Kiến trúc gần dân

15/08/2016 09:36 GMT+7

Ý định dời đi chỉ sau chưa đầy 2 năm đưa vào sử dụng của Trung tâm hành chính Đà Nẵng đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý đô thị hiện nay.

Khoa học kỹ thuật phát triển giúp giải quyết chuyện "nóng, thiếu oxy" trong các toà nhà kính và việc xây dựng những công trình hàng trăm tầng không còn là vấn đề lớn nữa. Nhưng việc chọn xây cao 34 tầng để làm biểu tượng cho sự phát triển của Đà Nẵng rồi bọc kính lại thì e là không hợp với thể loại công trình mà tính gần dân nên được ưu tiên hàng đầu.
Trung tâm hành chính là nơi làm việc của hàng ngàn cán bộ, công chức và là nơi người dân thường xuyên đến giải quyết công việc hàng ngày nên việc đảm bảo an toàn và tổ chức các luồng giao thông thuận tiện ở khu vực này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các nhà chuyên môn. Ngoài ra, hình thức kiến trúc của công trình điểm nhấn cho cả đô thị này phải làm sao vừa mang tính uy nghi của một cơ quan công quyền nhưng đồng thời vừa mang tính mềm mại gần dân là bài toán khó khăn mà bất kỳ kiến trúc sư nào cũng phải tìm lời giải.
Với thể loại này, nên chọn khu đất nào rộng hơn, chỉ xây cao 3 - 4 tầng, mật độ xây dựng thấp, xung quanh là cây xanh kết hợp các không gian nghệ thuật công cộng cho người dân và du khách thưởng lãm sẽ là lựa chọn thích hợp hơn.
Vì cấp công trình đặc biệt nên theo luật, cần tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc rộng rãi chứ không nên chỉ định cho bất kỳ đơn vị nào. Và dù không tin tưởng các đơn vị kiến trúc trong nước thì cũng đừng nên "khoán trắng" khâu thiết kế cho nước ngoài vì để giành được hợp đồng thì ngay cả những tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới cũng sẵn sàng "nịnh" chủ đầu tư bằng những "cảm hứng sáng tác" hay "ý tưởng thiết kế" chẳng ăn nhập gì đến chuyên môn. Trường hợp thi thiết kế tháp dầu khí cao nhất Việt Nam cách đây mấy năm là một ví dụ điển hình. Tập đoàn kiến trúc Mỹ Pelli Clarke Pelli đã giành giải nhất cuộc thi với phương án lấy "cảm hứng" từ chính logo của tập đoàn Dầu khí, với khối tháp văn phòng cao 79 tầng tượng trưng cho 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói vậy để thấy, cũng như mọi ngành nghề kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, khó có một sản phẩm tốt nếu thiếu đi sự cạnh tranh và tác phẩm kiến trúc có thành công hay không, ngoài năng lực của đơn vị thiết kế và các nhà thầu liên quan, còn cần ở chủ đầu tư nhiều thứ khác nữa.
Quay lại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, nếu phải di dời thì điều đầu tiên là cần nghiêm túc làm rõ trách nhiệm các đơn vị, tổ chức liên quan. Hơn thế, để tránh sai sót trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính mới, cần tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc và trưng bày, triển lãm các phương án để nhân dân góp ý. Điều này sẽ góp phần khiến Trung tâm hành chính mới trở thành công trình bền vững, mang tính biểu tượng cho Đà Nẵng và xứng đáng là nơi "đáng làm việc" cho hàng ngàn công chức của thành phố đáng sống này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.