Thư gửi các cô giáo mầm non

18/02/2017 19:43 GMT+7

Là một người mẹ có con nhỏ, mỗi khi đọc, xem những clip trẻ ở độ tuổi mầm non bị cô giáo mình đánh đập dã man, thú thật với các cô, tôi không cầm được nước mắt, không dám xem hết clip tàn nhẫn ấy…

Vì vậy, tôi xin mạo muội viết những dòng này gửi đến các cô!

Bản thân tôi cũng tự đặt mình vào vị trí của các cô giữ trẻ. Tôi từng đứng lặng im trước những lớp học của trẻ mầm non, để chứng kiến cảnh các cô giáo “tả xung hữu đột” trước sự nháo nhào của mấy chục đứa trẻ chỉ biết quậy phá, bi bô vô tư, cơm ăn còn phải đút, đi vệ sinh phải có cô giáo giúp rửa ráy… Những khi ấy, thấy thương cho cô giáo vô cùng. Tôi nghĩ, ở nhà, nếu chỉ có trên 2 đứa trẻ quậy phá, nghịch ngợm, gặp lúc stress trong công việc, thật không dễ để mình quả quyết là mình có thể điềm đạm, nhỏ nhẹ với chúng.

Nhưng, đánh trẻ để trút giận, để hành hạ cho thỏa mãn cơn giận dữ như trường hợp của các cô giáo mầm non trong nhiều clip đăng tải những ngày vừa qua, thật không thể chấp nhận được!

Tôi có nhiều người quen là giáo viên mầm non, khi xem đồng nghiệp họ đối xử với trẻ, họ cũng rùng mình, lắc đầu. Nhưng, cũng nhiều giáo viên mầm non mà tôi quen biết, cũng đặt câu hỏi: “Làm sao không đánh trẻ mà trẻ vẫn nghe lời?”.

Tôi nghĩ, thực ra vẫn có cách. Mà những cách tôi chia sẻ ở đây, là những gì tôi đã tìm hiểu và đã trải nghiệm. Tôi có vài chia sẻ như thế này:

Đánh không phải là “hình phạt” duy nhất khiến trẻ nghe lời

Cháu thứ hai của tôi 5 tuổi, hiện đang theo học ở một trường Việt dạy theo phương pháp giáo dục Nhật Bản. Sau nhiều giờ tham gia các chương trình dành cho ba mẹ về cách dạy con, tôi học được ở các cô giáo trong ngôi trường này rất nhiều điều.

Khi trẻ phạm lỗi, cô giáo không hề đánh trẻ mà mời trẻ đến trước mặt và “nói chuyện”. Khi nói chuyện, cô giáo bắt trẻ nhìn thẳng vào mắt mình, giải thích cho trẻ hiểu trẻ đã làm sai điều gì và nhận lỗi. Nếu trẻ vẫn không nhận lỗi, thì sẽ phạt trẻ bằng cách mời trẻ đứng úp mặt vào tường, hoặc đứng vào góc lớp vài phút, vừa để trẻ bình tâm suy nghĩ, vừa để trẻ cảm thấy mình phạm lỗi phải chịu phạt mà không được chơi cùng các bạn. Nặng hơn nữa thì mời trẻ sang đứng ở góc lớp của lớp khác. Không hề có đòn roi. Thỉnh thoảng, tôi vờ dò hỏi vô tình ở trường con và các bạn có bị cô giáo đánh không, con cười hồn nhiên nói: “Cô thương con với các bạn mà, sao mà đánh?”, làm tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tôi cũng thử áp dụng với con mình cách này, và chỉ cần con phạm lỗi, tôi nói: “Mẹ sẽ nói chuyện với con”, thì con đã khóc òa nhận lỗi. Hôm nào bướng bỉnh, nhất định không chịu nhận lỗi, thì chỉ cần đưa con đến gần tường, thì con đã rối rít xin lỗi. Tịnh không có một đòn roi nào từ khi con còn nhỏ đến giờ. Bản thân tôi cũng thấy nhẹ nhõm vì điều ấy. Nhưng, “hình phạt” cũng phải đúng lỗi, đừng phạt sai trẻ sẽ dẫn đến phản tác dụng. Và khi bản thân có lỗi, cũng nên xin lỗi trẻ. Và sau khi phạt, phải dỗ dành và rủ rỉ tâm sự, yêu thương với trẻ.

