Vụ án 45.000 đồng và những điều suy nghĩ

“Cướp bánh mỳ chống đói” là một trong những vụ án, do Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh xét xử, gây tranh cãi về “cái tình – cái lý”.

Phiên tòa kết thúc trong lặng lẽ, những gì làm người ta nhớ nhất không phải là tâm trạng hả hê thỏa mãn vì giây phút “hung thủ” trả giá mà là bản án 18 tháng 20 ngày tù chỉ vì đói mà “cướp” 2 bịch chuối sấy, 1 ổ mì ngọt, 2 bịch đậu phộng, 3 bịch me trộn đường tổng trị giá 45.000 đồng.
Theo lẽ thường phạm tội phải bị xử lý, lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng không bỏ sót một ai, những điểm sáng le lói trong vụ án này mà người ta dễ dàng nhận thấy là sự nghiêm khắc của pháp luật. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng không được xem thường pháp luật, bản án có tính răn đe và gửi thông điệp cứng rắn đến những ai có mầm mống phi pháp. Nó khiến chúng ta nhớ đến hình ảnh những người Nhật trong cơn “thập tử nhất sinh” sau trận động đất vẫn nghiêm túc xếp hàng chờ nhận lương thực, không hề có cảnh vì đói khát mà dẫm đạp, tranh giành nhau miếng ăn..
Nhưng đọc xong bài báo tường trình về buổi xét xử mà lòng nặng trĩu: Có hay không một bản án dành cho quan và một bản án dành cho dân?
Ngày càng nhiều những vụ việc tương phản khiến dư luận đặt những câu hỏi về cái gọi là bản án cho quan phải chăng khác bản án dành cho dân? Và trong mỗi phiên tòa liệu có bóng dáng của thân phận con người?
Bởi chứng kiến bản án này làm chúng ta không khỏi liên tưởng và so sánh đến những gì xảy ra với đường ống nước Sông Đà đã vỡ đến lần thứ…18 nhưng chẳng ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí còn được cảm thông.
Đường ống nước Sông Đà đã quá “nổi tiếng” đến nỗi mỗi khi xảy ra sự cố, báo chí phản ánh thì người ta chỉ còn tặc lưỡi: “Chuyện thường ngày ở huyện!”. Rõ ràng, so về mức độ thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của vụ cướp trị giá 45.000 đồng và 18 lần vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà không thể so sánh với nhau.
Việc vỡ đường ống khó đong đếm về mức độ thiệt hại bởi nó khiến cuộc sống hàng triệu người dân bị đảo lộn, làm mất niềm tin của nhân dân vào cơ quan nhà nước và chắc chắn 18 lần đào lên lấp xuống sẽ tiêu tốn số tiền không nhỏ. Người viết không có ý bao biện cho hành vi cướp vặt nhưng rõ ràng “thiệt hại” và hệ lụy xã hội để lại sau vụ án 45.000 đồng có chăng chỉ là những băn khoăn, trăn trở của những con người có lòng trắc ẩn.
Quan điểm của nhiều luật sư, chuyên gia tư pháp cũng chỉ rõ, hành vi của lãnh đạo Vinaconex có thể bị truy tố ở khung hình phạt 8 đến 20 năm tù. Nhưng họ vẫn bình an vô sự, được miễn tố vì “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng”. Càng vô lý hơn, đây là những điểm không nằm trong quy định được miễn truy tố, quy định trong Bộ luật tố tụng Hình sự.
Tương tự như vụ án này, hai thanh niên trộm chim nhà vị Giám đốc sở ở Quảng Nam đã bị truy bắt tới cùng vì hai con chim quý trị giá 5 triệu đồng, trong khi người tù “nổi tiếng” Huỳnh Văn Nén ôm nỗi oan thấu trời suốt 17 năm ròng rã, chẳng có cơ quan chức năng nào vào cuộc ngoài vợ và người thân của ông lần mò giải oan. Và còn nhiều thân phận con người khác nữa chỉ đòi chút quyền lợi chính đáng nhưng mất cả chục năm để gõ cửa các cơ quan chức năng.
Ngày càng nhiều những vụ việc tương phản khiến dư luận đặt những câu hỏi về cái gọi là bản án cho quan phải chăng khác bản án dành cho dân? Và trong mỗi phiên tòa liệu có bóng dáng của thân phận con người?
Không phải chỉ xứ ta, mà ở nước ngoài trộm cắp vì đói cũng từng có những vụ án tương tự. Cảnh sát Ý cũng từng bắt một người ăn trộm xúc xích ở siêu thị, nhưng tòa án tuyên vô tội vì người này lấy cắp để phục vụ nhu cầu cấp bách.
Trong phiên xử sơ thẩm, tòa án kết luận người này phạm tội trộm tài sản và phải chịu mức án 6 tháng tù giam và phạt 100 EUR. Tuy nhiên, tòa phúc phẩm lại ra phán quyết rằng người này lấy trộm thực phẩm chỉ để giải quyết cơn đói, đây là một nhu cầu cần thiết, lượng thực phẩm người này lấy cũng không lớn nên thẩm phán đã tuyên người này vô tội.
Biểu hiện đầu tiên của một nhà nước pháp quyền là sự thượng tôn pháp luật và sự nghiêm minh chính trực của pháp luật. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Chỉ như thế thì khi tòa án pháp lý xử xong mỗi chúng ta sẽ không phải “mở” thêm những phiên tòa lương tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.