Bộ trưởng ra đường không phải để “cầm tay chỉ việc” mà để kiểm tra các báo cáo thực tế cho việc hoạch định chiến lược của ngành. Nếu mọi việc đều phải có bộ trưởng ''xắn tay'' vào mới xong thì đó là điều bất thường.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân phải ra tận hiện trường để xử lý xe quá tải - Ảnh: T.Q.N
|
Dù ở xa quê, tôi vẫn thường theo dõi báo chí Việt Nam, chủ yếu là mạng online, nhất là Báo Thanh Niên. Gần đây, báo chí trong nước đưa tin nhiều về trường hợp lãnh đạo các tỉnh phải trực tiếp ra đường để dẹp xe quá tải. Cuối năm có Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, còn gần đây là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân. Cả hai đều được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng biểu dương. Cả Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở và đề nghị lãnh đạo các tỉnh làm như vậy.
Trước đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng phải ra đường “tả xung hữu đột”, quyết liệt mới xong nhiều việc tưởng chừng vô phương. Chuyện Bộ trưởng Thăng vi hành được nhiều người khen là tích cực, sâu sát. Nhưng cũng có kẻ cho rằng đó không phải là chức năng của bộ trưởng. Ý kiến nào cũng có phần xác đáng. Nếu ở Úc và các nước thì việc bộ trưởng thỉnh thoảng vi hành là điều bình thường, bởi đó là trách nhiệm của họ. Báo chí và người dân cũng ít quan tâm tới mấy việc đó.
Bộ trưởng ra đường không phải để “cầm tay chỉ việc” mà để kiểm tra các báo cáo thực tế cho việc hoạch định chiến lược của ngành. Ra đường như Bộ trưởng Thăng ở các nước là chuyện lạ. Thứ nhất là do quản lý kém, trên bảo dưới không nghe, cứ chây ì làm trái. Thứ hai, các thứ trưởng giúp việc cũng kém, không đủ năng lực và bản lĩnh nên bộ trưởng mới phải ra tay.
Trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam, việc các bộ trưởng vi hành như Bộ trưởng Thăng là cần thiết để xử lý nghiêm khắc thuộc cấp trì trệ, lũng đoạn, lập lại kỷ cương. Nhưng nếu lúc nào và việc nào cũng tới tay bộ trưởng mới xong thì chính bộ trưởng cũng có vấn đề về năng lực quản lý, không thể chấp nhận ở những xã hội bình thường.
|
Không khéo, các tỉnh cứ thi đua đùn đẩy cho lãnh đạo để lãnh đạo được bộ trưởng khen thì loạn. Thật ra, Việt Nam đang "loạn" quản lý, chẳng ai nói được ai. Nhà nước mà cứ phải “yêu cầu” và “đề nghị” vận động như các đoàn thể theo chế độ chấp hành, dựa vào đa số làm quyết định chứ không dám “Ra lệnh”, “Chỉ thị” theo chế độ thủ trưởng thì loạn là đương nhiên. Ý kiến đám đông là để tham vấn, còn lãnh đạo phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không đổ vấy cho tập thể hay trời, đất.
Gần đây, cũng qua báo chí, tôi thấy có hiện tượng các ngành và các tỉnh việc gì hơi khó là cứ đẩy lên chính phủ, chờ ý kiến Thủ tướng. Đó là những việc lạ đời. Nhiệm vụ và chức năng của các cấp chính quyền đã được qui định cụ thể.
Trong công ty, khi gặp khó khăn, có trưởng phòng chạy lên hỏi tôi: “Thưa sếp, mình phải làm gì để vượt qua?”. Tôi trả lời: “Nếu tôi biết cách, công ty đã không thuê em làm trưởng phòng, vì tôi có thể kiêm luôn. Tự em phải hiến kế cho tôi xem xét. Nếu không làm được, em nên nhường chỗ cho bạn khác đủ khả năng hơn”. Từ việc công ty, suy ra chuyện nhà nước cũng vậy.
Xin đừng biến điều bất thường thành việc bình thường, thậm chí còn khen ngợi. Điều đó chỉ tạo thêm việc ỉ lại và thể hiện sự bế tắc của công tác quản lý nhà nước hiện hành.
Bình luận (0)