Thông tin về một thanh niên quỳ gối xin việc không làm tôi quá quan tâm nhưng đọc đến bài Thói xấu và sự nuông chiều của đám đông lại làm tôi không yên. Sao người ta có thể đả phá một người mà họ không làm gì xấu?
Bạn ơi, hãy thận trong khi phán xét một ai đó - Ảnh: Shutterstock |
Trước tiên, tôi khẳng định tôi không ủng hộ cho hành động của chàng trai này. Đây là một hành động không nên được bắt chước hay học tập và tôi cũng mong rằng mình sẽ không gặp lại những hình ảnh tương tự như thế nữa. Tuy nhiên, tôi không thấy hành động của chàng trai này có gì là sai để bị tác giả bài viết xếp vào “thói xấu”.
Với tôi, việc quỳ gối xin việc hẳn là tốt hơn rất nhiều so với những kẻ sức dài vai rộng nhưng lừa dối lòng thương người của nhiều người bằng cách giả dạng bệnh tật, bịa đặt hoàn cảnh ngặt nghèo như chồng chết, con ốm, bị trộm lấy hết tiền… để lừa đảo xin tiền người qua lại. Việc quỳ gối chắc hẳn cũng tốt hơn rất nhiều với những kẻ đi đứng nghênh ngang, ăn to nói lớn nhưng bắt người già, con nít đi bán hàng, xin ăn về cung phụng cho chúng rượu chè, bài bạc, như trường hợp ở đây, ở đây và ở đây.
Rõ ràng, việc quì gối này chắc hẳn tốt hơn rất nhiều những người bạn không hề thấy họ quì gối (vì bạn chẳng có cơ hội thấy được họ quì gối) nhưng họ lại lạnh lùng đạp lên đầu người khác để bước lên nấc thang tiền tài danh vọng
Việc so sánh với người xấu có vẻ có gì đó khập khiễng, nhưng nếu so sánh với những người đang thất nghiệp tương tự, hẳn hành động quì gối xin việc tốt hơn rất nhiều so với những kẻ ngày ngày cày game rồi về ăn bám bố mẹ, hay những kẻ không tự xin được việc làm, phải nhờ vả cha mẹ, người thân chạy vạy cho mình một công việc nào đó. Vậy thì có công bằng cho những người khác khi một người được nhận vào làm việc không nhờ vào năng lực của bản thân còn những người có năng lực thì mất đi cơ hôi đó? Bạn cũng nói xã hội này luôn đầy rẫy những bất công. Vậy việc bạn lo lắng có nhà tuyển dụng nào đó vì áp lực của đám đông mà nhận chàng thanh niên này vào làm việc là bất công cho những người khác thì có phải là một việc lo lắng thừa hay không?
Việc bạn lo lắng ai đó bị sức ép của dư luận mà nhận thanh niên này làm việc là một việc lo lắng không đâu vì tôi chắc rẳng chẳng có sức ép của dư luận nào ảnh hưởng lên được việc này cả. Chẳng có ai phải chịu trách nhiệm nếu có một người nào đó trong xã hội bị thất nghiệp hay họ tự xin việc theo một cách không giống ai. Nếu có ai đó vì lòng trắc ẩn mà nhận thanh niên này vào làm việc thì anh ta cũng phải trải qua giai đoạn thử việc để chứng tỏ khả năng của mình với nhà tuyển dụng. Nếu không chứng tỏ được khả năng làm việc của mình, anh ta sẽ lại mất việc thôi. Vậy có phải bạn đang lo sao đêm rằm trăng lại sáng không?
Việc bạn cho rằng về mặt tiếp thị, chàng trai này không thành công khi không để lại thông tin để nhà tuyển dụng có thể liên lạc khi cần thì ô hô, nếu cậu ta biết được các qui tắc về tiếp thị chắc chắn cậu ta đã không phải xin việc bằng cách đó.
Việc bạn không thích bạn có thể chỉ trích với tư cách cá nhân khi bàn chuyện phiếm với bạn bè và đồng nghiệp. Nếu con tôi thấy được hình ảnh này, tôi cũng sẽ nói cho con tôi biết cách xin việc của chàng trai này không hay và khuyên con tôi không nên bắt chước cách làm đó. Một nhà giáo dục có thể lấy hình ảnh chàng trai này để dạy các sinh viên cách tiếp thị bản thân sao cho hiệu quả, cách tự nâng cao hình ảnh bản thân để tăng cơ hội tìm được việc làm hơn là tìm sự thương hại từ người khác.
Nhưng việc bạn phê phán một người trên phương tiện thông tin đại chúng lại là chuyện khác. Việc phê phán như thế có đem lại lợi ích gì cho chàng trai đó? Hay chỉ đem đến cho anh ta sự dèm pha bàn tán của những người xung quanh và ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình họ hay càng làm giảm hình ảnh của người này dưới con mắt của các nhà tuyển dụng, càng làm mất đi cơ hội kiếm việc làm của anh ta. Phê phán một người trước mặt nhiều người đã là không nên huống chi phê phán một người trước hàng ngàn thậm chí hàng trăm ngàn người trên mặt báo thì thế nào nhỉ? Bài viết của bạn sẽ còn lưu mãi theo thời gian và có thể sẽ đeo bám cuộc đời của một người bình thường.
Quan trọng hơn hết, bạn biết gì về con người này? Hay bạn chỉ nhìn thấy hình ảnh một người quì gối đeo bảng kiếm việc xuất hiện hàng loạt trên các các phương tiện truyền thông? Tôi cũng như nhiều người, chẳng biết được gì về anh ta. Tôi cũng như bạn, chỉ đọc thông tin của người này trên báo. Bố của H (tên của chàng trai-người viết) cho biết “Lúc mới sinh ra H. hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vài năm sau H có dấu hiệu bất thường về tâm lý, trí nhớ và nhận thức kém nên học hết lớp 6 đã nghỉ học và đã đi xin việc nhiều nơi nhưng không ổn định và xin xác nhận chính quyền địa phương lý lịch đi xin việc khoảng 100-200 lần”.(1) Tôi không có điều kiện để xác minh thông tin này có chính xác hay không nhưng nếu đây là thông tin chính xác thì chúng ta nghĩ gì? Chúng ta đòi hỏi gì ở một người có sự phát triển trí tuệ không bằng những người bình thường khác? Tự xét bản thân mình, tôi thấy chàng trai này chắc hẳn hơn tôi ở sự kiên nhẫn để đeo đuổi một mục đích. Một chàng trai với một trí tuệ không bằng người đã nộp khoảng 100-200 đơn xin việc mà vẫn không từ bỏ mong ước của mình là tìm được một công việc để không phải ăn bám bố mẹ. Chỉ cần mỗi chúng ta, đặt ra một mục tiêu tốt đẹp nào đó cao hơn tầm với của mình và đeo đuổi mục tiêu như chàng trai ấy cho đến khi đạt được nó chắc hẳn xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Vậy chàng trai đó có đáng bị phê phán một cách công khai như vậy không?
Bạn ơi, hãy thận trong khi phán xét một ai đó, khi chúng ta chưa hiểu rõ họ thế nào và nhất là khi phán xét họ trên các phương tiện truyền thông.
Bình luận (0)