháp thống nhất chứ không cát cứ vùng miền.
Chẳng nước nào cấm buôn bán vỉa hè, trừ các khu phố hành chính, trước các cơ quan công quyền. Trong quy hoạch các thành phố của thế giới, đều có phần tận dụng vỉa hè sao cho hiệu quả. Văn hóa vỉa hè còn là thương hiệu du lịch của nhiều nước. Từ nghệ thuật biểu diễn, ánh sáng đường phố cho đến ẩm thực và hàng lưu niệm, kể cả hàng rong. Mọi thứ đều có quy định rõ ràng và chế tài công minh, nghiêm ngặt. Không ai buông lỏng và bỏ mặc như Việt Nam.
Vỉa hè là bộ mặt của các đô thị. Rửa mặt chưa sạch thì nói gì tới chuyện tắm gội, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện và làm đẹp bản thân?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.