Uy lực thần thánh của nút “like” hay lối sống bệnh hoạn?

Đã đến lúc phải thay đổi triết lý giáo dục: song song việc đạo tạo về tri thức khoa học, phải dạy con em ta thành người tử tế và an toàn.

Mạng ảo nhưng tai họa thật!
Nền văn hoá truyền thống Việt Nam thấm đẫm tinh thần nhân văn trước hết vì nó luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá. Rất nhiều câu tục ngữ của ông cha ta đã thể hiện tư tưởng này, như “người ta là hoa của đất”, “người sống đống vàng”, “một mặt người bằng mười mặt của”…
Nhưng thật đáng lo vì nền tảng đạo đức xã hội hiện nay đang có những dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng, sự lệch lạc về lối sống trong vòng quay của những giá trị ảo đã biến một bộ phận không nhỏ những người trẻ trở thành nô lệ của sự tung hô, chú ý trên mạng xã hội. Không ít trong số đó đã gục ngã trước uy lực thần thánh của nút “like”.
Ngày 21.9, cộng đồng mạng xã hội vô cùng sửng sốt với clip một nam thanh niên tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống dòng kênh Tân Hóa - TP.HCM khi đã “gom” đủ 40.000 cú click vào nút “like” trên Facebook. Ít hôm sau dư luận lại nhận thêm cú sốc từ hành động châm lửa… đốt trường của một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa cũng chỉ vì đã đủ “like” ủng hộ trên Facebook.
Cũng chỉ vì trào lưu “Việt Nam nói là làm” đã biến tướng thành những hành động quái đản, thật đáng thương và cũng đáng trách những bạn trẻ cuồng quay với hai từ “nổi tiếng” đầy tai tiếng.
Nếu trách chủ nhân của những status câu “like” kia một thì đáng lên án sự vô tâm của hàng trăm nghìn người dùng mạng xã hội với cái tâm lạnh hơn băng. Họ không biết hay cố tình không biết rằng một cú click của mình là đóng góp thêm những tràng pháo tay cho lối sống bệnh hoạn, vô tình đưa khổ chủ đến dần với bờ vực hiểm nguy.
Những ngày vừa qua, liên tiếp những vụ việc đau lòng xảy ra: Một nam sinh lớp 8 tại Yên Bái đã tìm đến cái chết đớn đau sau khi bị nhóm bạn đánh và bắt quỳ gối; chưa hết, ở Bắc Giang, một nhóm nữ sinh THPT lao vào đánh bạn đến ngất xỉu, lột hết áo quần trong tiếng hò reo của đám đông vây quanh… Xem những hình ảnh ấy không ít người phải giật mình vì độ “lạnh” của những nam thanh, nữ tú còn hơn cả giang hồ thứ thiệt.
Chứng kiến những trò chơi ảo nhưng thể hiện thật của giới trẻ ngày nay khiến chúng ta không khỏi giật mình. Những người lớn, những người có trách nhiệm không thể vô can. Phải chăng một phần nào đó do ghánh nặng cơm áo gạo tiền khiến chúng ta bỏ quên con trẻ, hay con trẻ ngày nay quá nhạy cảm với tiêu cực đến nỗi người lớn không theo kịp?
Phải chăng nền tảng đạo đức xã hội đang gặp phải những vấn đề mang tính vĩ mô, bởi chẳng thể đòi hỏi người trẻ phải đạo đức, chuẩn mực nếu người lớn chỉ chăm chăm dối lừa nhau, chà đạp nhau. Xã hội có tốt không khi ra đường nơm nớp lo sợ, ai cũng sợ mình bị thiệt nên cố lao lên như con thiêu thân, ám ảnh bởi sĩ diện giàu nghèo khiến con người ngày càng mánh khóe chực chờ trục lợi trên xương máu đồng loại.
Đến lúc cần thay đổi triết lý giáo dục!
Chúng ta không nên cho rằng chỉ cần mỗi ngày cho trẻ hai buổi đến trường là chúng sẽ ngoan ngoãn mà quên đi trách nhiệm của gia đình với tư cách là cái nôi ban đầu nuôi dưỡng mỗi con người.
Chương trình học từ mẫu giáo lên đến đại học chủ yếu là truyền thụ những kiến thức mang tính hàn lâm mà chưa quan tâm đúng mực đến thời lượng cho việc truyền đạt những giá trị nhân văn. Chúng ta đã và đang tạo ra một thế hệ giỏi về thi cử nhưng khiếm khuyết tâm hồn.
Hiện nay, việc giáo dục những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc chủ yếu được giao phó cho môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Đạo đức và Văn học, nhưng trong số những môn này, chỉ có Văn học “may mắn” trở thành môn chính đúng nghĩa, còn lại đều bị coi là môn phụ, học sinh chán học đã đành, giáo viên dạy những môn này cũng chỉ đóng vai phụ!.
Với một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, những giá trị nhân văn truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng, tiếc thay chúng ta chưa thể phát huy được những giá trị đó để hun đúc và hình thành nên những cá nhân con người hoàn hảo nhất.
Hậu quả của một thời gian dài chưa quan tâm đúng và đủ đến việc giáo dục những giá trị nhân văn truyền thống khiến chúng ta phải trả giá đắt. Những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua là dấu hiệu của một xã hội đang xuống cấp về đạo đức văn hóa, nhất là ở giới trẻ.
Những bài học về bao dung, vị tha, giá trị sống đích thực hầu như đã lu mờ trước mùi tanh đầy hấp dẫn của đồng tiền. Nhiều người vì thế sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, thậm chí đoạt mạng nhau vì một vài mâu thuẫn nhỏ, mạng người bỗng trở nên rẻ rúng trước những đòi hỏi quá đáng của sự ích kỷ, thiếu lòng vị tha bao dung.
Có thể thấy rằng hậu quả của hành vi bạo lực học đường, sống ảo đang ngày càng hiển hiện trong đời sống tâm lý của giới trẻ, nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai của đất nước.
Đã đến lúc phải thay đổi triết lý giáo dục: đào tạo con người Việt Nam không chỉ giỏi về tri thức khoa học mà còn biết cách sống tử tế và an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.