Đà Nẵng cần quy hoạch một khu quốc tế gồm nhiều con đường mang tên các thành phố nước ngoài theo thỏa thuận kết nghĩa. Đây sẽ là nơi thể hiện bản sắc văn hóa, thương mại, dịch vụ của nhiều nước, thu hút khách du lịch...
Thành phố bên sông Hàn lộng lẫy về đêm - Ảnh: Nguyễn Tú |
Sau khi thành phố Đà Nẵng tuyên bố sẵn sàng mua ý tưởng của dân, tôi có gởi cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng một ý tưởng nội dung cơ bản như sau :
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có quan hệ kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giới như Oakland ( Hoa Kỳ), Pittsburgh ( Hoa Kỳ ), Kawasaki ( Nhật Bản), Nizhny Novgorod ( Nga) ... Kết nghĩa với các thành phố trên thế giới là xu thế tất yếu, được chính phủ khuyến khích, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Với vị thế là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam, nổi tiếng là thành phố đáng sống, theo tôi nghĩ, cần quảng bá Đà Nẵng ra thế giới một cách thông minh và hiệu quả mà không tốn tiền. Cụ thể, nên hình thành ở Đà Nẵng một khu vực quốc tế độc đáo, khác biệt, là điểm nhấn đặc sắc về du lịch văn hóa tại châu Á, có sức thu hút mạnh mẽ du khách nước ngoài và nội địa đến Đà Nẵng thông qua hoạt động kết nghĩa . Điều đó đòi hỏi cách nhìn mới và cách làm hoàn toàn mới.
Một nội dung trong thỏa thuận kết nghĩa cần có là thành phố bạn ở nước ngoài lấy “Đà Nẵng" (kèm biểu tượng) đặt tên đường, đổi lại Đà Nẵng lấy tên một thành phố kết nghĩa đặt tên một con đường. Thỏa thuận này sẽ tạo bước ngoặt to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Đà Nẵng - Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới một cách lâu dài, căn cơ.
Đà Nẵng cần quy hoạch một khu vực mới gồm nhiều con đường, mỗi con đường mang tên thành phố nước ngoài theo thỏa thuận kết nghĩa. Quan trọng nhất, Đà Nẵng cần đề nghị chính quyền thành phố kết nghĩa giúp đỡ để tạo một số điểm nhấn đặc trưng cho kiến trúc – văn hóa và phong cách kiến trúc của đất nước họ, dân tộc họ, thành phố họ trên con đường mang tên thành phố nước họ tại Đà Nẵng. Như vậy, mỗi con đường mang tên thành phố nước ngoài sẽ là hình ảnh thu nhỏ của thành phố đó, nước đó.
|
Khi hình thành khu vực mới như trên, tức là có không gian kiến trúc mang đặc trưng văn hóa các nước thì hàng năm có thể tổ chức rất nhiều tuần lễ hội văn hóa của các nước và Việt Nam để cuốn hút du khách đến Đà Nẵng. Các tuần lễ hội văn hóa đường phố quốc tế này cùng với các thắng cảnh hiện nay, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế sẽ tạo ra sức hấp dẫn mới không chỉ thu hút khách lưu trú dài ngày ở Đà Nẵng mà còn làm phong phú tour 3 di sản thế giới ở Quảng Nam và Huế. Như vậy, khi lựa chọn thành phố để kết nghĩa thì ngoài yếu tố giàu mạnh về kinh tế, có nhiều sắc thái kiến trúc độc đáo thì yếu tố văn hóa, các lễ hội đường phố độc đáo là các tiêu chí cần được Đà Nẵng hết sức chú trọng.
Tất nhiên, tại khu vực này sẽ phát triển hàng lọat các họat động thương mại – du lịch - dịch vụ - tài chính. Rêng dịch vụ sẽ có phần độc đáo – khác biệt: ví dụ, Nhà hàng Pháp được người Pháp kinh doanh ngay trên đường phố mang tên thành phố của Pháp. Không gian mới đầy hấp dẫn và khả năng sinh lợi cao này cũng là nơi thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, đem tinh hoa thế giới về với mình
***
Câu hỏi đặt ra là liệu các thành phố nước ngoài có sẵn sàng giúp đỡ để tạo một số điểm nhấn đặc trưng cho kiến trúc – văn hóa của đất nước họ, dân tộc họ, thành phố họ trên con đường mang tên thành phố nước họ tại Đà Nẵng? Tôi nghĩ đây chính là vấn đề lợi ích: cả 2 bên – thành phố Đà Nẵng và thành phố nước ngoài đều có rất nhiều lợi ích khi tham gia dự án. Lợi ích khổng lồ mà họ sẽ được là xây dựng hình ảnh lâu dài và bền vững của họ không chỉ trong tâm trí của trên 90 triệu người Việt Nam thời hiện tại, mà còn với nhiều thế hệ tương lai. Đồng thời, Đà Nẵng là cửa ngõ giao lưu với nhiều nước nên hình ảnh thành phố nước họ còn tác động đến nhiều triệu du khách nước ngoài hàng năm đến thăm khu phố, nhất là vào các dịp tổ chức lễ hội văn hóa các nước. Ngoài ra, các nhà kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội làm ăn tại con phố mang tên thành phố nước họ. Chính lợi ích sẽ thúc đẩy họ nhanh chóng giúp đỡ, hợp tác trong dự án này.
Một Đà Nẵng thanh bình - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Ý tưởng hình thành “Khu vực quốc tế” dựa trên cách tiếp cận hoàn toàn mới, tổng hợp cả chính trị - ngoại giao – kinh tế - văn hóa. Cách tiếp cận này lại dựa trên nhận thức về thời đại chúng ta đang sống bây giờ đã khác: Việt Nam đã khác, Đà Nẵng đã khác vì thế giới đã khác. Đó là thời đại hội nhập toàn cầu, chúng ta đang hòa nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới, chính xu thế này đòi hỏi phải có cách làm hoàn toàn mới nhằm tạo nên cho thành phố Đà Nẵng những giá trị độc đáo.
Có lẽ, chính vì thế, sau khi thẩm định, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã có công văn trình UBND thành phố với nhận xét: việc đặt tên đường các thành phố kết nghĩa với quy mô lớn để tạo thành một khu vực quốc tế là chưa có tiền lệ. Sở Ngoại vụ đánh giá, đây là ý tưởng rất thú vị, việc đặt tên Đà Nẵng tại thành phố bạn có thể mang lại hiệu quả quảng bá cao. Và sau khi khảo sát, Sở Ngoại vụ đề xuất lên UBND thành phố địa điểm để triển khai ý tưởng là khu An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Nơi này được đặt tên là Khu vực Hữu nghị, thể hiện “Đà Nẵng – Hội tụ 5 châu”.
Cho dù Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã có đề xuất cụ thể, nhưng đế ý tưởng biến thành hiện thực đòi hỏi phải có tầm nhìn, khao khát, ý chí lớn và cả sự khôn khéo. Còn khó khăn ư? Xin hỏi: xưa nay, có ý tưởng nào mới mẻ, đột phá có tác động ảnh hưởng lớn mà khi triển khai lại không gặp khó khăn, trở lực?
Bình luận (0)