Không lẽ bất lực nhìn học viên cai nghiện lai rai… trốn trại?

08/11/2016 10:05 GMT+7

Hàng loạt vụ việc học viên cai nghiện thoát ra rồi bị bắt vào, bắt vào rồi lại thoát ra, phần nào thể hiện sự lúng túng của các trung tâm cai nghiện.

Chưa đầy 2 tuần, vào trưa 6.11, người dân khu vực xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) lại một phen kinh hãi, khi lần nữa hơn trăm học viên ở trung tâm cai nghiện đóng tại đây lại đập phá trại, tràn ra đường.
Đây cũng không phải là lần thứ hai. Chỉ trong vòng 40 ngày, tại trung tâm này đã xảy ra 4 vụ học viên trốn trại, mà đình đám và kinh hoàng nhất là vụ việc gần 600 học viên phá trại tràn ra đường đập phá và cướp giật đêm 23.10. Trước đó, ngày 25.9 và 17.10 có 26 học viên nơi đây cũng đã phá hàng rào, vượt ra ngoài.
Đó chỉ mới là một trung tâm ở Đồng Nai. Còn trên cả nước, hòa vào bản “đồng ca”… trốn trại, là hàng loạt vụ việc, với hàng trăm học viên trốn thoát. Trong vòng 1 tháng của năm 2016 này, một trung tâm ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị 2 lần học viên phá tường rào với hơn 500 người trốn ra ngoài.
Khá lâu hơn, trong hai năm 2010 và 2014, hai trung tâm ở Hải Phòng cũng bị học viên phá tường trốn ra, một lần hơn 400 người và một lần hơn 500 người.
Liên tục và hàng loạt. Những vụ trốn trại của học viên cai nghiện để lại không ít đau đầu cho cơ quan quản lý cũng như cơ sở cai nghiện. Và, liên tiếp 4 vụ học viên ở Trung tâm Đồng Nai trốn trại gần đây nhất, có lẽ đến lúc buộc các cơ quan quản lý đã phải trả lời chính xác hơn cho câu hỏi: Làm thế nào để quản lý tốt học viên cai nghiện, để không còn diễn ra cảnh tượng hãi hùng này?
Người ta đã đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải. Theo như thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho là “Do các trung tâm tuyên truyền giải thích chưa đến nơi đến chốn”, “Học viên sợ ra tòa, đưa đi cai nghiện 12-24 tháng”, và sự quá tải cùng với lực lượng nhân viên quá mỏng. Ví như trung tâm Đồng Nai, thiết kế sức chứa chừng 600 - 700 học viên, nhưng hiện số học viên lên đến 1.500. Trong khi đó trung tâm này chỉ có 47 cán bộ chuyên trách, 29 bảo vệ.
Riêng dư luận xã hội cũng chia làm 2 luồng về quản lý giáo dục “con nghiện”. Một khuynh hướng là “kỷ luật thép”. Luồng ý kiến này cho rằng người nghiện toàn là những tay anh chị, sừng sỏ ngoài đời, một số lượng khá lớn còn nhiễm HIV nên bất cần đời, do đó rất khó bảo, nên phải áp dụng biện pháp cứng rắn. “Phe” ngược lại ôn hòa hơn, cho rằng cũng với những đặc điểm trên của người nghiện thì không có biện pháp cứng rắn nào khiến họ còn phải “mềm”, mà chỉ còn cách lấy sự quan tâm và nhẹ nhàng mới thu phục được. Luồng ý kiến này bám vào quan điểm, người nghiện hoàn toàn không phải bị mất hết nhân cách, không mất quyền công dân, nên không thể cư xử, áp dụng hình thức như với tội phạm.
Nguyên nhân nào cũng đúng, giải pháp nào cũng có lý. Bài học nào cũng đã được rút ra. Nhưng những năm qua, gần như năm nào cũng lai rai có trại viên trốn trại!
Một điều dễ thấy nhất, là khi học viên trốn trại ra ngoài, nghĩa là họ vẫn mong muốn được tiếp xúc, được sống trong cộng đồng xã hội bình thường. Hành vi đập phá, có thể chỉ là để thỏa mãn cảm giác bị kìm hãm nhiều ngày. Điều này buộc những người làm công tác cải tạo giáo dục phải ngẫm lại: Cơ quan quản lý có làm được, tạo ra môi trường trong trung tâm cai nghiện tương tư như môi trường xã hội bên ngoài, hay là nó mang hình mẫu của cơ sở cách ly, tách biệt?
Không ai muốn sống rời cộng đồng, không ai muốn nếm cảm giác như mình bị cách ly, giam cầm. Việc hàng trăm học việc trốn trại tràn ra ngoài, thiết nghĩ cái khát khao được trở lại với không khí cộng đồng còn lớn hơn cả việc thoát ra vì thèm thuốc. Có thể nói, với con người, càng bị cách ly giam hãm thì niềm mong muốn trở về với cộng đồng ngày càng lớn, trở thành nỗi khát khao.
Từ đây, người viết táo bạo nêu một gợi ý, dù có áp dụng giải pháp cứng rắn hay mềm mại đi nữa, có lẽ các trung tâm nên nới lỏng việc cách ly tuyệt đối học viên với thế giới bên ngoài. Còn thực hiện điều này, làm thế nào để ngăn chặn việc tiếp tế hoặc lợi dụng để mua thuốc, là điều đặt ra nhưng thiết nghĩ không quá khó.
Bên cạnh đó, có lẽ cơ quan quản lý cũng nên tính tới việc tạo ra trong trung tâm một môi trường tương tự xã hội bên ngoài, có thể sẽ giúp học viên thỏa mãn được cái cảm giác bị cách ly, “cầm tù”. Yếu tố này cũng có thể giúp giải quyết hoặc ít ra cũng giảm được tình trạng vượt tường trốn trại chăng?
Qua các thông tin được cung cấp từ cơ quan quản lý, ở các trung tâm cai nghiện này ngoài việc tổ chức cho học viên lao động (cũng là một bài tập cai nghiện vào giáo dục nhân cách), vẫn có các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt giao lưu... Đó là những điều đã làm được, đương nhiên là tốt. Tuy nhiên, có thể thiết kế một mô hình bên trong trung tâm giống với mô hình xã hội bên ngoài, là bước nâng cấp lên cao hơn, có thể hiệu quả còn tăng lên hơn nữa. Đương nhiên là để làm được điều này, phải có đầu tư và có quá trình nghiên cứu mô hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.