Những nữ hiệp sĩ sa ri hồng

09/03/2016 15:04 GMT+7

'Xã hội sẽ chỉ thay đổi khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn những vai trò mang tính lệ thuộc nhất định của phụ nữ. Cuộc cách mạng này phải đến từ chính chúng tôi.'

'Xã hội sẽ chỉ thay đổi khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn những vai trò mang tính lệ thuộc nhất định của phụ nữ. Cuộc cách mạng này phải đến từ chính chúng tôi.'

Các thành viên Gulabi Gang trong một cuộc biểu tình ở Allahabad tháng 7.2010 - Ảnh: ReutersCác thành viên Gulabi Gang trong một cuộc biểu tình ở Allahabad tháng 7.2010 - Ảnh: Reuters
Janki Devi lúc ấy 15 tuổi, yêu say đắm Anand Kumar một chàng trai hai mươi nhưng hai người đã khiến bố mẹ họ trở nên cạch mặt nhau.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tại các vùng nông thôn của bang Uttar Pradesh và các nơi khác trên khắp Ấn Độ tuỳ theo mức độ mà mối quan hệ trai gái vẫn còn là sự sắp đặt của hai gia đình dựa trên sự tính toán các yếu tố đẳng cấp, tình trạng kinh tế và các mối quan hệ chính trị giữa hai gia tộc. Họ bảo tình yêu rồi sẽ lớn dần theo thời gian.
Phương trình tình yêu của Janki và Anand đã không tìm được nghiệm là sự môn đăng hộ đối theo kì vọng của những người lớn. Tuy nhiên, họ đã tìm cách kết hôn trong bí mật để "gạo đã thành cơm" như một nỗ lực của sự phản kháng.
Cuối cùng, theo tục lệ truyền thống, Janki đã rời nhà mình để đến sống ở nhà chồng.
Nhưng một cơn ác mộng khác đã đổ ập xuống cuộc đời cô. Khi cha mẹ của Anand biết cô không thể thụ thai đã dội xăng vào người cô và châm lửa đốt. Hàng xóm gần đó đã đưa cô vào viện, dù tích cực được chữa chạy nhưng đêm đó cô đã qua đời.
Janki chỉ là một trong 300.000 phụ nữ Ấn Độ mỗi năm phải chịu bạo hành giới ở một quốc gia mà theo thống kê chính thức từ năm 2013, mỗi 10 phút có một người phụ nữ bị bắt cóc và 20 phút lại có một người bị hãm hiếp.
Trên thực tế, những con số này vẫn chưa phản ánh được sự tàn bạo ở đất nước này. Tuy nhiên, những vụ việc như thế thường “chìm xuồng” nhanh chóng và các nạn nhân phải chết trong tức tưởi ở một đất nước mà nền luật pháp bị lũng đoạn bởi yếu tố giai cấp.
Cha của Janki sau khi đã thất bại trong việc đòi cảnh sát khởi tố vụ án vì gia đình Anand thuộc đẳng cấp cao hơn và có mối quan hệ mật thiết với các quan chức địa phương, ông đã quyết định tìm công lý qua một tổ chức dân sự tên Gulabi Gang hay còn được biết đến với tên gọi Nhóm chị em sari hồng có trụ sở tại Badausa.
Được thành lập vào năm 2006, hiệp hội với hơn 400.000 thành viên là phụ nữ trên toàn Ấn Độ đã trở thành nỗi khiếp sợ của những kẻ hiếp dâm, người nghiện và cảnh sát lạm quyền.
Sở dĩ có được điều này là bởi người sáng lập ra nó, bà Sampet Pal Devi không hề chùn bước trước những phiền phức có thể xảy đến.
Từ khi 16 tuổi, chứng kiến cảnh hàng xóm thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người vợ của ông ta, bà đã yêu cầu ông ta ngừng tay nhưng gã đàn ông đó lại càng khiêu khích và lạm dụng bà.
Ngày hôm sau, bà đã quay trở lại với một thanh gậy tre cùng 5 chị em khác dạy cho ông ta một bài học. Tất cả hè nhau đè bẹp ông ta xuống đường cho đến khi ông ta cất tiếng xin lỗi công khai.
Tin tức nhanh chóng lan đi, những người đàn bà khác bắt đầu tìm đến bà nhờ can thiệp trong những vụ việc tương tự và họ tự nguyện gia nhập đoàn quân của Sampet để bảo vệ cho những người đàn bà yếu thế khác.
Từ một vụ việc hoàn toàn tự phát, những người đàn bà này đã nhanh chóng thiết lập một mạng lưới quy củ hơn. Năm 2006, họ thống nhất đặt tên tổ chức là Gulabi Gang, lấy màu áo sơ ri hồng làm đồng phục, lấy gậy gộc làm vũ khí.
Vụ việc của Janki như bao vụ việc khác, bà Sampet sau khi tiếp nhận thông tin liền nhấc máy mà gọi cho cảnh sát ngay tắp lự và yêu cầu họ mở cuộc điều tra hoặc là phải đối mặt với đám đông phụ nữ giận dữ tụ tập trước văn phòng của họ.
"Tôi không chủ trương bạo lực nhưng đôi khi đó lại là phương thức duy nhất để chiến đấu". Bà giải thích về phương châm hành động của tổ chức. Có lẽ chính điều đó lại đem lại sự hiệu quả không ngờ khi chính quyền thường phải chấp nhận những yêu sách hết sức chính đáng từ bà.
Ngược dòng thời gian, cũng đã rất nhiều lần những cảnh sát lạm quyền đã phải trả giá cho những hành vi sai trái của họ. Bà sẵn sàng đánh một cảnh sát hay lôi một quan chức ra khỏi xe của ông ta để yêu cầu sửa đoạn đường hư hỏng trong thời gian ngắn nhất.
Sampet chẳng ngại ngần khi tuyên bố "Xã hội sẽ chỉ thay đổi khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn những vai trò mang tính lệ thuộc nhất định của phụ nữ. Cuộc cách mạng này phải đến từ chính chúng tôi".
Chính những tham vọng đầy sự nhân văn này mà những người đàn bà chân yếu tay mềm trong màu áo sơ ri hồng, tay cầm gậy ngày càng khuếch trương được uy lực của mình trong việc đòi hỏi những giá trị sống, sự công bằng, lẽ phải.
Họ khiến cảnh sát khiếp sợ khi tự lực bảo vệ trật tự xã hội nhưng nhìn ở một khía cạnh rộng hơn đó lại là bi kịch của một đất nước vô pháp như chính Sampet đã phải thừa nhận: "Xóa bỏ tình trạng tảo hôn và truyền thống của hồi môn, hành động kiên quyết chống bạo lực gia đình, và thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ thông qua giáo dục và nhận thức xã hội. Nhiều người cho rằng đó là những quyền đã được hiến định, nhưng trên thực tế luật pháp lại không song song với thực tiễn. Chúng ta đang sống trong một chế độ khuynh hướng bạo lực lan rộng trong mọi tầng lớp, đặc biệt là cảnh sát và các chính trị gia ở cấp cao nhất. Nếu chúng ta không tự cứu mình, không thể trông đợi vào ai".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.