Thư gởi ông Võ Văn Thưởng

01/02/2016 06:39 GMT+7

Người lãnh đạo chỉ có thể hiểu đúng thực trạng của tình hình, hiểu đầy đủ tâm tư của công chúng khi "vi hành".

Người lãnh đạo chỉ có thể hiểu đúng thực trạng của tình hình, hiểu đầy đủ tâm tư của công chúng khi "vi hành".

Ông Võ Văn Thưởng (áo xanh, bên trái) khi còn là bí thư tỉnh Quảng Ngãi vẫn trực tiếp tiếp nhận và giải quyết bức xúc của ngưởi dân địa phương - Ảnh: Hiển CừÔng Võ Văn Thưởng (áo xanh, bên trái) khi còn là bí thư tỉnh Quảng Ngãi vẫn trực tiếp tiếp nhận và giải quyết bức xúc của ngưởi dân địa phương - Ảnh: Hiển Cừ
Trả lời câu hỏi: “Cá nhân ông sẽ lắng nghe người dân thông qua kênh nào?” của một tờ báo, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên trẻ nhất bộ chính trị khóa 12 vừa mới được bầu, nói: “Gặp gỡ trực tiếp là quan trọng nhất, ngoài ra thông qua phản ảnh của đại biểu Quốc hội, HĐND, thông qua các báo cáo nghiên cứu dư luận xã hội, của MTTQ và đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng và các cơ quan truyền thông, báo chí. Thông qua những kênh đó, tâm tư của dân được lãnh đạo TPHCM cập nhật hàng ngày”.
Tôi viết thư ngỏ này đến ông để xin bổ sung một kênh cực kỳ quan trọng của người lãnh đạo, đó là "vi hành".
Mấy chục năm qua, từ chuyện vĩ mô là hoạch định đường lối chính sách, ban hành luật pháp cho đến chuyện vi mô là các cơ quan quản lý ra quyết định giải quyết từng vấn đề cụ thể, bài học chung là khi nào những người có thẩm quyền nắm đầy đủ tình hình thực tế khách quan, tường tận các ngóc ngách, ẩn tình bên trong của sự việc, hiểu biết đúng và đầy đủ các yêu cầu do thực tế đặt ra, nắm được quy luật vận động và trong phát triển thì chính sách, pháp luật, thì giải pháp đưa ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và giải quyết được các vấn đề do cuộc sống đặt ra. Nếu ngược lại thì chính sách, pháp luật, giải pháp đưa ra sớm muộn gì cũng chết yểu, tệ hơn, còn góp phần làm cho đất nước tụt hậu, làm tổn hại đến uy tín của cơ quan và người ra quyết định.
Theo tôi, để lãnh đạo TPHCM hiểu đúng và đầy đủ thực tế, có lẽ không có cách gì hữu hiệu hơn là "vi hành".
Ngày 20.8.2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “cải trang” khi tham dự buổi làm việc của đoàn công tác do Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung dẫn đầu với một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng về một số giải pháp pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau khi lắng nghe các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải thốt lên: “Nếu không trực tiếp nghe, tôi không tưởng tượng có những chuyện như vậy!”.


Lãnh đạo vi hành là để không bị che khuất bởi tầng nấc hành chính, để hiểu đầy đủ thực trạng, hiểu đúng lòng dân, từ đó có quyết sách, giải pháp phù hợp. Vi hành cũng còn là phương cách hữu hiệu để trị bệnh vô cảm, đề nuôi dưỡng cảm xúc cách mạng mà người lãnh đạo chân chính cần phải có.

