Đập vào mắt bạn đọc là cụm từ “năm nào cũng vậy” tràn ngập các báo giấy, báo mạng khi tường thuật, bình luận về các lễ hội đang “hoạt náo” khắp các địa phương sau dịp tết. Cụm từ đó nặng nề như một lời than thở, bế tắc cho một sự kiện thường niên tưởng chừng như đã lồng ghép tổng hợp được hết sự tinh túy “cái đẹp” của sinh hoạt cộng đồng, của một vùng dân cư bản địa.
Khác ngược với sức xuân rất căng tròn mơn mởn, đang hừng hực trong thiên nhiên đất trời, lời than thở dày đặc “năm nào cũng vậy” của truyền thông vẽ ra những bức tranh ghép bởi các gam màu của sự tối tăm, hoang dã, bầy đàn trong nhận thức về nhân tính và văn hóa của một số người tổ chức, tham gia lễ hội. Đó là gam màu của sự máu me, chặt chém… Đó là gam màu của sự bạo lực, hỗn loạn, tranh cướp… Đó là gam màu của mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, tham sân si nơi cửa từ bi…
Trong nhiều năm liên tiếp gần đây, từ những lễ hội dân gian, lễ chùa, cướp lộc, cướp ấn cho đến chọi trâu, chém lợn… đều ít nhiều chứa đựng những hình thái tiêu cực, phản cảm, cùng sự cách tân biến tướng của lối suy diễn cục bộ địa phương khiến cho mục đích tâm linh, văn hóa phi vật thể gốc cội ban đầu bị sai lệnh đi ít nhiều; cổ truyền chẳng ra cổ truyền, tâm linh tôn giáo bị trần tục hóa, tính nhân văn, đoàn kết cộng đồng lại càng phai nhạt. Thậm chí, yếu tố hám thành tích, ham trục lợi khiến cho các lễ hội càng ngày càng mang màu sắc lạm phát, thương mại hóa.
Trong nhiều năm liên tiếp, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản biện, bao quát tổng hợp chung cũng có, nêu cụ thể chi tiết từng tiêu cực của mỗi lễ hội cũng nhiều, nhưng vấn nạn này hình như không thuyên giảm, có triệu chứng lờn thuốc, và tiêu cực năm sau lại “hoành tráng” hơn năm trước. Vì sao như vậy? Đó phải chăng có nguyên nhân sâu xa là do… tính ì của người Việt mình quá lớn, tính ì của từng người dân, tính ì trong công tác quản lý.
Ngày nay, mạng xã hội và các công cụ hỗ trợ giúp mọi người có thể tiếp nhận và phản hồi mọi hoạt động truyền thông mà mình đang tham gia. Tự từng người dân có thể đưa hình, tiếp nhận thông tin tiêu cực, tự điều chỉnh và giúp đỡ nhau điều chỉnh mọi hoạt động của chính mình trong quá trình tham gia lễ hội để nó trở nên văn minh thân thiện hơn là điều không khó. Tiếc thay, sự tự điều chỉnh đó theo phản ánh của báo chí từng năm qua cho thấy hiệu quả bằng không, tức là sức ì của cộng đồng quá lớn?
Mọi lễ hội đều có đặc thù văn hóa địa phương riêng, sự tiếp nhận kịp thời các phản hồi tiêu cực, nghiên cứu kỹ mọi tình huống vi phạm, phản cảm, lắng nghe các chuyên gia khoa học, xã hội học phản biện để có phương pháp khắc phục hữu hiệu nhất cũng là một điều không khó, nhưng rồi “năm nào cũng vậy” cho thấy một sức ì “khó hiểu” nơi tổ chức?
Các hình thái lễ hội được ví như “nguồn sữa mẹ” nuôi dưỡng các loại hình nghệ thuật. Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật đang từng bước vận động đổi mới mình, giản đơn cách điệu, đẩy tính biểu tượng nhân văn mỹ thuật lên cao theo hướng hiện đại văn minh thì cái được gọi là “nguồn sữa mẹ” kia vẫn bao biện theo kiểu đâm trâu, chém lợn, treo đầu trâu đến chết… là không thể chấp nhận được!
Mong rằng, những lễ hội trong tương lai không xa trở lại đích thực là chỗ dựa tinh thần cho người dân, là nơi hướng tới cái đẹp, là khát vọng vươn đến cái đẹp của cả cộng đồng. Muốn vậy, điều cốt lõi là các nhà quản lý phải khai phóng được tính ì trong quan niệm “văn hóa truyền thống” của chính mình. Làm ngay được điều này, lễ hội năm sau sẽ thoát được nạn… “năm nào cũng vậy” đáng buồn dai dẳng kia!
Bình luận (0)