Giảm tải cho giáo viên bằng việc giáo dục trẻ tự lập

Tôi biết nhiều cô giáo đã quên đi nghề nghiệp của mình là giáo dục, ươm những mầm xanh bằng sự yêu thương, chính do áp lực nghề nghiệp quá lớn. Nhưng, nhiều trẻ em ở các trường mầm non phổ biến hầu như ít có sự tự lập, nên càng khiến các cô giáo mầm non phải "ba đầu sáu tay" mới hết việc. Sự tự lập của trẻ, chính các cô giáo mới là người giúp trẻ rèn luyện.

Một cô giáo là hiệu trưởng một trường mầm non tâm huyết với trẻ chia sẻ cách cô giúp trẻ tự lập, đó là: đối với học sinh ở độ tuổi từ 1-2 tuổi, khi nhận vào, mỗi lớp chỉ 15 trẻ và có đến 4 cô giáo. 15 trẻ này trong vòng 1-2 tháng, sẽ được các cô bày vẻ, hướng dẫn cách tự ăn uống, tự thay áo quần, tự bỏ quần áo bẩn vào bao và bỏ vào cặp, tự lau mặt mũi sau ăn, tự mang dép, tự đi vệ sinh nhẹ…

Và khi 15 trẻ đã thuần thục, thì mỗi nửa tháng nhận vào thêm 2 trẻ mới. 2 trẻ mới sẽ được 2 cô ôm ấp, dỗ dành cho quen môi trường mới và huấn luyện cách tự lập. Cứ vậy nên trẻ ở trong độ tuổi chỉ gần 2 tuổi, đã biết mọi kỹ năng tự lo cho mình, cô giáo cũng đỡ vất vả, bởi ăn không phải đút, quần áo không phải thay giúp, đi vệ sinh nhẹ có thể tự kéo nước…

Các cô giáo thảnh thơi hơn trong việc dạy trẻ, sinh hoạt vui chơi cùng trẻ... Lớp càng lớn, tính tự lập càng cao và càng ít giáo viên. Giảm áp lực rồi, cô giáo sẽ không bị stress bởi núi công việc khổng lồ, sẽ đỡ đi tư tưởng phục vụ trẻ.

Giáo viên cũng phải thường xuyên được giáo dục nhân cách

Có lần tôi hỏi một hiệu trưởng trường mầm non, rằng vì sao cô có thể khiến cho tất cả giáo viên không đánh trẻ? Phải chăng cô theo dõi thường xuyên giáo viên bằng camera. Cô hiệu trưởng tôi quen bật cười, nói cô còn có cả núi công việc, không thể mỗi giây mỗi phút đều theo dõi camera được. Nhưng, cô có cách “tuyên truyền” với giáo viên.

Không chỉ đơn thuần là việc thường xuyên nhắc nhở giáo viên trong cách giáo dục trẻ, mà còn thông qua việc mỗi khi phương tiện thông tin đại chúng có những vấn đề về giáo dục mầm non, các cô trong Ban giám hiệu trường đều tổ chức những cuộc họp, để giáo viên xem clip, bài báo; xem cả những lời bình luận trong những bài viết đó, và nêu lên suy nghĩ của mình. Nhờ những buổi “ngoại khóa” dành cho giáo viên, cũng phần nào giúp cảnh tỉnh giáo viên có cách hành xử đúng với trẻ. Và mỗi lần có thái độ không đúng với trẻ, cũng chùn tay… Nhờ vậy, giáo viên của trường rất hiếm khi đụng tay chân với trẻ.

Tôi nghĩ, đó là cách rất hay, mà các hiệu trưởng nên áp dụng với giáo viên của mình, để phần nào giúp các cô giáo nâng cao nhận thức về nghề nghiệp của mình. Có vậy mới hy vọng, những clip như những ngày vừa qua sẽ không xuất hiện. Và những đứa trẻ bi bô, bi ba không phải gánh chịu bất cứ những trận đòn roi tàn nhẫn từ những người được xem như “mẹ hiền”…

Cho con đến trường để tìm niềm vui, không phải đến để gánh đòn roi vô cớ. Tôi và các bà mẹ, ông bố vẫn luôn mong như vậy đấy, các cô giáo mầm non ạ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.