Chắc chắn rằng, thời gian trước kia, với trọng trách của mình, nhất là khi giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Đam cũng đã từng đọc nhiều báo cáo, xem nhiều biên bản ghi ý kiến phản ảnh vướng mắc của doanh nghiệp do các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, các tỉnh thành trình lên chính phủ, nhưng phải đến khi được trực tiếp mắt thấy tai nghe các bức xúc của doanh nhân thì vị lãnh đạo này mới vỡ lẽ rằng: À, có những chuyện vô lý ngoài sức tưởng tượng nhưng vẫn tồn tại trong thực tế!
Tôi nghĩ rằng, khi đọc báo cáo của cấp dưới, cho dù báo cáo phản ảnh đầy đủ trung thực các vướng mắc và những ý kiến đóng góp đến đâu đi nữa, thì người lãnh đạo cũng không thể đọc được thái độ, không cảm được nỗi bức xúc thể hiện qua giọng nói, cử chỉ, không thấy được ánh mắt mệt mỏi, chán chường... của những người phát biểu. Đó là chưa kể đến việc cấp dưới làm báo cáo không đạt yêu cầu hoặc cố tình che dấu sự thật hay một phần sự thật.
Người lãnh đạo chỉ có thể hiểu đúng thực trạng của tình hình, hiểu đầy đủ tâm tư của công chúng khi "vi hành". Mục đích của "vi hành" là để lãnh đạo biết sự thật: chính sách, pháp luật, các chỉ đạo đã và đang được triển khai trong cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao, có phù hợp với đòi hỏi của thực tế hay không? Các vướng mắc cần tháo gỡ thực sự là gì?
"Vi hành" cũng để kiểm tra, đánh giá mức độ trung thực của các báo cáo do cấp dưới đệ trình, nhất là các báo cáo thành tích. Vi hành để biết nhân dân thực sự nghĩ gì về lãnh đạo và bộ máy thừa hành có quan hệ trực tiếp hàng ngày với nhân dân… Chắc chắn rằng những điều rất quan trọng này – có mối quan hệ sinh tử trong quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân không bao giờ lãnh đạo có thể tìm thấy trong các báo cáo hành chính.

Mục đích của vi hành là để lãnh đạo biết sự thật: chính sách, pháp luật, các chỉ đạo đã và đang được triển khai trong cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao, có phù hợp với đòi hỏi của thực tế hay không? Các vướng mắc cần tháo gỡ thực sự là gì?


Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước với cả chục triệu dân. Để đưa ra được phương hướng, mục tiêu và giải đáp đúng, đáp ứng lòng dân, thì rất cần cán bộ lãnh đạo các cấp "vi hành". Muốn biết và cảm nhận được nỗi khổ, sự mệt mỏi do phải chờ đợi của người bệnh thì cứ 5 giờ sáng, mời các vị "vi hành" đến bệnh viện công tuyến trên để cùng chờ đăng ký khám bệnh, cùng chờ được khám bệnh, cùng chờ lấy đơn thuốc, cùng chờ nhận thuốc để biết thế nào là khám bệnh 2 phút nhưng phải tốn cả buổi, thậm chí cả ngày chờ đợi. Tương tự, hãy cải trang là doanh nghiệp và vi hành để biết đầy đủ sự thật về quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, những vất vả khi hoàn thuế và bao nhiêu con dấu để xin được giấy phép xây dựng…
Tuy nhiên, "vi hành" không chỉ là cấp lãnh đạo cải trang, đóng giả một vai trò thích hợp để tiếp cận thực tế . Báo chí từng nêu cách mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm để hiểu hết “bụng dạ” của giới nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ cũng là hình thức "vi hành" của lãnh đạo. khi còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đã đề nghị báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc gặp gỡ với anh chị em nghệ sỹ trên địa bàn thành phố để các nghệ sỹ nói hết những chuyện ruột gan với các nhà báo, còn ông thì bí mật ngồi nghe sau một bức màn. Do không có lãnh đạo cao cấp ngồi dự nên các nghệ sỹ nói hết thực trạng đáng báo động: hơn 3 năm sau ngày giải phóng, tức giai đoạn 1978 – 1979, mà nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân vẫn chưa bình thường, người dân muốn nghe ca nhạc chẳng biết đi đâu và sẽ được nghe những bản nhạc nào vì phòng trà ca nhạc đóng cửa hết, ban đêm thành phố buồn hiu. Các nghệ sỹ nói không chút e dè và nhờ vậy Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt đã nắm được thực chất của tình hình. Sau cuộc nghe bí mật đó của ông Võ Văn Kiệt, hàng loạt tụ điểm ca nhạc ngoài trời đã được tổ chức trong khắp thành phố.
Tóm lại, lãnh đạo "vi hành" là để không bị che khuất bởi tầng nấc hành chính, để hiểu đầy đủ thực trạng, hiểu đúng lòng dân, từ đó có quyết sách, giải pháp phù hợp. "Vi hành" cũng còn là phương cách hữu hiệu để trị bệnh vô cảm, đề nuôi dưỡng cảm xúc cách mạng mà người lãnh đạo chân chính cần phải có.
Mong rằng sắp tới, ông Võ Văn Thưởng và lãnh đạo TPHCM thường xuyên "vi hành" để hiểu dân và lo được cho dân. Làm được như vậy chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến bộ máy cấp dưới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.