Thất nghiệp nên làm càn?

07/10/2016 11:50 GMT+7

Tháng mười, những cơn mưa bất chợt cứ đổ về trên phố Sài Gòn. Thi thoảng, tôi tạt vào quán nhỏ cà phê trước nơi làm việc, lặng nhìn dòng người tất bật trên phố. Thấy mình vẫn còn hạnh phúc vì còn có thứ để mà theo đuổi.

Chiều nay, Sài thành lại mưa, tôi lại hẹn hò chốn cũ với ly cà phê đang tí tách nhỏ giọt. Giọng một cậu trai trẻ ở bàn bên cạnh vang lên phá vỡ không gian tĩnh mịch: “Ê, mày! Báo vừa đăng tin cử nhân Luật thất nghiệp đi trộm chó kìa. Tao cũng cử nhân Luật, run cả mình”.
Nghe xong câu nói của cậu, một cảm giác như là khó chịu và nỗi buồn mênh mang chợt kéo đến. Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện thạc sĩ…đi học trung cấp; thạc sĩ, kỹ sư dắt nhau về quê bán… bún. Và rồi tôi thấy buồn vì sao người ta cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Tôi cũng là cử nhân, sau khi ra trường loay hoay với nghề nghiệp. Thi công chức lận đận mấy bận, đành đi dạy hợp đồng 5 năm. Đồng lương giáo viên ít ỏi, nhưng như ông bà thường hay nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tôi dần sắp xếp ổn thỏa mọi thứ.
Đến khi trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, lượng sinh viên ít, giờ dạy của giáo viên cũng ít, nhà trường cắt hợp đồng với tôi. Tôi lúc ấy chẳng khác tôi 5 năm trước khi mới ra trường là mấy. Nhưng tôi không hụt hẫng, tôi vùng vẫy, đi khắp nơi để tìm cơ hội mới trong một xã hội “không bằng phẳng” và rồi bén duyên với công việc hiện tại.
Tôi nhìn sang bức ảnh của người được đề cập trong cuộc nói chuyện của bàn bên cạnh, chàng trai không phải quá trẻ, mang danh tiếng là từng trúng tuyển hệ chính quy một trường Đại học danh tiếng ở TP.HCM. Dù chưa tốt nghiệp, chưa nhận tấm bằng cử nhân Luật nhưng với lý do thất nghiệp nên dùng bả trộm chó để kiếm sống. Trong ảnh, anh ta bậm môi, mắt nhìn xuống, ngồi trước cơ quan điều tra. Tôi khó chịu, nói thẳng ra là tôi không đồng ý, tôi ghét ai có suy nghĩ ấu trĩ: Thất nghiệp nên làm càn!.
Dẫu biết rằng, thất nghiệp là vấn đề không phải của riêng ai. Nhưng có đáng không khi đất nước như một con tàu vươn xa ngoài biển lớn, thì mỗi cá nhân, mỗi con người VN như những thành viên trên con thuyền ấy cũng phải vươn khơi? Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đầy sự thông minh tỉnh táo để tự vực mình thoát khỏi tình trạng thất nghiếp, tôi không chấp nhận sự khoan nhượng trong suy nghĩ, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đó là chưa kể nói đến vấn đề đạo đức con người.
Quay lại câu chuyện của những thạc sĩ học lại trung cấp, những kỹ sư dắt nhau về quê bán… bún, họ dám vượt qua chính mình và đã thành công. Họ sẵn sàng học làm thợ, để có thêm cơ hội, họ sẵn sàng làm lại từ đầu mặc cho tốn thời gian, tiền bạc để phù hợp với tình hình thực tế. Xã hội biến đổi, để thích nghi buộc ta cũng phải thay đổi.
Thất nghiệp sẽ là chuyện muôn thuở nếu như chúng ta cứ mãi khoan nhượng cho suy nghĩ của mình: thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân thì phải làm việc đúng ngành, đúng nghề, phải xứng tầm.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng bào chữa hay khoan nhượng cho bất cứ điều gì. Ta phải vượt qua được chính mình, phải thay đổi để thích nghi, để cho mình những cơ hội tốt nhất trước nhịp sống, để hóa giải hai tiếng “thất nghiệp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.