Mấy ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về việc Trường THPT Lý Tự Trọng (trực thuộc Trường trung học kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM) bị giải thể một cách bất thường. Chưa cần bàn sâu nguyên do vì sao nhưng thông tin một trường học bị đóng cửa đều khiến mọi người sửng sốt.
|
Đặc biệt, khi mà Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 1982, trong đó có khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì việc đóng cửa một ngôi trường (có chất lượng giáo dục tốt, được chính ngành giáo dục từ bộ đến sở công nhận qua hàng loạt bằng khen, giấy khen; được UBND TP.HCM tặng thưởng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc liên tục từ năm 2006 đến 2013) quả là điều không hiểu nổi.
Tôi chỉ là một độc giả, nhưng khi đọc trên mạng những dòng chia sẻ của các em học sinh và giáo viên Trường Lý Tự Trọng trước “tin dữ“ mà không khỏi đắng lòng. Bản thân tôi cách đây nhiều năm đã từng chứng kiến sự đau đớn vật vã của cha mình khi mà bệnh viện ông quản lý bị giải thể nên rất hiểu nỗi khổ tâm này. Sinh thời, cha tôi là giám đốc bệnh viện thành phố của một thành phố nhỏ phía Bắc. Chỉ vì dám đấu tranh không khoan nhượng với những chỉ đạo, quyết định sai trái của cấp trên nên vì không khép được lý do kỷ luật cha tôi, lãnh đạo thành phố lúc đó đã ra quyết định giải thể bệnh viện. Một quyết định mà trong thời điểm đó được mọi người nói là “vô tiền, khoáng hậu”, vì không có một nền dân chủ tiến bộ nào lại đi đóng cửa bệnh viện, trường học, nhưng vẫn được thi hành. Bệnh viện thành phố sau đó nhiều năm bị bỏ phế, bị chuyển công năng... trong sự chua xót của người dân và đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện. Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân, điều đó được thể hiện rất rõ ràng qua đường lối, chủ trương ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, đâu đó trên mảnh đất Việt này, chỉ vì những toan tính cá nhân, người dân vẫn bị tước đi những quyền lợi mà mình đáng được hưởng.
Trở lại với câu chuyện của Trường Lý Tự Trọng. Người ta càng ngạc nhiên khi thấy phát biểu của những người trong cuộc thật khác nhau. Nhà trường, mà cụ thể là từ hiệu trưởng cho tới giáo viên đều “sốc” vì không hề biết thông tin trường bị giải thể, trong khi lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM lại nói việc giải thể là do trường tự đề xuất.
Theo Thanh Niên Online ngày 8.5, một giáo viên của Trường Lý Tự Trọng cho biết: Công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM có giải thích việc giải thể trường Lý Tự Trọng là làm theo Nghị định 55/2012/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ. Trong nghị định này nêu rõ các điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập: Không còn chức năng, nhiệm vụ; ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập; theo yêu cầu về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo giáo viên này, cả ba điểm trên đều không áp dụng được với Trường Lý Tự Trọng vì trường đang tổ chức đào tạo rất tốt, năm nào cũng có bằng khen, có giáo viên của trường còn nhận được bằng khen của Chính phủ. Về quy hoạch mạng lưới, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng đã được cấp đất ở Củ Chi theo chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành.
Vậy thì lý do gì để đóng cửa ngôi trường này? Câu trả lời này chắc rằng sẽ chỉ có Sở GD-ĐT TP.HCM hăng hái trả lời nhất.
Vậy có nên giữ lại ngôi trường này không? Tôi cũng chắc rằng có hàng ngàn, hàng vạn người được hỏi sẽ có chung câu trả lời: Nên. Và đi kèm đó sẽ có rất nhiều giải pháp được đưa ra để giữ lại ngôi trường này.
Có nhiều lý do để không thể đóng cửa trường học này, mà lý do cấp bách nhất đó là hàng năm số học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp từ 5.000-6.000 em, trong khi cơ sở vật chất các trường THPT ở quận Tân Bình chỉ đủ khả năng tuyển được 50%. Nghĩa là áp lực học sinh được vào trường công ở khu vực này rất lớn. Trường Lý Tự Trọng đã chia sẻ và vẫn đủ khả năng chia sẻ gánh nặng này cho địa phương.
Toàn xã hội đang tâm huyết với việc đầu tư xây dựng thêm nhiều trường học hơn nữa cho con em chúng ta. Giáo dục là nền tảng cho sự vươn lên của quốc gia. Không thể vì lý do này hay lý do nọ mà đi ngược lại với điều này.
Lê Ngọc Khanh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một công chức làm việc tại TP.HCM
>> Trường THPT Lý Tự Trọng bị giải thể: Giáo viên, học sinh khủng hoảng tinh thần
Bình luận (0)