Ngoài Antonov (AN), Vietnam Airlines còn sử dụng máy bay phản lực Tupolev (TU) cũng do Liên Xô sản xuất. Đó là thời điểm những dòng máy bay Boeing hay Airbus vẫn còn xa lạ với đại đa số hành khách Việt trong nước. Đó cũng là thời diểm các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến TP.HCM chỉ lèo tèo, chưa nhộn nhịp như hiện nay. Do đó nhìn tổng quan mặt đất trên chiếc AN chuẩn bị hạ cánh, thấy phi trường TSN rộng mênh mông. 30 năm sau TSN thay đổi chóng mặt.
Sự “thay đổi chóng mặt” ấy thể hiện ở chỗ những chiếc AN và TU chỉ còn trong kỷ niệm, thay vào đó là Boeing và Airbus, ngoài Vietnam Airlines nay còn có Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vietstar Airlines và chuẩn bị thêm SkyViet nữa. Tín hiệu vui là các hãng hàng không của VN mua máy bay Boeing và Airbus không phải 1, 2 chiếc lẻ tẻ như trước nữa mà đặt hàng cả chục chiếc, thậm chí cả trăm chiếc. Niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn ập tới: TSN hết chỗ đậu máy bay, muốn đáp phải bay lòng vòng trên trời chờ dọn chỗ. Cho dù đã xây thêm nhà ga quốc tế, biến cái Terminal cũ thành Ga hàng không nội địa, TSN vẫn chật chội so với đà tăng trưởng cũng như nhu cầu của các hãng hàng không nội địa lẫn quốc tế. Thấy không ổn, người ta nghĩ đến chuyện phải xây phi trường quốc tế Long Thành trên đất Đồng Nai kế bên mới mong đáp ứng nổi. Cái phi trường mới này chưa biết đến khi nào mới xong và hình thù ra sao vì còn đang…bàn cãi, trong khi sức ép ngày càng đè nặng lên TSN. Lẽ ra đã không cần phải tính đến chuyện xây sân bay Long Thành, nếu…
Đặt chữ “nếu” trong tiến trình phát triển của một đất nước e rằng chẳng giải quyết chuyện gì cả vì mọi việc đã được lịch sử an bài. Song, chữ “nếu” ấy có thể là một nguồn tham khảo giúp chúng ta “sáng suốt” hơn khi hoạch định tương lai.
Cách nay 30 năm, nhiều người trong chúng ta, trong đó có tôi, khó ai nghĩ rằng có ngày người Việt đi máy bay cũng “đông vui”, dễ dàng không thua gì ngồi xe đò và đi du lịch nước ngoài rầm rộ như đi chợ. Nếu biết trước viễn cảnh ấy, chắc chắn đã không có chuyện xây sân golf sát phi đạo và cũng không có chuyện nhà dân “bao vây phi trường” như hiện nay. Nhìn vào bản đồ hành chính khu vực xung quanh phi trường TSN sẽ thấy rõ điều này. Suốt chiều dài dọc theo đường Cộng Hòa tiếp đến Trường Chinh (Q.Tân Bình) nối vào đường Xuyên Á (H.Hóc Môn), phía bên kia là đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) nối vào đường Tô Ký (Q.12) băng qua xa lộ Đại Hàn đa phần là đất quân đội trước 1975, nhà dân cũng có nhưng lác đác không đáng kể. Phần đất đó rộng gấp cả chục lần so với diện tích của TSN hiện hữu. Nói cách khác, diện tích đất ấy dư sức xây thêm 10 cái phi trường giống TSN hiện nay mà chính phủ không phải chi bộn tiền để bồi thường giải tỏa. Rất tiếc là điều ấy đã không diễn ra.
Cũng có ý kiến cho rằng phi trường phải nằm xa đô thị, tức là vùng ven. Xin thưa, phi trường TSN trước 1975 đã nằm ở ven đô, cả vùng đất thuộc các quận: 12, Tân Bình, Gò Vấp và H.Hóc Môn đều là ngoại ô, đất rộng người thưa. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, đất chật người đông, nhà cửa chen chút, sát rạt khiến không ai dám nghĩ đến chuyện giải tỏa. Coi như lịch sử đã an bài.
Cũng có ý kiến cho rằng, do dân số tăng nhanh (mỗi năm VN tăng thêm cả triệu người) bắt buộc nhu cầu về nhà ở phải đáp ứng theo, nhằm “bào chữa” cho lý do vì sao TSN bị nhà cửa “bao vây”. Nghĩ như vậy vừa đúng, vừa sai. Đúng ở chỗ, người tăng thì nhà tăng. Sai ở chỗ, chính quyền có đủ quyền hạn để quy hoạch một vùng đất nào đó nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, cấm không cho xây dựng bất cứ công trình dân sinh nào trên khu đất ấy. Trong hoàn cảnh của sân bay TSN, nếu 30 năm trước chính phủ đồng ý cho TP.HCM “quy hoạch treo” những vùng đất phụ cận thì chắc chắn đã không phải khổ sở như ngày hôm nay.
Theo đà tăng trưởng dân số cũng “chóng mặt”, có ai dám chắc những phi trường quốc tế trên cả nước VN hiện nay không rơi vào tình cảnh bị nhà cửa “bao vây” như sân bay TSN trong vài thập niên tới? Đến lúc đó chúng ta sẽ thấy được sự lợi hại của chữ “nếu”…
Bình luận (0)